Nhà Trắng trước sức ép trục xuất cựu Tổng thống Brazil

11/01/2023 07:30 GMT+7

Một số nghị sĩ kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trục xuất cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì vai trò trong vụ bạo loạn mới đây tại Brazil.

Cáo buộc kích động bạo loạn

Gần 2 tuần qua, ông Jair Bolsonaro sống tại TP.Orlando (bang Florida, Mỹ) và vừa nhập viện do gặp vấn đề đường ruột nhưng không quá nghiêm trọng, theo Reuters. Việc lưu trú của cựu tổng thống Brazil gây nhiều ý kiến bất bình từ giới nghị sĩ 2 nước, đặc biệt là sau vụ bạo loạn cuối tuần qua tại thủ đô Brasilia (Brazil) mà ông Bolsonaro bị cáo buộc là đóng vai trò kích động.

Ông Jair Bolsonaro trên giường bệnh tại Florida

AFP

Ông Bolsonaro thất bại trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 10.2022 trước đối thủ là cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Tháng 11.2022, ông Bolsonaro kêu gọi hủy kết quả bỏ phiếu điện tử vì có gian lận nhưng bất thành. Từ sau thất bại, người biểu tình dựng trại quanh nhiều cơ sở quân sự ở Brazil, kêu gọi quân đội can thiệp để ông Bolsonaro duy trì cương vị tổng thống và phế truất ông Lula. Ngày 8.1, người biểu tình xông vào làm loạn phủ tổng thống, tòa nhà quốc hội, tòa án tối cao tại Brasilia. Tính đến hôm qua, khoảng 1.500 người bị bắt và cảnh sát liên bang Brazil cho biết sẽ truy tố ít nhất 1.000 người, theo AP.

Dẹp xong bạo loạn, cảnh sát, quân nhân Brazil dỡ lán trại của người ủng hộ cựu tổng thống

Thượng nghị sĩ Brazil Renan Calheiros đề nghị Tòa án tối cao nước này dẫn độ ông Bolsonaro ngay lập tức vì sự liên can của ông trong cuộc bạo loạn là “không thể chối cãi”. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Joaquin Castro cũng cho rằng ông Bolsonaro nên bị đưa về Brazil, và Mỹ không nên là nơi nương náu cho người đã kích động cho hành động vừa qua tại Brazil. Tương tự, hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez nói Mỹ phải ngừng cho phép ông Bolsonaro nương trú tại Florida, đồng thời đoàn kết với chính quyền được bầu cử dân chủ của Tổng thống Lula, theo tờ Financial Times.

Đến nay, ông Bolsonaro vẫn phủ nhận các cáo buộc về vai trò trong vụ bạo loạn. Ông nói biểu tình ôn hòa là một phần của nền dân chủ nhưng việc xâm phạm cơ sở công quyền và phá hoại là hành động vượt quá giới hạn.

Thủ tục kéo dài ?

Tổng thống Biden trong tuyên bố chung với lãnh đạo Canada và Mexico ngày 9.1 lên án cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ và việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại Brazil. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về tình trạng lưu trú của ông Bolsonaro.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các nhà lãnh đạo hoặc nhà ngoại giao nước ngoài đến Mỹ theo diện thị thực (visa) ngoại giao, còn gọi là “visa A”, có thời hạn lưu trú 30 ngày và phải đăng ký thay đổi tình trạng lưu trú nếu không còn thực hiện nhiệm vụ công tác chính thức. “Nếu một cá nhân không dựa trên cơ sở (pháp lý) nào để ở lại Mỹ, họ sẽ bị Bộ An ninh nội địa trục xuất”, ông Price nói.

Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ chính quyền Brazil về tình trạng của ông Bolsonaro tại Mỹ, nhưng sẽ xử lý nghiêm túc nếu có. Một cựu quan chức cấp cao về vấn đề di trú của Mỹ nhận định việc trục xuất có thể mất nhiều thời gian và phức tạp.

Mặt khác, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani ngày 10.1 thông báo ông Bolsonaro không xin nhập tịch Ý và khó thành công nếu làm vậy, theo Reuters. Tuyên bố được đưa ra sau khi truyền thông Brazil loan tin ông Bolsonaro đang tìm cách xin nhập tịch Ý, gốc gác của gia đình ông, để tránh bị dẫn độ. Tháng 11.2022, chỉ vài ngày sau khi ông Bolsonaro thất cử, 2 con trai của ông là thượng nghị sĩ Flavio và hạ nghị sĩ Eduardo đã đến đại sứ quán Ý ở Brasilia để xin nhập tịch, theo tờ The Hill.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.