Nhà thơ Đông Nguyên không qua khỏi sau tai nạn giao thông

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/11/2020 21:58 GMT+7

Sau một tháng nằm hôn mê trong bệnh viện vì tai nạn giao thông, nhà thơ Đông Nguyên qua đời, đã khiến nhà thơ Phùng Hiệu, người rất gắn bó với ông, vô cùng bàng hoàng.

Nhà thơ Đông Nguyên tên thật là Nguyễn Đông, sinh tại Quảng Nam. Ông là Hội viên Hội nhà văn TP.HCM, Chủ biên Tạp san Sông Quê, Chủ nhiệm CLB thơ Tân Bình, Chủ nhiệm CLB sân khấu điện ảnh Q.12, TP.HCM.
Ông đã xuất bản trên 5 tập thơ và nhiều kịch bản phim, kịch bản sân khấu. Ngoài làm thơ, ông còn làm đạo diễn và biên kịch. Do bị tai nạn giao thông, nhà thơ Đông Nguyên đã qua đời vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 15.11, thọ 70 tuổi".

Nhà thơ Phùng Hiệu gắn bó với nhà thơ Đông Nguyên nhiều kỷ niệm. "Tôi quý mến ông như người cha, người chú của mình", nhà thơ trẻ chia sẻ

Ảnh: NVCC

Nói về mối lương duyên với nhà thơ Đông Nguyên, nhà thơ Phùng Hiệu kể: “15 năm trước, tôi tình cờ quen biết ông trong buổi giao lưu thơ tại Q.Tân Phú, TP.HCM. Lúc đó, tôi mới làm thơ và chưa in được tác phẩm nào. Nghe ông giới thiệu ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, đã có nhiều năm hoạt động và đóng góp cho cơ quan này, tôi thấy quý ông và từ đó chơi thân với ông như một người bạn vong niên. Qua sự kết nối của ông, tôi có điều kiện để giao lưu với các nhà thơ: Nguyễn Vũ Tiềm, Đoàn Văn Khánh,Trần Mai Hường, Nhật Quỳnh, Lê Hoàng, Trần Trí Thông, Tường Linh, Ngã Du Tử, Lương Cẩm Quyên....”
Từ khi được xem như người trong nhà, thi sĩ trẻ Phùng Hiệu thường lân la cùng ông đi giao lưu thơ, chỗ nào có sinh hoạt là nhà thơ Đông Nguyên dẫn Phùng Hiệu đến tham gia. “Tôi quý mến ông như người cha, người chú của mình. Nhớ có vài lần ông đến nhà tôi chơi và gặp ba tôi. Do ông lớn hơn ba tôi 1 tuổi nên ba tôi bắt tôi gọi ông bằng bác thay vì gọi anh như trước đó. Từ đó tôi chuyển sang gọi ông bằng chú nhưng lại gọi những người bạn của ông (lớn tuổi hơn ông) bằng anh. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng tôi và ông có họ hàng bà con gì đó”, nhà thơ Phùng Hiệu chia sẻ.
Ngay cả việc in thơ cho Phùng Hiệu và giới thiệu vào Hội Nhà văn TP.HCM, ông cũng đều lo lắng chu toàn. Nhà thơ Phùng Hiệu nhớ lại: “Tập thơ đầu tay Tình không dám ngỏ của tôi ra đời, người viết lời bạt chính là ông. Ở tập thơ đầu, do tôi thích làm thơ tình sến súa nên trong lời giới thiệu ông gọi tôi là "Tiểu Xuân Diệu". Tôi hãi quá nói ông xóa 3 chữ đó đi thì ông nói, Xuân Diệu là “ông hoàng” thơ tình, còn cháu thuộc hàng tiểu bối nhưng lại có kiểu thơ tình na ná nên gọi “Tiểu Xuân Diệu” cũng không sao, vui thôi mà. Không lay chuyển được ý ông, tôi đành để vậy. Rồi tập thơ thứ 2 của tôi ra mắt cũng nhờ sự động viên và giúp đỡ của ông. Năm 2010, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM, rồi sau đó là Hội Nhà văn Việt Nam, ông mới là người vui nhất”.
Trong quá trình hoạt động văn học và nghệ thuật, nhiều lần nhà thơ Đông Nguyên còn ngỏ lời mời Phùng Hiệu tham gia vào các công việc, kể cả lãnh vực sân khấu và điện ảnh. Ông viết rất nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim, làm đạo diễn, làm chủ biên các ấn phẩm văn chương...

Dù tuổi cao, nhưng nhà thơ Đông Nguyên luôn hết mình với các hoạt động hội thơ, văn nghệ

Ảnh: Phùng Hiệu

Nhà thơ Phùng Hiệu kể: “Còn nhớ, trong những năm 2006, 2007, 2008, lúc đó ông mới ngoài 50 tuổi, tôi cũng chỉ mới 30 chưa hiểu biết được hết các hoạt động nghệ thuật vì tôi đang làm công việc xây dựng, trang trí nội thất, nhưng ông không ngại mời tôi tham gia cùng ông phụ trách CLB sân khấu Q.12, CLB thơ Gia Định, CLB thơ Đất Quảng... Thương ông, dù bận rộn với rất nhiều công việc và cũng không hiểu nhiều về văn chương, nghệ thuật nhưng tôi cũng nhảy vào tham gia và hỗ trợ một chút tài chính cho ông hoạt động”.
Cách đây 1 tháng, nghe tin nhà thơ Sĩ Trung mất, nhà thơ Phùng Hiệu có gọi điện thoại cho ông để cùng đi viếng. Đứng trước linh cửu nhà thơ Sĩ Trung, nhà thơ Đông Nguyên đã khóc nhiều và nói với Phùng Hiệu rằng: “Cuộc đời vô thường quá, chú cháu mình hôm nay sum họp nhưng không biết ngày mai có còn gặp lại hay không". Bỗng nhiên trong thâm tâm nhà thơ Phùng Hiệu có linh cảm điều gì đó không hay lắm, và ngờ đâu câu nói đó là lời tâm sự cuối cùng trước khi ông thành người thiên cổ.
Lễ viếng nhà thơ Đông Nguyên vào sáng 17.11, lễ động quan lúc 7 giờ ngày 19.11, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Hoa Viên, Bình Dương. Để tiễn biệt nhà thơ Đông Nguyên, đêm 18.11, anh em văn nghệ cùng gia đình sẽ tổ chức đêm thơ để tiễn đưa ông tại nhà riêng số 98 Trương Vĩnh Ký, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Xin nghiêng mình vĩnh biệt nhà thơ Đông Nguyên, một hội viên năng nổ và đầy trách nhiệm ở Hội Nhà văn TP.HCM.
.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.