Nhà thơ Văn Công Hùng và bộ sách '3 trong 1'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/02/2022 06:38 GMT+7

Mặc dù quê ở xứ mưa nhiều “nỗi niềm chi rứa Huế ơi” nhưng số phận đưa đẩy nhà thơ Văn Công Hùng đến lập nghiệp và gắn chặt cuộc đời mình như hơi thở với núi rừng Tây Nguyên. Vậy nên trong các sáng tác của ông luôn đậm đặc chất sử thi của vùng đất này, thậm chí còn có biệt danh Hùng Tây Nguyên nhiều người đều biết.

Chợt, Từ Tây NguyênNhặt chuyện văn nhân là bộ tuyển 3 tác phẩm mới nhất của nhà thơ Văn Công Hùng do Liên Việt và NXB Văn học vừa ra mắt độc giả (ảnh). Như lời nhà văn Phan Đình Minh nhận xét: “Chợt đọc dễ chịu và ấn tượng bởi không khí, tính chất dịch chuyển. Cái hàm lượng dịch chuyển hầu như là biên khán toàn bộ bề nổi và phần chìm trong bảy chuyên mục cầm chắc tay, đáng đồng tiền bát gạo. Nó tựa như con người ông vậy. Những cuộc đi, đi viết, đi làm việc, đi chơi, đi đàn đúm để… ra chữ”, thì Từ Tây Nguyên độc giả lại gặp một Văn Công Hùng khác: “Ở đó, những trang sách thơm mùi giấy mới ngõ hầu luôn phảng phất hương nhựa xà nu, ầm ào tiếng gió đại ngàn, u u tiếng cồng chiêng và lấp loáng màu tím thẫm của đỉnh Chư Đăng Ya dưới vằng vặc trăng ngà. Âm hưởng của rừng hiện lên nguyên sơ lộng lẫy như thuở hồng hoang dù không khỏi khắc khoải đau đớn, nỗi đau của một người yêu rừng và hiểu biết mà phải đứng im chứng kiến từng mảnh rừng đang bị rứt dần và cả không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, nhà dài đang bị đô thị hóa mỗi ngày” (Lời tựa của nhà văn Di Li).

Đó còn là những kỷ niệm tưởng chừng xa ngái trong Ký ức cơm tấm do mẹ nấu, hoài cố hương về một thời tuổi thơ đầy khốn khó của tác giả, khi ngồi ăn vét đến hột cơm tấm cuối cùng, hay chuyện chạy lụt thời… loa sắt và trống ngũ liên để mà nhớ, mà thương chi lạ. Rồi góp nhặt chuyện Về quê ăn tết, việc nhà việc nước cứ đan xen giữa hiện đại và truyền thống, mà “chỉ có về với làng, với mẹ, với tuổi thơ, ký ức mới có”, được nhà thơ chắt lọc đến từng chi tiết nhỏ.

Sự duyên dáng, hóm hỉnh trong cách viết của nhà thơ Văn Công Hùng hình như “phát tiết” nhiều trong Nhặt chuyện văn nhân, cuốn sách được xem là chân dung văn học của rất nhiều người nổi tiếng qua lăng kính của bạn văn Tây Nguyên, như: “Nhậu” Nguyễn Ngọc Tư, Gặp Bến không chồng ở Tây Nguyên, Ông Đỗ Chu, Nhà văn Kim Lân và những kỷ niệm với Pleiku, Kỳ lạ Giang Nam, Một lần với nhà thơ Du Tử Lê, Nhà văn không biết uống rượu…

Văn Công Hùng viết về bạn thì tuyệt vì chính ông cũng là người trong cuộc, cùng trà dư tửu hậu “tương tác” với nhân vật. Ông tả: “Gặp Bảo Ninh ở ngoài đời ít ai tưởng tượng được đấy lại là…nhà văn. Dáng vẻ rất ngầu, ít nói, gù gù như con gấu với mái tóc lúc nào cũng xoăn trùm trán và cái nhìn lờ đờ như lơ ngơ với đời, như chả biết gì nhưng đọc ông xong thì…hãi”. Gắn bó gần 40 năm với “người tài hoa” Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Văn Công Hùng không ngại ngần tiết lộ về hậu trường của Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi…, chuyện hay quên thơ buộc phải thường chữa cháy của Nguyễn Trọng Tạo khi đọc thơ cho sinh viên nghe, thậm chí hai câu để đời về Huế: “Sông Hương hóa rượu anh đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” của Nguyễn Trọng Tạo nhưng nói xong rồi quên mất. Sáng hôm sau có người nhắc lại, chính tác giả còn ngơ ngác hỏi thơ ai hay quá vậy, thì chỉ có “bộ nhớ” Văn Công Hùng mới giỏi lưu trữ được như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.