Buổi nói chuyện với chủ đề Người phụ nữ trong thơ Hoàng Cầm và thơ Nguyễn Duy diễn ra tại nhà hàng Bông Súng (Q.3), được phát trực tiếp trên fanpage của NXB Phụ nữ, thu hút sự theo dõi của nhiều người yêu thơ. Nhà thơ Lý Đợi làm MC dẫn dắt buổi trò chuyện.
Từ trái qua: Nhà thơ Lý Đợi, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Tạ Anh Thư và nhà thơ Nguyễn Duy |
nscc |
Hoàng Cầm: Yêu và si
Buổi nói chuyện diễn ra ấm cúng, xoay quanh các chủ đề chính là người con gái Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, người phụ nữ tảo tần trong thơ Nguyễn Duy, ẩn ức tuổi mới lớn của con trai trong thơ Hoàng Cầm.
Sự kiện diễn ra nhân dịp 100 năm ngày sinh của cố nhà thơ Hoàng Cầm. Còn với nhà thơ Nguyễn Duy, ở tuổi 73, ông vẫn phong độ và tinh anh, hàn huyên với mọi người về nguồn cảm hứng để sáng tạo hình tượng người nữ cũng như những giai thoại thơ.
Nhà thơ Hoàng Hưng đánh giá cao thơ hiện đại của Nguyễn Duy |
nscc |
Nhà thơ Lý Đợi, Hoàng Hưng đều đồng ý rằng, thơ của Hoàng Cầm vẽ nên những ẩn ức về tính dục một cách sâu đậm và dai dẳng. Tập thơ Về Kinh Bắc của ông đã mạnh dạn vẽ nên sự thổn thức về dục tình của cậu trai mới lớn. Nhà thơ Hoàng Hưng nhận định, sự đặc sắc trong ngòi bút của Hoàng Cầm khi viết về phụ nữ, bên cạnh chuyện si tình, dục tính, đó là hình tượng người con gái Kinh Bắc. Và vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt của người con gái Kinh Bắc, theo nhà thơ Hoàng Hưng chỉ ra, có gốc gác từ tín ngưỡng phồn thực của dân gian. Hai bài thơ tiêu biểu cho bút pháp của Hoàng Cầm ở chủ đề này đó là Tắm đêm và Theo đuổi (cùng trong tập Về Kinh Bắc).
Các diễn giả khơi lại hình ảnh lá diêu bông trong bài thơ cùng tên của Hoàng Cầm khi được hỏi rằng hình ảnh này có thật không vì nghe đồn rằng nó có thật. Nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng, lá diêu bông chỉ là hình ảnh mang tính ẩn dụ, siêu thực, liêu trai, và năng lực của một nhà thơ là có khả năng sáng tạo nên những hình ảnh vừa quen vừa lạ như thế.
Buổi trò chuyện nhận được tương tác tốt từ người tham dự |
nscc |
Nguyễn Duy tri ân vợ
Nhà thơ Nguyễn Duy tấm tắc rằng ông vui khi chọn thể loại lục bát để sáng tác, tức sáng tạo nên cái mới lạ từ cái quen thuộc. Có một dạo, Nguyễn Duy ngưng thể loại lục bát để chuyển sang thể loại thơ hiện đại nhưng ông cảm thấy không thành công nên đành quay về với thể loại lục bát. Nhà thơ Hoàng Hưng ngay lập tức phản đối ý kiến của Nguyễn Duy và cho rằng: "Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ hiếm, anh sáng tác chủ yếu là thơ truyền thống (chỉ thể loại lục bát), nhưng anh có 2 bài thơ hiện đại cực kỳ thành công là bài Đánh thức tiềm lực và bài Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tôi rất tiếc tại sao anh không tiếp tục khai thác thể loại này". Ông đồng thời cũng nhận định: "Trường hợp của Nguyễn Duy cũng hơi giống trường hợp của Hoàng Cầm. Hoàng Cầm chủ yếu theo truyền thống là chính. Về Kinh Bắc có cái mới, nhưng nhìn chung vẫn nằm trong dòng chảy truyền thống".
Các diễn giả chia sẻ nhiều chi tiết thú vị về hình tượng người phụ nữ trong thơ Nguyễn Duy, Hoàng Cầm |
nscc |
Với Nguyễn Duy, hình ảnh người phụ nữ tảo tần được ông khắc họa vừa chân thực, vừa xúc động. Ông tâm sự: "Mẹ tôi mất sớm. Tôi lấy hình ảnh người bà để "lắp" vào hình ảnh người mẹ. Bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa tôi viết để cúng giỗ mẹ tôi đấy, nhưng mà hình ảnh để tạo nên bài thơ đó là hình ảnh của bà ngoại tôi".
Cũng bộc bạch tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ vô cùng xúc động về người vợ, một hình ảnh mà ông tâm đắc nhất, xuất hiện nhiều trên trang viết của ông. Theo Nguyễn Duy, vợ đã hy sinh rất nhiều và đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho ông trong nghiệp làm thơ. Đó cũng là lý do vì sao Nguyễn Duy có tập thơ Vợ ơi, một sáng tác mà ông dành để tri ân vợ.
Buổi trò chuyện kéo dài với những tâm sự sâu sắc, giai thoại về người phụ nữ trong thơ. Sự kiện cũng giới thiệu đến người tham dự, khán giả những tập thơ như Kính thưa liền thị, Vợ ơi của Nguyễn Duy, Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm.
Bình luận (0)