Mới đây, nhiều nhà toán học Việt Nam đã thể hiện sự vui mừng khi chia sẻ thông tin GS Phạm Hữu Tiệp, người đã giải quyết được hai vấn đề nền tảng từng khiến các nhà toán học bối rối trong nhiều thập kỷ.
Đột phá kép
Trang Phys.org, một trang tin khoa học của Anh đã đăng tải bài viết của bà Kitta MacPherson, chuyên gia quan hệ công chúng của ĐH Rutgers, Mỹ, với tiêu đề Trong đột phá kép, nhà toán học giúp giải quyết hai vấn đề tồn tại từ lâu. Nội dung bài viết kể về thành tựu xuất sắc mà GS Phạm Hữu Tiệp của ĐH Rutgers - New Brunswick (Mỹ) mới đạt được, là hoàn thành chứng minh giả thuyết "Height Zero" từ năm 1955 và giải quyết một vấn đề lý thuyết Deligne-Lusztig.
Bài viết được mở đầu bằng lời giới thiệu về một giáo sư tại ĐH Rutgers-New Brunswick, người dành cả sự nghiệp của mình khám phá những bí ẩn của toán học, đã cùng các đồng nghiệp của mình giải quyết được hai vấn đề nền tảng từng khiến các nhà toán học bối rối trong nhiều thập kỷ. Tên của vị giáo sư đó là Phạm Hữu Tiệp.
Vấn đề đầu tiên là chứng minh giả thuyết "Độ cao 0" (Height Zero) của nhà toán học lỗi lạc người Mỹ gốc Đức Richard Brauer đặt ra từ năm 1955. Gần 7 thập kỷ qua, các nhà toán học đã thử nghiệm vô số trường hợp và thấy là nó đúng. Nhưng chưa ai chứng minh được giả thuyết này đúng, cho đến khi GS Phạm Hữu Tiệp cùng các đồng nghiệp của mình chứng minh được và công bố trên tạp chí Annals of Mathematics. Giới toán học xem thành tựu của GS Phạm Hữu Tiệp và các đồng tác giả có ý nghĩa cởi bỏ được một nút thắt vô cùng quan trọng trong lý thuyết nhóm đã tồn tại suốt gần 70 năm qua.
Tác giả Kitta MacPherson cũng cho biết, GS Phạm Hữu Tiệp đã theo đuổi công trình chứng minh "Độ cao 0" từ 11 năm nay.
Vấn đề thứ hai mà GS Phạm Hữu Tiệp và các đồng nghiệp đã giải quyết được là giải một bài toán khó trong lý thuyết Deligne-Lusztig, một phần của bộ máy nền tảng của lý thuyết biểu diễn. Công trình này cũng được đánh giá là "bước đột phá" liên quan đến vết (trace) của ma trận (là một khái niệm quan trọng của đại số tuyến tính). Công trình được trình bày chi tiết trong hai bài báo, một bài đăng ở tạp chí Inventiones Mathematicae, một bài đăng ở Annals of Mathematics (đều là những tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực toán học).
Niềm tự hào của ĐH Rutgers, Mỹ
Theo tác giả Kitta MacPherson thì lãnh đạo Khoa toán ĐH Rutgers rất tự hào về hai thành tựu nói trên của GS Phạm Hữu Tiệp và các đồng tác giả, bởi chúng đã giúp ĐH Rutgers duy trì vị thế là trung tâm hàng đầu thế giới về lĩnh vực lý thuyết nhóm. GS Stephen Miller, Trưởng khoa toán ĐH Rutgers nói: "Nhờ vào thành tích làm việc tuyệt vời của mình, Tiệp đã mang lại danh tiếng quốc tế cho khoa chúng tôi".
GS Phạm Hữu Tiệp, 61 tuổi, quê ở H.Thanh Chương, Nghệ An, nhưng lớn lên ở Hà Nội và là cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ông là thành viên đội tuyển Việt Nam dự kỳ thi Olympic toán quốc tế IMO tại Anh năm 1979 (đi thi cùng năm với nhà toán học Lê Bá Khánh Trình) và đoạt huy chương bạc.
Sau đó ông học đại học và làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô), rồi sang Mỹ năm 1996 và làm việc tại nhiều ĐH của Mỹ. Từ năm 2018 đến nay, ông là giáo sư ĐH Rutgers, cộng tác với Viện nghiên cứu khoa học toán học (MSRI) Berkeley, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton.
Tại đại hội toán học thế giới (ICM) năm 2018 ở Rio de Janero, Brazin, GS Phạm Hữu Tiệp được mời trình bày ở tiểu ban đại số. Đáng chú ý, rất ít nhà toán học người Việt được mời đọc báo cáo (sectional speaker) tại ICM.
Ngoài GS Phạm Hữu Tiệp, những nhà toán học người Việt được mời đọc báo cáo tại ICM gồm: GS Frédéric Phạm (ICM 1970), GS Dương Hồng Phong (ICM 1994), GS Ngô Bảo Châu (ICM 2006, năm 2010 được mời đọc báo cáo phiên toàn thể), GS Vũ Hà Văn (ICM 2014), GS Đinh Tiến Cường (ICM 2018).
Bình luận (0)