Vâng, ở làng Phước Hậu những tháng năm ngặt nghèo nhất, đau đớn nhất mà cũng chan chứa thâm tình nhất:
"đêm Phước Hậu, bò qua ruộng lúa
nghe tiếng ngáp dài tên lính bảo an"
Và: "để biết rõ không phải chúng tôi đang bò qua bậc ruộng mà chính đang bò qua tấm lót những thân cầu thân xác các chị các anh"
Vậy là đã rõ: Đây không phải chuyến viếng thăm trong thời bình có người đón kẻ đưa hay mâm cao cỗ đầy. Đây là chuyến về làng Phước Hậu của một người lính, một "VC", và của một nhà thơ. Về giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang hồi khốc liệt nhất. Về cùng đồng đội, cùng người sống và cả cùng người chết. Những năm ấy:
"Những số phận như bùn như đất
Những người ăn cứng dạ món đau thương
Ôi, ngày mai có còn hay mất
Trời thì đen sao thấy được nẻo đường"
Vì lẽ gì một ngôi làng nhỏ bé hiền lành và khuất lấp của Phú Yên bỗng thành nơi nguyện thề, nơi cân đong cho những được và mất của một đời người, một đời thơ:
"Còn nhớ chăng mùa khô năm trước
Chúng ta đi, đi mãi không ngừng
Hết trận này lại sang trận khác
Người bạn ta nằm lại một nguồn sông
Người bạn ta chết trong mùa mưa lũ
Người bạn ta chết khi trời sập tối
Để cho bao lòng sống chẳng nguôi quên
Cho anh nói với em dáng mùa thu tới
Đồng Tuy Hòa rộng trắng bờ to
Gặp nhau đây qua mấy mùa trôi nổi
Bàn tay em hay mặt đất sững sờ…"
Tôi đã chép lại đoạn thơ này của Trần Vũ Mai theo trí nhớ từ bản thảo đầu tiên mà tôi được Mai cho đọc. Sau đó, không hiểu có "nhà biên tập" nào to nhỏ mà Mai đã phải sửa lại một số câu chữ, như câu "Đồng Tuy Hòa rộng trắng bờ to" thành "Đồng Tuy Hòa như thực như mơ". Tôi không dám nói "như thực như mơ" không phải là thơ, nhưng nó "văn chương" quá, không hạp với tạng thơ của Trần Vũ Mai.
Thế hệ chúng tôi vào chiến trường khi cuộc chiến đã tới hồi quyết liệt. Sự lựa chọn đã trở nên rõ ràng nhất, gay gắt nhất. Nhưng trước đó, chúng tôi là những trí thức trẻ mới ra trường, dù đã biết chiến tranh phá hoại ngay từ trong lớp học sơ tán tận rừng núi Thái Nguyên, nhưng biết chiến tranh tới tận cùng khốn khổ, tận cùng ác nghiệt của nó thì chưa. Tôi vào chiến trường Nam bộ, còn Trần Vũ Mai, ra trường trước tôi vài năm nhưng cùng "đi B" với nhau, vào chiến trường Khu Năm. Chúng tôi khi đó là những chàng trai lãng mạn theo nghĩa ngây thơ nhất của từ này. Nhưng cũng là những người theo chủ nghĩa lý tưởng ở độ trong trẻo vô tư nhất, và đôi khi cực đoan nhất. Như Trần Vũ Mai đã cực đoan. Không ai có thể trách chúng tôi ngày ấy vì đã sống như vậy.
"Nếu ta có lỗi với em/cũng vì ta muốn mình không có lỗi
trước mặt em còn được tươi cười
giọng vang và trẻ mãi"
( Thảm cỏ bờ sông Hồng - thơ Trần Vũ Mai).
Sự trong trẻo - nó là tài sản duy nhất mà một nhà thơ như Trần Vũ Mai có được trong những năm tháng ấy, khi anh "Ở làng Phước Hậu" và khi anh rong ruổi trên các nẻo đường của chiến trường Khu Năm nổi tiếng là gian khổ và ác liệt. Trường ca Ở làng Phước Hậu được Mai thai nghén từ những ngày nằm hầm bí mật ở ngôi làng nhỏ bé này của Phú Yên, nhưng mãi sau khi chiến tranh kết thúc anh mới có thời gian và điều kiện để viết ra. Còn nhớ, năm 1975 - 1976, trại sáng tác Quân khu Năm, chúng tôi mấy anh em quây quần cả sáng tác và quậy phá dưới sự lãnh đạo của một người anh biết quý từng câu văn từng dòng thơ của những đàn em đã cùng đi với mình qua cuộc chiến tranh - người anh cả đó tên là Nguyễn Chí Trung. Biết bao lần chúng tôi đã "có lỗi với anh" vì khiến anh phải phiền lòng, nhưng có thể nói, chưa bao giờ chúng tôi có lỗi với thơ, có lỗi với văn học viết về chiến tranh, viết về nhân dân mình, cũng vì chúng tôi "muốn mình không có lỗi". Vì trước trang viết, trước nhân dân, chúng tôi còn muốn "được tươi cười/giọng vang và trẻ mãi" như Trần Vũ Mai đã thổ lộ. Ngày ấy, đôi khi được đọc sổ ghi của Trần Vũ Mai, tôi rất chú ý tới cách anh cân nhắc từng chữ khi làm thơ. Mai không phải người viết vội, không phải người được trời cho viết dễ dàng những câu thơ. Anh trăn trở, giằng xé, xóa đi viết lại từng câu thơ, từng dòng văn xuôi. Đó là người hiểu được sức nặng của từng chi tiết, từng câu thơ, cái sức nặng không trọng lượng của văn học. Nhưng có vẻ, ngoài lời thề đầy kiêu hãnh: "Ta thề không vào hạng ăn may", thì quả thực Trần Vũ Mai không gặp may trong sự nổi tiếng vì văn chương.
Nhưng nếu người ta chỉ đến với văn học vì vinh quang, vì sự nổi tiếng, thì văn học chết từ khuya rồi! Và cũng vì biết từ chối những vinh quang dễ dãi, mà tới giờ, sau khi Trần Vũ Mai lìa xa thế gian này đã mấy chục năm, những bài thơ Mai viết, trong đó có trường ca Ở làng Phước Hậu đã qua tuổi thanh xuân từ lâu, khi đọc lại vẫn còn khiến ta xúc động. Thực ra, khi đã "sống được" thì thơ không có tuổi. (còn tiếp)
Bình luận (0)