"Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao viết từ những năm tháng chống Mỹ (1967) ở chiến khu Trị - Thiên, bây giờ được coi là "một trong những bài thơ Việt của thế kỷ (hai mươi)" như nhận xét của giáo sư - nhà phê bình văn học Hà Minh Đức. Xem ra, chỉ với đánh giá về một bài thơ như thế, thì nhiều nhà thơ Việt khác dù tưng bừng đánh chuông gõ mõ quảng bá cho thơ mình vẫn khó bề theo kịp bác Nguyễn Đính (tên thật của Trần Vàng Sao) cục mịch như một nông dân kia!
Tôi còn nhớ, cách đây nhiều năm, khi Hội Văn nghệ Quảng Ngãi tổ chức Ngày thơ VN với chủ đề Tổ quốc và thơ, trong cuộc trình diễn những bài thơ viết về Tổ quốc có Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao, do nhà thơ - tiến sĩ văn học Mai Bá Ấn người quê Quảng Nam tuyên đọc. Khi tới đoạn: "cũng không vui nên mẹ ít khi cười/những buổi trưa buổi tối/ngồi một mình hay khóc/vẫn thở dài mà không nói ra/thương con không cha/hẩm hiu côi cút/ tôi yêu đất nước này xót xa/mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng/thương tôi nên ở góa nuôi tôi/những đứa bà con hàng ngày chửi bới/chúng cho mẹ tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi…", tôi chợt nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má nhiều quan khách tham dự Ngày thơ, trong đó có nước mắt nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng rồi tôi lại nghe lành lạnh trên… má mình: Hóa ra, tôi đang khóc. Ấy, thơ Trần Vàng Sao là như thế! Không có nhiều bài thơ lấy được nước mắt "người dưng" thế đâu.
Nhớ có lần ra Huế mang cho Trần Vàng Sao số tiền 10 triệu đồng của một quỹ tài trợ cho các nhà thơ gặp khó khăn, do nhà thơ Lâm Xuân Thi chủ xướng, tôi nghe Trần Vàng Sao nói một câu khiến mình lại… suýt khóc: "Đây là số tiền lớn nhất mà từ trước tới giờ tôi có được!". Có lẽ, anh đứng vào hàng không chỉ là nhà thơ có bài thơ hay nhất VN, mà còn là một trong những nhà thơ… nghèo nhất VN (?).
Thôi thì thế nào cũng được, miễn thơ hay là xong rồi, yên tâm rồi!
Ngồi ở ngôi nhà cũ của Trần Vàng Sao, tôi chợt thấy cơ man nào là… Bồ Đề Đạt Ma. Thì ra, Trần Vàng Sao suốt ngày ngồi vẽ Bồ Đề Đạt Ma, vẽ cực đẹp và cực có hồn vị đại lão thiền sư này, người đã từng 9 năm "diện bích" - tức ngồi quay mặt vào vách đá trong một hang động ở Tây Tạng, tâm tĩnh đến mức có thể… hô phong hoán vũ trong khi vẫn bất động. Tôi hỏi, anh vẽ được bao nhiêu bức Bồ Đề Đạt Ma rồi? Trần Vàng Sao nói chắc cũng được hơn trăm bức. Nếu là họa sĩ thì anh đúng là họa sĩ của một đề tài, một chân dung. Trần Vàng Sao tiết lộ, anh vẽ chì đen trên một loại giấy đặc biệt: đó chính là bao bì của những tờ lịch báo Thanh Niên mà hằng năm bạn bè và anh được tặng. Trần Vàng Sao "huy động" hết những bao bì này - một loại giấy nhám khá đặc biệt - để dành cho những bức vẽ Bồ Đề Đạt Ma của mình. Khó ai nghĩ ra một chất liệu giấy nào không tốn tiền hơn, mà độc đáo hơn!
Nhà thơ Trần Vàng Sao (1941 - 2018), quê quán Thừa Thiên-Huế.
Năm 1961, ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Từ 1965 - 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, viết báo với các bút danh: Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Sau 1975, ông có thời gian công tác tại Phòng Văn hóa TP.Huế, nghỉ hưu năm 1984.
Ông hầu như không cho xuất bản thơ nhưng nổi tiếng với Bài thơ của một người yêu nước mình sáng tác tháng 12.1967, được chọn trong 100 bài thơ xuất sắc nhất VN thế kỷ 20. Tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam hợp tác xuất bản tháng 8.2020, được trao giải thưởng Sách quốc gia 2021.
Khi Trần Vàng Sao tặng cho tôi một bức chân dung Bồ Đề Đạt Ma do anh vẽ, tôi được quyền chọn bức nào mình thích nhất. Tôi đã chọn được. Bức vẽ ấy cho tới bây giờ vẫn được treo rất trang trọng ở phòng khách nhà tôi, một ngôi nhà tập thể cấp 4 thôi, nhưng trong sáng và giản dị.
Còn nhớ vợ tôi, một học sinh Huế có tham gia hoạt động bí mật cho cách mạng rồi được rút lên chiến khu và cho ra Hà Nội học tập, đi cùng với hai đàn anh Trần Vàng Sao và Nguyễn Hữu Ngô, nhiều lần kể cho tôi nghe, có một lần đạp xe từ Hà Nội lên tận trại an dưỡng dành cho cán bộ miền Nam ra Bắc, nơi nhà thơ Trần Vàng Sao đang ở và đang… chịu tai nạn. Đạp xe từ sáng tới trưa mới tới trại an dưỡng, gặp được ông anh Nguyễn Đính, mừng quá, chưa kịp lau mồ hôi thì ông anh vội xua tay: "Em về đi, về đi, ở đây nguy hiểm lắm!". Vợ tôi nghe, chẳng hiểu gì cả, nhưng thấy ông anh hốt hoảng vậy, đành quay xe đạp ra về, vừa mệt vừa đói vừa buồn.
Vâng, hồi đó nó vậy. Trần Vàng Sao lúc ấy đúng là đang gặp nạn… thơ. Cho tới sau hòa bình, khi đã về quê Huế, coi bộ Trần Vàng Sao vẫn chưa hết… nợ. Nợ thơ ấy mà!
Nhớ một lần tôi từ Quy Nhơn ra Huế chơi với bạn bè, một đêm tôi và Nguyễn Trọng Tạo rủ nhau đạp xe xuống Vỹ Dạ thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Gặp nhau ở nhà anh Điềm, tụi tôi lại rủ anh Điềm cùng đạp xe lên nhà Trần Vàng Sao. Đúng là đoạn đường đất vào nhà ông "Sao Vàng" này khó đi thật. Nhưng đã đi thì phải tới. Đêm đó thật vui. Mấy nhà thơ ngồi với nhau, uống rượu suông (vì nhà anh Trần Vàng Sao chẳng có mồi mè gì cả), nhưng thật hào hứng và đầm ấm.
Trần Vàng Sao là một tài năng thơ kỳ lạ của xứ Huế, và của cả VN. Sau khi anh qua đời được 3 tháng, thì vợ anh cũng mất. Đó là hai vợ chồng "sống không chia, mất không lìa", vợ để đức cần cù lam lũ cho con cháu, chồng để lại thơ cho đời.
Những bài thơ, những câu thơ bây giờ đọc lại, nhiều người vẫn muốn khóc.
(còn tiếp)
Bình luận (0)