Hiện đang có nhiều yếu tố phủ bóng triển vọng cho mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Hồi tháng 10, trong cuộc tranh luận tổng thống, ông Biden gọi ông Kim Jong-un là “côn đồ” và chỉ trích Tổng thống Donald Trump trở nên thân thiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên, theo tờ Nikkei Asian Review ngày 27.12. Vấn đề Triều Tiên có thể là ưu tiên thấp đối với cựu Phó tổng thống Biden nếu ông nhậm chức tổng thống Mỹ vì ông sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề trong nước, trong đó có đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các động thái liên quan vẫn đang diễn ra. Nikkei Asian Review dẫn một số nguồn tin ngoại giao từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho hay các trợ lý và chuyên gia về chính sách đối ngoại của ông Biden đang thúc đẩy việc khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ngoài ra, một cựu quan chức Hàn Quốc cấp cao cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ đeo đuổi việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo từng giai đoạn và điều này phù hợp với kiểu đàm phán phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng mong muốn.
Các chuyên gia về Triều Tiên của ông Biden cho rằng rất khó đạt được sự phi hạt nhân hóa Triều Tiên ngay lập tức nên họ có thể tìm cách ngăn chặn Triều Tiên nâng cao khả năng phát triển vũ khí hạt nhân rồi sau đó chọn giải pháp cắt giảm vũ khí hạt nhân, bắt đầu với vũ khí đe dọa lục địa Mỹ như tên lửa đạn đạo liên lục địa, theo cựu cố vấn tổng thống Hàn Quốc về an ninh quốc gia Chon Yong-u.
Không giống Tổng thống Trump, vốn thích các thỏa thuận lớn, ông Biden tự xem là chuyên gia về ngoại giao và có khuynh hướng bắt đầu từ những thỏa thuận nhỏ hơn, theo ông Chon. Nhận định này trái ngược với quan niệm của nhiều người cho rằng vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên sẽ bế tắc trong thời kỳ ông Biden làm tổng thống Mỹ.
Kể từ khi truyền thông Mỹ ngày 7.11 thông báo ông Biden thắng cử đến nay, nhà lãnh đạo Kim và cả báo chí Triều Tiên không đề cập kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy Triều Tiên có thể không muốn khuấy động rắc rối khi Tổng thống Trump còn làm chủ Nhà Trắng, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang cố gắng tạo ra những lợi thế trước cuộc đàm phán với Mỹ trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra bất kỳ đề nghị gây ấn tượng, như dừng phát triển vũ khí hạt nhân, vì ông muốn thu hút sự chú ý của tân tổng thống Mỹ, theo Nikkei Asian Review.
Với tình trạng nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thể có những động thái lớn sớm, giới phân tích đang cố dự đoán khi nào ông sẽ lên tiếng. Nhằm tìm hiểu lập trường của ông Biden, Bình Nhưỡng được cho là sẽ kêu gọi chính quyền Mỹ sắp tới duy trì các cam kết được đề cập trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore vào tháng 6.2018, bao gồm thiết lập quan hệ song phương và thúc đẩy lòng tin lẫn nhau.
Nếu ông Biden không phản hồi theo hướng có lợi cho Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể khôi phục những hành động bị cho là mang tính khiêu khích, như phóng tên lửa đạn đạo. Phóng thử rất cần thiết cho việc đưa tên lửa mới vào hoạt động. Vị vậy, các cuộc thử nghiệm có thể hỗ trợ thu hút sự chú ý từ các thân tín của ông Biden trong việc khởi động lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, theo Nikkei Asian Review.
Bình luận (0)