Sau ngày thống nhất 30.4.1975, tỉnh Quảng Trị đưa gần 2.000 người dân lên Khe Sanh (H.Hướng Hóa) khai hoang, xây dựng kinh tế mới. Thiếu úy Trần Đình Dũng vừa nhận nhiệm vụ phó ban trinh sát của An ninh vũ trang (ANVT) Quảng Trị, đã cấp tốc lên Hướng Hóa làm đội trưởng, phụ trách công tác bảo vệ an ninh dọc đường số 9.
Trại tị nạn đặc biệt
Giữa năm 1976, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là Bộ đội biên phòng (BĐBP) Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở hợp nhất các lực lượng CANDVT Quảng Bình và khu Vĩnh Linh, ANVT Quảng Trị và Thừa Thiên. Đầu tháng 5.1977, trung úy Trần Đình Dũng nhận lệnh tăng cường cho CANDVT tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay đã tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum - PV) với lý do: “Đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu”. Tại đơn vị mới, ông Phan Thái Vân, Phó chỉ huy trưởng trinh sát của CANDVT Gia Lai - Kon Tum sau khi đọc hồ sơ, điều ngay ông Dũng đi Mo Ray (H.Sa Thầy, Kon Tum) phụ trách khu tị nạn Campuchia.
Ở Campuchia, sau khi giành được chính quyền (4.1975), Khmer Đỏ đã thanh trừng nội bộ, truy bắt những người đã từng học tập ở miền Bắc Việt Nam và biến đất nước Campuchia thành “công xã” tập trung với cách cai quản độc tài khiến hàng triệu người Khmer đã phải chạy sang tỵ nạn ở các nước láng giềng.
Tại các tỉnh thuộc quân khu đông bắc của Campuchia giáp với Tây nguyên, ngay từ đầu năm 1975, lính Khmer Đỏ đã đến từng bản ở 2 huyện: Ta Veaeng, Veun Sai (tỉnh Ratanakiri), tuyên truyền tư tưởng chống Việt Nam; cấm nhân dân Campuchia không được tiếp xúc với nhân dân Việt Nam.
Tháng 2.1975, tại khu vực này, Khmer Đỏ đã bắt 23 người (trong đó có 4 cán bộ huyện và 10 người đã từng học tập ở miền Bắc Việt Nam), do không tán thành đường lối của Pol Pot. Ngày 10.4.1975, một số cán bộ, sĩ quan ở 2 huyện: Ta Veaeng, Veun Sai (tỉnh Ratanakiri) đưa gần 2.000 người dân chạy sang H.Sa Thầy (Kon Tum) và tránh trú tại ngã ba 90 trên đường biên giới 2 nước. Cuối tháng 6.1975, thêm 200 người dân Campuchia tiếp tục chạy sang lánh nạn tại Sa Thầy. Làm việc với Đồn CANDVT Mo Ray (673), đại diện số dân này xin được tị nạn, lánh nạn diệt chủng. Sau đó, phía Khmer Đỏ đã sang H.Sa Thầy, làm thủ tục xin đưa số dân này về nước.
Giữa tháng 7.1975, gần 200 người dân Campuchia chạy sang Mo Ray, cho biết: “Những người đưa về Campuchia đợt trước đều bị Khmer Đỏ giết hại, họ chạy thoát được nên qua đây. Nếu Việt Nam không cho ở lại, họ sẽ xin đi nhờ Lào để tị nạn”. Tháng 8.1975, thêm 30 người Campuchia (phần lớn là cán bộ huyện và quân nhân) chạy nạn sang ta, trong đó có những cán bộ đã từng học tập tại miền Bắc Việt Nam.
Đến tháng 9.1975, đã có 1.814 người dân Campuchia thuộc 2 huyện: Ta Veaeng, Veun Sai (tỉnh Ratanakiri) sang Mo Ray lánh nạn. Ngoài số dân thường, có rất nhiều cán bộ huyện (cao nhất là ông Bun My, Bí thư Huyện ủy Veun Sai, tỉnh Ratanakiri), những người đã từng học tập tại miền Bắc Việt Nam và nguyên khung tiểu đoàn bộ đội địa phương H.Ta Veaeng do ông Xô Keo làm tiểu đoàn trưởng, với gần 200 khẩu súng quân dụng.
|
Vừa cầm súng vừa phát rẫy làm nương
Được sự chỉ đạo từ cấp trên, CANDVT Gia Lai - Kon Tum và H.Sa Thầy đã giúp đỡ thuốc men, lương thực và giúp dân lánh nạn của bạn tạm cư dọc theo trục đường 14C, đoạn từ chân đèo Ngọc Vin đến ngầm sông Sa Thầy (Ja Booc).
