Nhà thơ Đinh Nho Tuấn 'thương sông Lam chết đuối cả trong vườn'

21/10/2022 19:09 GMT+7

Tập thơ Díu dan với núi sông (NXB Hội Nhà văn ấn hành) là tác phẩm thứ ba của Đinh Nho Tuấn. Vậy thơ Tuấn có gì? Anh khác các thi sĩ chúng ta yêu mến ra sao và điều gì làm thơ anh hay?

Chúng ta đang ở trong “căn nhà” của Đinh Nho Tuấn. Căn nhà mà ngay cái tên đã là lời “tự thú” của chính ông chủ: Díu dan với núi sông. Và “đồ đạc vật dụng” của căn nhà bề thế này là những bài thơ dào dạt đôn hậu. Chúng cũng đang lặng lẽ khoe về ông chủ của chúng.

Đọc Đinh Nho Tuấn, ta biết anh đi rất nhiều và đôi khi muốn sống chậm lại để làm thơ

Nhà thơ trẻ Đinh Nho Tuấn (trái) và bạn văn chương

NVCC

Thông thường, khi tới thăm ai đó, tôi có cái thú vui là cứ thích tò mò ngắm những đồ đạc, vật dụng bày đặt trong nhà. Đối với tôi, đó là những sinh linh thật thà và tốt bụng. Chúng đang xởi lởi kể với tôi về ông chủ của chúng, kể bằng sự im lặng. Nhưng ta lại hiểu được chủ nhà là người thế nào. Trình độ văn hóa và tính cách ra sao. Rồi cả số phận của ông ta nữa. Có lẽ vì thế, mà ở nhiều nước có những ông thầy bói quái quỷ, xem tướng người ta, lại không nhìn mặt, không nhìn bàn tay, chỉ tay, mà lại lật cái đế giày lên, xem độ mòn, góc mòn của đế giày, rồi căn cứ vào độ mòn cơ học ấy mà phán vanh vách về ông chủ, chuẩn xác và tinh quái như một con ma xó.

Đinh Nho Tuấn - một người lao động cật lực. Hay nói như nhà thơ Lê Đạt, một “phu chữ” vạm vỡ và cần mẫn.

Tập thơ Díu dan với núi sông (NXB Hội Nhà văn ấn hành) mà quý vị và các bạn đang có trên tay đây là tập thơ thứ ba của Đinh Nho Tuấn. Vậy thơ Tuấn có gì? Anh khác các thi sĩ mà chúng ta yêu mến ở đâu? Cái gì làm nên thơ anh? Và sự đóng góp của anh với nền thơ chung của chúng ta hôm nay là gì? Một đồng nghiệp của tôi, cũng là bạn của Đinh Nho Tuấn đã hỏi tôi như vậy, khi ông biết tôi đang đọc tập thơ còn trong dạng bản thảo của anh.

Ông bạn đồng nghiệp hỏi vậy cũng vì yêu chàng thi sĩ của chúng ta thôi. Nhưng tôi nghĩ, cũng không nên đặt ra những vấn đề quá to tát như thế. Đinh Nho Tuấn là một nhà thơ. Bây giờ ai làm thơ chúng ta cũng kính trọng. Thêm một nhà thơ là thêm một sự lương thiện đến với chúng ta trong cõi đời dâu bể đầy bụi bặm và luôn bất an này.

Có một cách nhìn riêng biệt, không giống ai cả

Tôi rất quý Đinh Nho Tuấn dù chưa một lần tiếp xúc chính thức với anh. Tôi chỉ biết anh qua những bài thơ ngổn ngang, bề bộn và dào dạt xúc cảm. Đinh Nho Tuấn là nhà thơ đương đại. Nhà thơ của ngày hôm nay. Hôm nay không phải hôm qua. Đấy là điểm khác biệt giữa Đinh Nho Tuấn với các thi sĩ thế hệ trước.

