Chúng ta cứ kêu gọi: phải tử hình quan tham để diệt trừ quốc nạn tham nhũng, nhưng thực tế thì từ trước tới nay, rất ít quan tham phải nhận án tử. Tôi cho rằng tử hình không phải là giải pháp.
Việt Nam bị xếp trong nhóm nước có tham nhũng nghiêm trọng - Ảnh: Shutterstock
|
Dư luận đang tỏ ra lo ngại về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cho phép người bị kết án tử hình có thể thoát án tử nếu tự nguyện nộp ít nhất là ½ số tài sản do phạm tội mà có. Đây được coi là quy định có thể dọn đường cho quan tham nếu bị kết án tử có thể thoát chết.
Có người lo ngại quy định này sẽ khuyến khích “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Có người kêu gọi: “không để quan tham bỏ tiền chuộc mạng”. Lý luận của họ cho rằng: “một người làm quan… tham, cả họ được nhờ” và, nếu như thế, luật pháp sẽ không nghiêm minh.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 10%) thì việc cho phép quan tham nộp ½ số tài sản tham nhũng để chuyển từ án tử hình xuống chung thân cũng là một giải pháp hợp lý hiện nay. Vì lẽ rằng, nếu có tử hình quan tham thì cũng không thể thu hồi được toàn bộ số tài sản tham nhũng, nếu không muốn nói là không thu hồi được gì.
Chúng ta cứ kỳ vọng và kêu gọi rằng: phải tử hình quan tham để diệt trừ quốc nạn tham nhũng. Nhưng nhìn thực tế thì từ trước tới nay, rất ít quan tham phải nhận án tử hình. Có những người làm thất thoát, hoặc tham nhũng hàng trăm, ngàn ngàn tỉ đồng, nhưng có bị tử hình đâu, thậm chí chỉ bị… cảnh cáo. Vậy chúng ta kêu gọi áp dụng án tử hình làm gì? Chúng ta sợ pháp luật không nghiêm minh, nhưng thực tế, pháp luật đối với tham nhũng đã nghiêm minh chưa? Câu hỏi thiết nghĩ đã có câu trả lời. Vả lại, nếu tư duy rằng, áp dụng những hình phạt nghiêm khắc thì tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng sẽ bị diệt trừ thì quả là sai lầm. Bởi nếu thế, chế độ phong kiến, với những hình phạt hà khắc như: xử giảo, lăng trì, chém đầu, ngũ mã phanh thây… đã chẳng có tội phạm nữa rồi.
Một chuyên gia đã từng nói rằng: việc kêu gọi tử hình dường như chỉ làm thỏa mãn bức xúc của dư luận, còn thực tế chẳng giải quyết được vấn đề gì. Vậy tại sao không cho người ta nộp lại tài sản tham nhũng để được giảm án từ tử hình xuống chung thân? Điểm mấu chốt là: chung thân phải… bị giam giữ suốt đời, chứ không phải ở tù vài chục năm rồi được phóng thích như hiện nay. Thế nên, điều chúng ta đang cần là phải có mức án chung thân theo đúng nghĩa của nó, chứ không thể hiểu chung thân như hiện nay. Quyết tâm của các nhà lập pháp thực sự phải bị thử thách trong việc soạn lại Bộ luật Hình sự lần này.
|
Một số người lý luận rằng, với tình trạng tham nhũng hiện tại, Việt Nam không thể bỏ án tử hình đối với các tội danh kinh tế nói chung và tham nhũng nói riêng. Không! Những lý luận kiểu này đang chỉ nhìn đến phần ngọn, chứ chưa tính đến giải pháp cho vấn đề cốt lõi. Bởi nếu chỉ tử hình các quan tham, chắc chắn một điều tham nhũng không bao giờ bị diệt trừ, mà sẽ trở nên tinh vi hơn, “ổn định” hơn như đang được chứng kiến. Phải làm sao như Singapore, để quan chức “không cần, không thể và không dám” tham nhũng.
Điều cần thiết nhất trong lúc này là phải kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Như ông Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nói: Nếu có 100 quan tham nhũng, thì phải đem ra xét xử 100; chứ nếu chỉ lựa chọn một số quan tham điển hình, rồi đưa ra xét xử như các vụ án trọng điểm, thì rõ ràng tính nghiêm minh của pháp luật đã không được thực thi. Và dĩ nhiên, pháp luật sẽ không có tính ngăn ngừa, răn đe tham nhũng.
Thứ nữa, như một chuyên gia phân tích: tham nhũng xuất phát từ việc thiếu minh bạch, công khai, dân chủ. Nếu thực hiện được những điều này, thì sẽ giảm được tham nhũng. Ngoài ra, pháp luật phải nghiêm, phải công bằng, tất cả mọi người phạm tội, dù ở cương vị nào cũng phải bị xét xử nghiêm minh. Không phải là quan bé bị xử nặng, còn quan to thì được xử nhẹ hoặc bỏ qua, bởi vì những điều này chỉ khuyến khích tham nhũng thôi.
Hơn nữa, chế độ quản lý hiện nay “cho phép” quan chức của ta được tự tung tự tác nhiều quá, có nhiều thứ để đổi chác, ra oai, nhũng nhiễu dân quá. Quyền dành cho quan chức quá lớn, lại không bị kiểm soát chặt chẽ nên mới sinh ra tham nhũng như thế.
Nếu quyết tâm chống tham nhũng thì phải điều tra. Đúng sự thật thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự; không đúng thì phải công bố cho dân biết đó là những tin bịa đặt, tin đồn vô căn cứ. Nhưng nhiều lúc chúng ta không làm bất kỳ động thái nào. Chính vì thế, người dân ngày càng thiếu niềm tin vào quyết tâm chống tham nhũng của lãnh đạo. Giống như các cụ bảo, chúng ta mới chỉ “tắm từ vai trở xuống”.
Thế nên, thay vì kêu gọi phải tử hình quan tham và lo ngại về dự thảo Bộ luật Hình sự mới, hãy làm mọi cách để pháp luật được thực thi nghiêm minh. Vì nếu cứ kêu gọi áp dụng tử hình, vô tình mọi người đã góp phần vào việc chặt ngọn tham nhũng, để cây tham nhũng nảy nở thêm cành lá sum suê.
Bình luận (0)