Nhà Trắng thận trọng về tuyên bố của Triều Tiên

Khánh An
Khánh An
23/04/2018 07:30 GMT+7

Dù hoan nghênh nhưng nội bộ Nhà Trắng cũng lo ngại CHDCND Triều Tiên chỉ dừng thử chứ không cam kết giải trừ hạt nhân khiến Mỹ bị dồn vào thế khó.

Tờ The Washington Post hôm qua dẫn nguồn tin từ các cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra nhiều nghi vấn về tuyên bố dừng thử hạt nhân của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Dù xem đây là cột mốc rất đáng ghi nhận trước thềm 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều, Nhà Trắng tỏ ra thận trọng nhằm tránh bị đẩy vào thế phải đồng ý nhiều điều khoản nhượng bộ nhưng không thể khiến Bình Nhưỡng cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân.
Các cố vấn không nêu tên tiết lộ họ vừa đưa ra cảnh báo nội bộ rằng tuyên bố của Triều Tiên có thể khiến thế giới quá tập trung vào việc dừng thử hạt nhân và đóng cửa một bãi thử. Trong khi đó, lãnh đạo Kim không hề đề cập cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng là mục tiêu hàng đầu của Mỹ. Theo các cố vấn, tuyên bố của ông Kim có thể tạo “ảo giác” rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng thỏa thuận. Khi đó, Mỹ sẽ khó từ chối những yêu cầu của Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh. Bản thân Tổng thống Trump ngày 22.4 cũng viết trên Twitter rằng “vẫn còn một chặng đường dài trước khi đi đến kết thúc” về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và chỉ có thời gian mới cho thấy vấn đề có được giải quyết hay không. Trước đó, ông gọi tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa ông Kim là “bước tiến lớn và tin tốt lành”.
Giới chức Nhà Trắng và các chuyên gia chỉ rõ trong bài phát biểu ngày 21.4, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên dừng thử vì đã “hoàn thành việc xây dựng lực lượng hạt nhân quốc gia”. Họ lo ngại nếu có bất cứ dấu hiệu nào tạo cảm giác Mỹ thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, dù công khai hay ngầm ẩn, cũng sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua hạt nhân với sự tham gia của Hàn Quốc và Nhật Bản. “Việc được chấp nhận là quốc gia hạt nhân, dù trong một giai đoạn tạm thời, có thể chính là điều Triều Tiên muốn đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh”, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Jon Wolfsthal nói với The Washington Post.
Tuy nhiên, chuyên gia Victor Cha tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng Mỹ vẫn còn rất nhiều lợi thế với những “con chủ bài” như khả năng ký kết hiệp định hòa bình, bình thường hóa quan hệ, bên cạnh duy trì tập trận với Hàn Quốc và hệ thống phòng thủ tên lửa triển khai ở nước này. Một lựa chọn khác là Washington có thể ra điều kiện Bình Nhưỡng phải cắt giảm nhiên liệu hạt nhân và kho tên lửa để tạo lòng tin tiến đến đàm phán về giải trừ hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.