Giá tăng “phi mã”
Theo hiệp hội, giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4. Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 3/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, tại Đà Nẵng được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với quý cuối năm trước. Các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.
Giá càng làm càng lỗGiám đốc kinh doanh một tập đoàn xây dựng tại TP.HCM nói: “Nhà thầu bây giờ không dám nhận thầu các dự án vì giai đoạn này càng làm càng lỗ. Ngủ 1 đêm, mai dậy giá khác, không ai dám làm. Tập đoàn của chúng tôi có công ty đi đấu thầu mấy dự án của Bộ NN-PTNT, giá thép Bộ đưa 13.000 đồng nhưng mua bên ngoài đã 19.000 đồng, làm sao dám mạnh tay. Tính chung, mặt bằng giá xây dựng hiện cũng đội lên khá cao. Một dự án căn hộ chung cư hiện bán giá 30 triệu đồng/m2, nếu xây tầm này xong phải bán lên 35 - 36 triệu đồng/m2. Nói vậy để thấy, nếu không có chính sách can thiệp kịp thời thì không chỉ nhà thầu xây dựng khổ mà sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới kinh tế vĩ mô”.
|
Từ thực trạng trên, VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các sở xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho doanh nghiệp (DN) khi giá thép liên tục tăng cao.
“Mặc dù từ đầu tháng 1, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 389 nhắc các bộ ngành xử lý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi mà tình hình thì càng phức tạp hơn, giá cả tiếp tục tăng. Nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản”, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cảnh báo.
Trước văn bản của VACC, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng thông tin giá thép trong thời gian vừa qua có bước tăng “phi mã”. Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết âm lịch ở mức bình quân khoảng 15.900 - 16.000 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng DN cụ thể.
Khảo sát đến 20.4, thép cuộn phi 6 - 8 mm thương hiệu Hòa Phát tại thị trường miền Nam có giá lên tới 16.390 đồng/kg, thép thanh vằn ở mức 16.440 đồng/kg. Tương tự, thép cuộn thương hiệu Pomina giá lên tới 16.900 đồng/kg và thép thanh vằn ở mức 17.000 đồng/kg. Thép cuộn thương hiệu Thép miền Nam giá 16.700 đồng/kg, thép thanh vằn 16.600 đồng/kg.
Có hiện tượng ghim hàng, làm giá?
Trao đổi với Thanh Niên, ông N.N, trợ lý giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM, cho biết giá thép tăng kéo theo giá rất nhiều loại vật liệu xây dựng leo thang. Một tuần nhận báo giá 2 lần, công ty này lại “choáng” vì bảng kê một loạt từ thép, cát, đá, gạch, bê tông, ống nhựa… cứ nhích dần, đẩy giá công trình đội lên liên tục. Trước Tết Nguyên đán, giá xây thô khoảng 3,5 triệu đồng/m2 nhưng nay phải tăng lên đến 3,8 - 4 triệu đồng/m2 mới có đơn vị nhận xây, còn kèm điều kiện phải linh động kê lại giá theo chuyển biến của thị trường, gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Giám đốc kinh doanh của một tập đoàn xây dựng, bất động sản lớn không giấu nổi bức xúc khi đề cập tới vấn đề giá thép, không chỉ vì giá tăng quá cao mà còn vì có dấu hiệu ghim hàng, làm giá tại các nhà sản xuất. Vị này kể, từ tháng 1 đến nay, giá thép đã tăng khoảng 45%, với tốc độ “kinh khủng”: Hôm nay tăng 300 đồng/kg, ngày mai lên 400 đồng/kg, nghỉ cuối tuần, đến thứ hai nhà sản xuất đã thông báo tăng 600 đồng/kg. Tốc độ tăng “phi mã” từng ngày như vậy dẫn đến cảnh tượng hỗn loạn. Nhà máy sản xuất thép không nhận đơn đặt hàng. Hằng ngày, họ chỉ nhận chốt đơn đến 16 giờ, đến hôm sau ra thông báo tăng giá mới. Các đại lý, chủ thầu thuê tài xế vô sắp tài trong nhà máy, người nào tới trước lấy trước, tới giờ đó đóng lại, ngày mai vẫn sắp tài tiếp nhưng mua bằng giá mới. Ai chuyển tiền vô trước thì lấy được. Các dự án mua bằng bảo lãnh thanh toán cũng không được ưu tiên.
