Đọc bài viết Nên xử chung thân hung thủ giết 6 người ở Bình Phước! của tác giả Trương Thái Du, tôi thấy quan điểm “Nhà tù cũng như án tử hình thực chất là bế tắc của văn minh nhân loại” là một quan điểm rất lạ.
Xét ở góc độ tích cực, nhà tù và các hình phạt là một bước tiến văn minh của loài người so với loài vật - Ảnh: Shutterstock
|
Bởi lẽ, các yếu tố như nhà nước, pháp luật, triết học, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật v.v…được hình thành và phát triển trong xã hội vốn là bước phát triển văn minh của nhân loại. Nó làm cho loài người được đứng trên các loài khác. Mỗi yếu tố kể trên có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau và tất cả đều quan trọng và cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của loài người. Nhà nước dùng nhà tù, các hình phạt trong đó có án tử hình thông qua việc ban hành pháp luật để thực hiện chức năng cải huấn, bảo đảm sự công bằng và công lý cho xã hội. Xét ở góc độ tích cực, nhà tù và các hình phạt là một bước tiến văn minh của loài người so với loài vật.
Về án tử hình, tác giả Trương Thái Du cho rằng “Tâm lý báo oán, hay nói cách khác là sự dã man còn sót lại của từng cá nhân hoặc nhóm người nào đó, cần được gỡ bỏ, chứ hoàn toàn không nên cổ vũ và quyến rũ nhà soạn luật bằng các luận lý tưởng chừng rất logic và khoa học”. Lập luận như vậy là tác giả đã cố tình phủ định chức năng giáo dục và thực thi công lý của pháp luật. Nên nhớ rằng pháp luật không phải chỉ được dùng để báo oán mà là dùng để giữ công bằng và công đạo. Tác giả cho rằng án tử hình chỉ là để thỏa mãn tâm lý báo oán và đó là sự dã man còn sót lại của cá nhân hoặc nhóm người thì chẳng khác nào cho rằng chức năng của pháp luật quá tầm thường, chỉ đáng dùng cho việc báo thù trả oán mà thôi.
|
Nếu thế thì hung thủ cũng là nạn nhân và nạn nhân cũng là một trong những nguyên nhân tạo cho hung thủ tính độc ác và cuồng sát. Vậy xin hỏi tác giả, phải chăng hành động xấu của hung thủ chỉ có nguyên nhân từ sự tác động của xã hội mà không từ sự ích kỷ, tham lam, dục vọng được nuôi dưỡng từ chính bên trong mỗi cá nhân? Khi hung thủ giết người xong thì cứ việc đổ lỗi cho cả xã hội vì đó chính là nguyên nhân gây nên tội ác của mình. Nếu như vậy thì pháp luật tồn tại để làm gì vì tội ác nảy sinh là do lỗi của tất cả mọi người tạo nên.
Cũng theo lập luận nêu trên của tác giả, nhà tù và án tử hình chẳng có ý nghĩa gì, nó chỉ bộc lộ bản chất trả thù tàn bạo của con người. Do đó, nhất thiết phải bỏ đi nhà tù và án tử hình để con người được văn minh hơn, tự do hơn. Và xin hỏi, cái văn minh, tự do đó sẽ được tồn tại ở dạng nào trong xã hội này? Lúc đó, con người sẽ không còn lòng tham, dục vọng, không cấu xé nhau mà sẽ yêu thương, che chở cho nhau chăng?
|
Nếu vậy thì trong tương lai, con người cứ thoải mái mà phạm tội vì không cần có chế tài nào kiềm chế tội ác, chỉ cần tác động đến trung khu thần kinh là kẻ ác trở thành người tốt ngay. Nếu vậy, tôi xin có ý kiến là các nhà khoa học hãy sáng chế ra một loại vaccine tiêm cho nhân loại từ thuở sơ sinh để triệt tiêu đi cái tính ác trong mỗi con người. Mà nói như vậy thì lại chẳng khoa học tí nào bởi vì: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn./Phần nhiều do giáo dục mà nên (Hồ Chí Minh).
Nhà văn Trương Thái Du chắc có biết qua Chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp vào thế kỷ XIX, tôi nghĩ, tư tưởng của ông cũng có chỗ tương đồng với chủ nghĩa trên ở điểm KHÔNG TƯỞNG, nghĩa là không bao giờ có thể thực hiện được trừ khi đến một ngày nào đó nhân loại này không còn tồn tại sự ích kỷ, lòng tham và dục vọng. Mà cái ngày đó thì chắc sẽ không bao giờ xuất hiện đâu!
Cuối cùng, về việc có nên bỏ án tử hình và thay bằng án chung thân với một số tội hay không, cá nhân tôi nghĩ, vấn đề đó không phải chỉ xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của chúng ta là được mà phải được căn cứ vào thực tế xã hội Việt Nam, vào truyền thống văn hóa lâu đời mà chúng ta đang gìn giữ và phát huy. Cho dù tất cả các nước trên thế giới có quyết định không áp dụng án tử hình nhưng pháp luật Việt Nam không nhất thiết phải làm theo bởi vì pháp luật không chỉ là tư tưởng của nhà cầm quyền mà còn thể hiện nguyện vọng ý chí của quần chúng nhân dân.
Nếu đã biết nói quyền được sống của con người là quyền cơ bản và quan trọng nhất thì pháp luật cũng như bản khế ước chung của xã hội về việc thực thi công lý trước tội ác tước đoạt quyền được sống của con người một cách dã man tàn bạo cần có. Đừng nói rằng người dùng bạo lực để trấn áp bạo lực thì cũng dã man, tàn bạo như kẻ ác mà phải thấy rằng đối với những hành vi giết người vô nhân tính, nếu không dùng bạo lực để chế ngự, tiêu diệt thì đó mới thực sự là tội ác bởi sự bao dung không đúng chỗ có ngày sẽ gây ra hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Xã hội này là chuỗi quan hệ nguyên nhân và kết quả. Đừng để một cái “nhân” sai lầm sẽ trở thành bao nhiêu cái “quả” khủng khiếp cho nhân loại.
Bình luận (0)