Tôi chợt nhớ một kỷ niệm nhỏ. Lâu rồi. Dễ đã hơn ba chục năm. Chiều ấy, tôi đến thăm nhà anh bạn thân cùng học phổ thông, lúc ấy đang là Phó Tổng biên tập báo Nông nghiệp. Anh rất yêu thơ. Nhà anh có cả ba ấn phẩm rất có uy tín thời ấy. Đó là báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Tác Phẩm mới. Nhân lúc rỗi rãi, tôi chọn ba số bất kỳ. Rồi lại chọn tiếp mỗi câu thơ của hai mươi tác giả bất kỳ, ghép lại với nhau thành một bài thơ mới. Tôi không thay đổi một chữ nào, mà thơ mà vẫn liền mạch, liền ý và đôi chỗ còn chuẩn cả vần điệu, nhuần nhuyễn như thơ của một tác giả. Tôi đem đến nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật, lúc bấy giờ đang phụ trách tổ thơ báo Văn nghệ. Anh bảo: “Bài Khoa hay lắm. Anh không ngờ chú viết quá hay. Anh ký ngay và đề nghị in trang nhất”. Một người sành thơ đến như Phạm Tiến Duật, mà vẫn không thể nhận ra được, trong bài thơ “rất hay” ấy chẳng có một chữ nào của tôi, cũng không phải thơ một người, mà của hai mươi thi sĩ ở lứa tuổi khác nhau, thậm chí ngoài đời, có người còn ghét nhau, không thèm nhìn mặt nhau mà thơ lại giống nhau. Giống như những giọt nước. Nói thật thà như nhà thơ Tế Hanh: “Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình”.

Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Đinh Nho Tuấn rất được độc giả yêu thích

NVCC

Và như thế, Đinh Nho Tuấn đâu phải ngoại lệ. Nói như Phạm Tiến Duật thì anh là một “cánh hoa” trên bông hoa có hàng ngàn cánh ấy. Anh góp phần làm nên sự đa dạng của thơ chúng ta hôm nay bằng giọng điệu “màu sắc” của riêng mình.

Tập thơ mới này là một cuộc díu dan của anh, nhưng không díu dan với một cô nàng trẻ đẹp, kiều diễm nào đó, mà díu dan kia. Đong đưa với núi sông, nên tập thơ đề cập đến nhiều vấn đề lớn của đất nước, của đời sống: “Mẹ Thiên nhiên”, “Tổ quốc và tôi”, “Khi Tổ quốc nguy nan từ biển”, “Những hòn đảo Tổ quốc”…, nhưng anh vẫn không quên những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống mỗi ngày, như: “Rau khoai lang”, “Bưởi quê, “Giữa trưa hè cha tôi bổ củi”, “Khi tôi ngủ bầy chim vẫn hót”, “Dân thường”, “Cúc họa mi”, “Vườn đêm”...

Đọc Đinh Nho Tuấn, ta biết anh đi rất nhiều. Từ “Bến Lam Kiều” tới nước bạn Lào, rồi đến “Mùa xuân Nga”, những miền bạch dương tuyết trắng. Đến đâu anh cũng có thơ. Nhiều người, nhiều việc, nhiều cảnh ta gặp rồi quên. Nhưng anh lại nhớ. Anh chiêm ngưỡng trong cõi nhớ, với góc nhìn riêng, với giọng điệu riêng trong những bài thơ nồng hậu. Chúng ta rất xúc động khi thấy anh cảm thông, chia sẻ với những người bất hạnh. Cũng đã có nhiều người viết về kiếp mồ côi khi đang tuổi ấu thơ, nhưng đến Đinh Nho Tuấn, anh vẫn có một cách nhìn riêng biệt, không giống ai cả:

Ba tuổi mẹ qua đời, đêm đông con tròn trong vòng tay mẹ

Hơi ấm giờ bay về nơi xa

Ba tuổi, tuổi cào cào châu chấu

Tuổi trăng thanh vuông sân nhỏ, ao nhà

Thông thường, khi làm thơ, các thi sĩ có nghề thường chú tâm xây dựng hình tượng, cấu tứ. Thơ không kể lể, mà chắt lọc. Thơ cốt gợi chứ không nói hết, nói cặn kẽ đến trơ gốc trơ rễ. Câu chữ hết nhưng thơ không hết, bởi nó lại mở ra một cánh cửa vào cõi vô biên. Các cụ bảo “ý tại ngôn ngoại”, nhà thơ Bằng Việt thì bảo đó là “khoảng cách giữa lời”. Thơ tồn tại ở khoảng cách giữa lời ấy. Bởi thế, thơ ca mới cần bạn tri âm, cần người diễn giải. Và điều đó đã làm nên sự huyền diệu của thơ.