Tổ công tác của CANDVT Gia Lai - Kon Tum phụ trách khu tị nạn Campuchia ở Mo Ray hồi ấy được gọi là “tổ Ja Booc”, gồm: Trần Đình Dũng, Diệp Xuân Cung, Đào Trọng Phồn, Thẩm, Lục, Siu Grum. “Việc đầu tiên ở Ja Booc là bố trí dân bạn sống thành 12 làng như bên Campuchia, sau đó tổ chức mỗi làng bầu 2 cán bộ tự quản. Khi đã ổn định chỗ ở, anh em thay nhau xuống địa bàn giúp dân dựng nhà tạm, hướng dẫn sản xuất, khám chữa bệnh, vận động ăn ở hợp vệ sinh... Quan trọng nhất là huy động sự giúp đỡ từ 2 huyện: Chư Prông, Sa Thầy cung cấp thóc giống, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất và đặc biệt là chia sẻ đất để làm nương rẫy. Cuối tháng 9.1975, CANDVT đồn Mo Ray còn cấp 9 khẩu súng quân dụng cho một số cán bộ cốt cán Campuchia, để họ tự vệ trong trường hợp Khmer Đỏ đột nhập”, thiếu tướng Trần Đình Dũng kể.
Sau này, hơn 100 cán bộ Campuchia tạm cư ở Ja Booc và Mo Ray hồi hương. Nhiều người trong số họ trở thành cán bộ nòng cốt của chính quyền cách mạng Campuchia, nhưng ký ức những ngày tị nạn luôn ùa về mỗi khi họ gặp lại những người lính CANDVT Việt Nam (nay là BĐBP) đã giúp đỡ mình hồi trước. Đặc biệt, với đại tướng Bu Thoong (một trong những người đã đưa dân sang Sa Thầy tị nạn đầu 1975, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri, rồi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quân đội Hoàng gia Campuchia) thì cái tên Trần Đình Dũng trở thành thân thiết. Mỗi lần sang công tác, 2 ông đều dành thời gian ghé thăm nhau hàn huyên và thậm chí sau này, ông Bu Thoong còn đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam cho ông Dũng sang Campuchia làm chuyên gia.
|
Cố vấn đoàn 578
Đầu năm 1977, trung tá Trần Tiến Cung, Đoàn trưởng Đoàn 11, Cục 2 (nay là Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng - PV), ra Hà Nội nhận lệnh trực tiếp từ đại tướng Văn Tiến Dũng “Lên ngay Ja Booc giúp đỡ nhóm ông Bu Thoong tổ chức lực lượng để họ tự giải phóng dân tộc mình khỏi họa diệt chủng”... Tháng 10.1977, Ủy ban Khởi nghĩa đông bắc Campuchia được thành lập; tiếp đó là sự ra đời 5 đội công tác 5 năm tỉnh đông bắc (Stung Treng, Ratarakiri, Mondukiri, Kratie, Preah Vihear) và sau đó là Ủy ban Khởi nghĩa của 5 tỉnh. Tháng 5.1978, Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn ký quyết định thành lập Đoàn 578, ở bên cạnh Ủy ban Khởi nghĩa đông bắc Campuchia để cố vấn về mặt quân sự, chính trị... cho bạn. Trần Đình Dũng chuyển sang Đoàn 578 với chức danh cố vấn quân sự.
Từ hậu cứ tại Pleiku, người ta đối chiếu danh sách đi xe và ai cũng nghĩ ông đã mất, chỉ chờ xác nhận của đơn vị bên kia để viết giấy báo tử. Bên Campuchia, do đặc thù hoạt động bí mật nên Đoàn 578 cũng không thông tin. Thời gian ông Dũng công tác Tây nguyên, Campuchia, ở ngoài Quảng Trị ai cũng nghĩ ông hy sinh và vợ ông, cô giáo Hoàng Thị Lộc, khi ấy mới hơn 20 tuổi, dù phải lập bàn thờ khấn vọng, vẫn đinh ninh: “Anh ấy không thể chết”... (còn tiếp)
Bình luận (0)