Những "chai thơ" này trôi nổi trên mặt biển thời gian, và có thể sẽ tấp vào bờ vào hoang đảo một ngày nào đó, theo đúng những quy luật của thủy triều, của sóng biển, của nhân thế. Trần Dần nói ông "có thể chờ", nhưng rồi ông đã không thể chờ, và đã dứt áo ra đi trước khi những "chai thơ" này tới được với người đọc. Thơ Trần Dần không dễ đọc. Ông là nhà thơ cách tân muốn đi tới tận cùng những giới hạn của ngôn ngữ Việt, muốn "tháo dỡ" và "lắp ráp" ngôn ngữ Việt trong thơ theo nhiều kiểu nhiều cách để ngôn ngữ thi ca Việt có thể nói được nhiều nhất, đa chiều nhất, đa diện nhất và cũng đa thanh nhất. Mà có thể cũng không nói gì cả, vô thanh, vô sắc, vô diện. "Cuộc chơi thơ" này kéo dài hơn 30 năm, là cuộc chơi vãi máu, cuộc chơi đầy thương tích cho chính người chơi.
Mặc dù thơ chả bao giờ hại ai, chả hề làm khó ai hay khiến ai phải chết nghẹn bao giờ. Có thơ dễ đọc mà hay. Có thơ khó đọc vẫn hay. Có thơ mới đọc đã hiểu đã cảm thật là hay. Có thơ mới đọc hay đọc vài ba lần cầm bằng như chưa đọc cũng thật hay. Thơ dân chủ, nó có thể cố tình hoặc tình cờ đến với người đọc, nhưng nó cần người đọc. Người đọc chính là "Thượng đế" của thơ, nhưng không theo kiểu "khách hàng là Thượng đế". Vì thơ không có khách hàng, chỉ có những người đồng cảm, những tri âm. Tôi không biết một nhà thơ thực sự có được bao nhiêu tri âm trong suốt cuộc đời làm thơ của mình. Với một nhà thơ như Trần Dần càng khó biết điều đó. Nhưng chắc là có. Thơ yêu cầu được đến với người đọc. Nó chả hại ai đâu, đừng lo ngại, đừng quá sợ nó! Vì lẽ ấy, tôi ủng hộ Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng - một NXB địa phương đã dám "vì thơ" để in tập thơ di cảo này của Trần Dần. Về nhân thân chính trị, Trần Dần đã được "giải oan". Sự nghiệp văn học của ông cũng đã được nhà nước đánh giá lại đúng mức, và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đã được trao cho ông như một hình thức truy tặng và vinh danh - dù hơi chậm. Nhưng chậm còn hơn không. Không phải là "hơn không" cho Trần Dần, mà "hơn không" cho chính chúng ta, những người biết rất rõ "Rằng tài nên trọng mà tình nên thương". Nguyễn Bính hồi trước khi mất nghe nói cũng đã nghẹn ngào đọc câu Kiều này. Cả Nguyễn Bính và Trần Dần đều không thể chờ được sự phục hồi này, nhưng sự phục hồi công bằng cuối cùng rồi cũng tới. Vậy thì việc NXB Đà Nẵng hồi ấy bỏ công bỏ tiền (mà chưa chắc thu lại được đủ vốn, vì ai cũng biết thơ luôn là mặt hàng khó bán và cũng chẳng hy vọng thu lời) để in tập Trần Dần - Thơ, thì theo tôi đó là một hành động đáng khâm phục. Vậy là thêm một lần nữa, thơ được tôn vinh! Thơ vốn không mang lại cho nhà thơ và cả NXB những lợi lộc vật chất.
Nhưng nó lại có thể mang lại không chỉ cho nhà thơ, NXB mà cả quê hương của nhà thơ hay của NXB ấy những lợi ích vô giá về tinh thần, về tâm hồn, về nguyên khí. "anh có dám cả đôi vai, cả cuộc đời, gánh vác một ý kiến, một câu thơ? một đề xuất chân mây?" (Trần Dần - Thơ). Tôi cũng phải thú thật, tôi đã mất khá nhiều thời gian để đọc tuyển thơ này của Trần Dần mà không dám chắc mình đã lĩnh hội được gì nhiều. Thơ Trần Dần không dành cho những ai vội vã, những ai thiếu thời gian vì vô vàn những công việc những mục đích khác ngoài thơ. Nhưng hãy thỉnh thoảng "ghé vào" thơ ông, ta chợt như ngộ được một điều gì. Chỉ nhỏ nhẹ thế thôi, cũng đáng để ta "ghé vào" rồi. Với những ai ủng hộ sự công bố tập thơ này, tôi tỏ lòng ngưỡng mộ họ. Với những ai còn dè dặt hay ngần ngại vì lý do "thơ này khó hiểu quá" tôi xin cam kết với họ rằng: "Anh (hay chị) cứ đọc đi, đừng mang theo bất cứ định kiến nào khi đọc, cứ hồn nhiên đọc, hồn nhiên vui hay buồn (buồn nhiều hơn) với từng câu thơ từng bài thơ đi, rồi thơ ấy từ từ sẽ "vào" sẽ "cư trú" trong anh (hay chị). Một cư trú có hộ khẩu, chí ít cũng là có "KT3" hẳn hoi đấy!" Bây giờ ngành công an đã giảm thủ tục phiền hà khi thay hộ khẩu bằng căn cước công dân. Và tôi hy vọng, có căn cước công dân cho cả thơ nữa. Vì thơ Việt cũng là công dân Việt thôi mà! Mà không phải "công dân hạng hai hay hạng ba" đâu nhé! (còn tiếp)
Trần Dần (tên thật là Trần Văn Dần), sinh năm 1926 tại Nam Định, mất năm 1997 tại Hà Nội.
Một số tác phẩm tiêu biểu: Người người lớp lớp (Truyện dài - 1954); Nhất định thắng (Thơ - 1956); Những ngã tư và những cột đèn (Tiểu thuyết - 1964, xuất bản năm 2011); Bài thơ Việt Bắc (Trường ca - viết năm 1957, xuất bản năm 1990); Cổng tình (Thơ - tiểu thuyết - viết năm 1959 - 1960, xuất bản năm 1994); Trần Dần - Thơ (2008).
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 (truy tặng).
Giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội.
Bình luận (0)