“Nhà máy hoặc những người có quyền lực trong nhà máy không xuất hàng, để thêm đến mai tăng được 400 - 500 đồng/kg thì tội gì họ không để. Trong khi đó, nhu cầu thép trong ngành xây dựng cực kỳ lớn. Chỉ riêng công ty chúng tôi, một ngày chúng tôi cần ít nhất 300 - 400 tấn thép nhưng chỉ mua được 60 - 70 tấn. Chưa kể chủng loại cũng khan hiếm, có cái này không có cái kia, nhà thầu xây dựng rất bị động trong việc lấy chủng loại hàng về để thi công”, ông nói.
Cũng theo vị này, đối với các dự án mà DN tự bỏ tiền hoặc các công trình đã cam kết về tiến độ, nếu trễ bị phạt nặng, bị ràng buộc bởi các điều khoản hợp đồng về giá thì phải cố “nghiến răng” chạy tiếp; còn các dự án công, bị áp bởi giá nhà nước quá thấp, không điều chỉnh theo cơ chế thị trường thì không ai dám đẩy nhanh tiến độ.
Cần điều tiết để giá thép “hạ nhiệt”
Lý giải về giá thép trong nước tăng, đại diện Hiệp hội Thép cho biết có nhiều nguyên nhân từ biến động trên thế giới do căng thẳng thương mại giữa các nước, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giá phôi thép ngày 6.4 vừa qua ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3.2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 6.4 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3.2021 và đã qua mức chào giá ngày 8.12.2020 là 700 USD/tấn. Nhìn chung, thị trường thép cuộn cán nóng HRC thế giới biến động mạnh khiến cho thị trường HRC trong nước khó khăn do các DN sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Thừa nhận tình trạng nhiều nước đang đẩy đầu tư hạ tầng để vực dậy kinh tế, khắc phục suy thoái hậu Covid-19 nhưng chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, không phải một sớm một chiều mà các nước có thể ồ ạt đầu tư xây dựng đến nỗi khan hiếm thép kinh khủng như hiện nay. Giá thép Việt Nam tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam.
Cụ thể, nếu nhìn lại giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020, giá thép suy giảm rất mạnh do nhu cầu xây dựng giảm mạnh, đặc biệt là các cao ốc và hạ tầng lớn, ngốn nguồn thép. Thép ế, các kho hàng thép sẵn sàng bán cho chủ nợ và giảm giá rất mạnh. Hàng tồn kho lớn, các nhà máy sản xuất thép giảm công suất rất nhiều, giảm kế hoạch nhập phôi. Đến cuối năm 2020, khi có những hạ tầng xây dựng trở lại và tăng trưởng thì bị khan hiếm ngắn hạn. Kết hợp với giá dầu thế giới tăng trở lại, đẩy giá thép tăng cao.
Từ nhận định trên, ông Hiển cho rằng: “Giá thép tăng phi mã sẽ chỉ trong giai đoạn ngắn hạn, tối đa là trong 6 tháng thì cung - cầu sẽ điều tiết lại. Ngành thép nói chung công suất vẫn dư và vẫn sẵn sàng nhận thép về. Tuy vậy, Bộ Công thương vẫn cần nhanh chóng điều tiết, có thể cân đối nhập khẩu, giảm thuế nhập khẩu trong điều kiện ngắn hạn… để giá thép hạ nhiệt, đáp ứng dần nhu cầu sản xuất. Nếu thụ động sẽ vô tình tạo đầu cơ thép, gây khan hiếm hàng, ảnh hưởng chung cho nền kinh tế”.
Bình luận