Thời gian gần đây. nhiều người dân thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp, H.Núi Thành, Quảng Nam) khá bất ngờ, đồng thời cũng bày tỏ sự bức xúc trước công trình nhà thờ họ "khủng" được xây dựng kiên cố trái phép trên đất lâm nghiệp.
Công trình nhà thờ họ diện tích "khủng"
Theo người dân địa phương, năm 2021, chủ nhân của nhà thờ họ này bắt đầu tiến hành xây dựng tường rào, cổng ngõ và san gạt đất ra phía sau để tạo mặt bằng. Năm 2022, công trình rầm rộ thi công và đến năm 2023 đi vào công đoạn hoàn thiện.
Nhiều người tỏ ra bức xúc khi cho rằng: "Một công trình xây dựng trái phép được xây dựng đồ sộ trên đất lâm nghiệp trong thời gian dài, mà chính quyền không phát hiện để xử lý thì thật vô lý!".
Theo ghi nhận, công trình này khá nổi bật với nhiều kiến trúc hiện đại, tọa lạc trên ngọn đồi cao ở tổ 6 (thôn Thọ Khương). Hệ thống tường rào, cổng ngõ phía trước kiên cố, cao tầm 4 m, dài khoảng gần 200 m nằm sát tuyến đường liên thôn. Chính giữa tường rào là cổng chính cao, rộng với hệ thống cửa sắt chắc chắn, phía bên trên ghi dòng chữ "Nhà thờ họ Phạm".
Ước tính, khuôn viên của công trình này rộng gần 2 ha bao gồm, khoảng sân phía trước tương đối rộng đã được trồng một số cây xanh. Từ sân lên đến công trình chính là bậc thềm bê tông cao hơn 3 m.
Phía bên trên, một phần ngọn đồi đã bị bạt đất, san ủi để xây dựng căn nhà chính với kiến trúc gồm tầng trệt và tầng lầu rộng hàng trăm m2, được lợp 2 tầng ngói, cùng hệ thống cột trụ kiên cố. Đồng thời, phía 2 bên còn được xây dựng thêm 2 căn chòi nghỉ ngơi.
Kiểm tra 2 lần nhưng vẫn khẳng định đúng vị trí quy định (?!)
Theo tìm hiểu, công trình kiên cố nói trên là của ông Phạm Văn Phong. Ông Phong là người quê gốc ở H.Núi Thành, hiện nay đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Khu vực đất ông Phong xây dựng công trình là đất lâm nghiệp được mua lại của một người dân ở gần đó. Việc xây dựng công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp là trái quy định của pháp luật. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà suốt mấy năm liền, hoạt động thi công rầm rộ này lại không bị chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn.
Sau khi người dân phản ánh, mới đây UBND xã Tam Hiệp mới cử người lên kiểm tra. Điều đáng nói, trong 2 lần kiểm tra, cán bộ địa chính xã Tam Hiệp đều báo cáo rằng, công trình này xây dựng đúng quy định, không sai phạm (?!)
Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, trong diện tích khuôn viên nhà thờ họ mà ông Phạm Văn Phong xây dựng có 300 m2 đất được quy hoạch là đất ở. Tuy nhiên, công trình chính của nhà thờ tộc lại hoàn toàn nằm trên đất lâm nghiệp với diện tích đo được là 500 m2.
Theo bà Mỹ, khi công trình này đi vào xây dựng, chính quyền địa phương đã yêu cầu cán bộ địa chính lên kiểm tra. Qua 2 lần kiểm tra thì địa chính đều báo cáo là xây dựng đúng vị trí quy định (phạm vi 300 m2 đất ở - PV), nhưng khi phát hiện sai phạm địa phương đã yêu cầu địa chính viết kiểm điểm vì lý do kiểm tra sơ suất để có hướng xử lý.
"Thẩm quyền xã thì lập biên bản báo cáo sự việc lên UBND H.Núi Thành. Hiện huyện cũng đã ban hành quyết định xử lý rồi. Đã sai là buộc phải xử lý, còn việc khắc phục hậu quả như thế nào thì chờ huyện họp rồi xử lý các bước tiếp theo", bà Mỹ nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng TN-MT H.Núi Thành khẳng định việc xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp của ông Phạm Văn Phong là sai. UBND H.Núi Thành đã ban hành quyết định yêu cầu ông Phong trả lại lại hiện trạng ban đầu. Trong trường hợp không tự tháo dỡ, địa phương sẽ làm các thủ tục để cưỡng chế.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 8.8
Liên quan đến việc này, ngày 6.7.2023, UBND H.Núi Thành đã có quyết định về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Phạm Văn Phong.
Nội dung quyết định nêu rõ, ông Phong đã có hành vi chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (diện tích gần 500 m2), và hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được nhà nước có thẩm quyền cho phép (diện tích gần 60 m2).
UBND H.Núi Thành yêu cầu ông Phong khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã quá thời hạn yêu cầu nhưng chủ nhân của công trình vẫn chưa có động thái khắc phục.
Bình luận (0)