Năm nay, “cú đúp” trong văn chương bất ngờ đến với nhà thơ vào dịp cuối năm, khi tập thơ Ngàn tiếng đời ấp ủ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải Tặng thưởng 2022; và trong lĩnh vực thơ có 10 hội viên mới kết nạp của Hội Nhà văn TP.HCM cũng gọi tên nhà thơ Đinh Nho Tuấn.
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn (sinh năm 1966) tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Odessa (Liên Xô cũ), hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM, là một giọng thơ lạ, đầy nội lực. Ít ai biết, “xuất phát điểm” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn là một nghề… khô khan tưởng chừng chẳng liên quan gì đến thi ca khi anh được đào tạo bài bản ở nước ngoài trong suốt 20 năm, tốt nghiệp thạc sĩ luật và TS kinh tế. Rồi có lẽ ảnh hưởng từ người cha mình là cố nhà báo lão thành Đinh Nho Liêm, nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh, cũng như từ nhỏ được đắm mình trong những câu Kiều đã khiến ông lại tìm đến với cảm xúc thi ca. Chỉ riêng 3 năm (từ 2018 - 2020), tác giả Đinh Nho Tuấn cho ra mắt liên tục 3 tập thơ: Em hãy cho anh vội, Em tôi và Díu dan với núi sông (đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành).
Trong cuộc sống, Đinh Nho Tuấn là người khá chu toàn, vì thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét về tập thơ mới cũng như chính tính cách con người ông: “Díu dan với núi sông của Đinh Nho Tuấn đề cập đến nhiều vấn đề lớn của đất nước, của đời sống: Mẹ thiên nhiên, Tổ quốc và tôi, Khi Tổ quốc nguy nan từ biển, Những hòn đảo Tổ quốc…, nhưng không vì thế mà quên đi những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống mỗi ngày, như: Rau khoai lang, Bưởi quê, Giữa trưa hè cha tôi bổ củi, Khi tôi ngủ bầy chim vẫn hót, Dân thường, Cúc họa mi, Vườn đêm…”.
Bình luận (0)