"Tôi rất quý Đinh Nho Tuấn dù chưa một lần tiếp xúc chính thức với anh. Tôi chỉ biết anh qua những bài thơ ngổn ngang, bề bộn và dào dạt xúc cảm", nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự

NVCC

Thơ Đinh Nho Tuấn là thế. Bề bộn, ngổn ngang trong xúc cảm tràn trề. Ta có thể gặp trong tập thơ này, nhiều con người, nhiều cảnh sắc ở nhiều vùng đất khác nhau, cả những bến bờ xa lắc nơi đất bạn Lào hay vùng bạch dương tuyết trắng xứ Nga. Nhưng những bài thơ, những câu thơ ấn tượng nhất của Đinh Nho Tuấn vẫn là những bài thơ, những câu thơ anh viết về quê hương, đặc biệt là vùng quê Hà Tĩnh.

Một miền đất rất nghèo, đã thế lại có khí hậu khắc nghiệt, mưa bão, hạn hán, lũ lụt liên miên. Một vùng đất, mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Hạt mưa bay, ngọn gió cuốn”, nên chẳng còn gì cả. Tài nguyên duy nhất của Hà Tĩnh, chính là người Hà Tĩnh. Khoáng sản tuyệt vời nhất của Hà Tĩnh cũng là người Hà Tĩnh. Ta hiểu vì sao mảnh đất khắc nghiệt này lại sinh ra nhiều con người kiệt xuất. Có người Hà Tĩnh suốt đời bám trụ tại Hà Tĩnh, nhưng tên tuổi, nhân cách và tài năng của họ đã trở nên thân thuộc với bạn đọc cả nước và thế giới. Có người Hà Tĩnh rực sáng ở những miền quê xa. Họ có mặt ở nhiều bến bờ châu lục. Đấy là những người Hà Tĩnh xa quê, họ mang Hà Tĩnh đi theo và tiếp tục làm rạng danh Hà Tĩnh, biến Hà Tĩnh thành một địa danh đặc biệt. Nói như nhà thơ Trần Nhuận Minh thì đấy là vùng đất ông vô cùng kính ngưỡng. Đến nỗi khi đến Hà Tĩnh, hay chỉ đi qua Hà Tĩnh, không bao giờ ông dám đội mũ. Bởi đấy là quê hương Nguyễn Du và không phải chỉ có Nguyễn Du. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng có một bài thơ rất hay viết về Hà Tĩnh. Ông đặc tả con sông Lam: “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/Sông nằm hóa Lục bát Nguyễn Du/Sông đứng thành Hồng Lĩnh/Sông đi thành ví dặm trời xanh”. Viết thế kể cũng là tài. Đấy là cái nhìn của người tài, đứng xa ngắm sông Lam. Còn Đinh Nho Tuấn là người con của Hà Tĩnh. Anh có cái nhìn gần của người trong cuộc: “Nghe cuồng phong trên quê hương đất mẹ/Làng xóm chìm trong dòng nước băng băng”. Và rồi: “Những con sông không uống dùm hết nước/Thương sông Lam chết đuối cả trong vườn”.

Bìa tập thơ Díu dang với núi sông của nhà thơ Đinh Nho Tuấn do NXB Hội Nhà văn ấn hành

NVCC

Viết về những trận đại hồng thủy của Hà Tĩnh, làng xóm, nhà cửa chìm trong nước: “Thương sông Lam chết đuối cả trong vườn”, là một câu thơ thật hay. Đinh Nho Tuấn có những câu thơ ấn tượng như vậy.Tôi có thể tiếp tục dẫn ra nhiều câu thơ như thế. Nhưng rồi tôi lại thôi. Tôi sợ trong cuộc sống tất bật vội vàng này, quý vị sẽ chỉ đọc những câu thơ tôi trích mà bỏ qua rất nhiều những bài thơ, câu thơ cũng rất đáng đọc của anh. Vì thế, tôi xin dừng lại ở đây, để bạn đọc cùng anh Díu dan với núi sông và tự khám phá những vẻ đẹp rải suốt dọc đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.