Nhà tuyển dụng 'dài cổ' chờ người lao động sau Tết

28/02/2018 07:53 GMT+7

Chưa có phiên giao dịch việc làm đầu năm nào tại Hà Nội lại ảm đạm như năm nay, chỉ có doanh nghiệp tuyển dụng , còn người lao động hầu như vắng bóng.

Cả buổi sáng không tuyển được ứng viên nào
Sau nửa tháng nghỉ Tết, sáng 27.2 (11 tháng giêng), sàn giao dịch việc làm Hà Nội thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, quận Cầu Giấy) đã mở cửa hoạt động trở lại. Trái ngược với cảnh sôi động, lao động xếp hàng dài chờ việc những năm trước, năm nay, phiên giao dịch ảm đạm bất thường. Bãi gửi xe mọi khi đến muộn không còn chỗ gửi, nay chỉ lác đác vài xe.
Anh Lê Ngọc Huy (quê ở Vĩnh Phúc) có mặt tại sàn từ đầu phiên, chia sẻ: “Khi đến đây, tôi còn nghĩ là mình đến nhầm ngày giao dịch, 9 giờ sáng mà thấy sàn vắng teo. Ngoài nhân viên của sàn giao dịch và các nhà tuyển dụng, không thấy bóng dáng của người lao động”.
Là một trong những lao động hiếm hoi đến “mở hàng” tìm việc đầu năm, chị Hoàng Thị Hòa (ngụ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mong muốn sẽ tìm được công việc văn phòng với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đọc thông tin tuyển dụng và bước vào phỏng vấn, chị Hòa rất thất vọng. “Mình cứ nghĩ khi mọi người chưa sẵn sàng tìm việc, mình đến sớm sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn. Thực tế là đầu năm, các công việc tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông như bán hàng, bảo vệ, nhân viên kỹ thuật… Có một số vị trí có thể nộp hồ sơ phỏng vấn, nhưng các chế độ đãi ngộ cũng không phù hợp, nên mình đành ra về”, chị Hòa nói.
Nhưng thất vọng hơn cả tại phiên giao dịch này vẫn là các nhà tuyển dụng. Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có 51 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 586 vị trí việc làm, nhưng nhiều doanh nghiệp ngồi cả buổi sáng không tuyển được một ai.
Ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Nam Thịnh - chuyên kinh doanh về thiết bị vệ sinh, nói: “Trước khi nghỉ Tết, chúng tôi cũng đã dự đoán sau Tết sẽ khó tuyển lao động, nhưng không nghĩ lại quá ít người như vậy. Công ty tôi tuyển 5 người mà từ Tết đến giờ chưa tuyển được ai. Có lẽ sàn giao dịch việc làm cần có những thông tin để nắm bắt số lượng ứng viên đến để các doanh nghiệp đỡ mất thời gian”.
Phạm Văn Tuấn, nhân viên phòng nhân sự Công ty Cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội, cũng cho hay công ty đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 200 lao động phổ thông và nhân viên kỹ thuật trong các ngành nghề như môi trường, trông xe, bảo vệ, nhân viên bếp, y tế, bán hàng, soát vé, chăm sóc khách hàng… để chuẩn bị vận hành công viên nước trong tháng 4, nhưng cả buổi sáng chưa nhận được hồ sơ nào.
Ứng dụng công nghệ để tuyển dụng lao động
Mặc dù chi phí tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm rẻ hơn rất nhiều so với các đơn vị cung cấp nhân sự trên thị trường, song ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty bất động sản NamLand, cho rằng hạn chế của sàn giao dịch việc làm là chỉ tuyển được lao động phổ thông.
“Chúng tôi cần những nhân sự vị trí cấp cao lại không tuyển dụng được người nào từ sàn giao dịch, trong khi một số công ty khác lại có một bộ phận săn đầu người. Thế mạnh của thị trường lao động Hà Nội không phải là lao động phổ thông, mà là lao động đã qua đào tạo”, anh Long bày tỏ.
Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông thường ngay sau Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động tăng đột biến, nhất là 2 năm gần đây, lượng tuyển dụng trong các doanh nghiệp tăng cao. “Một số doanh nghiệp khi chưa tổ chức phiên đầu năm đã gọi điện đến sàn giao dịch việc làm đặt vấn đề hỗ trợ tuyển dụng. Năm nay, đến ngày mở sàn, chúng tôi chưa nhận được đề nghị nào”, ông Thảo nói.
Qua khảo sát của trung tâm và các kênh thông tin, ông Thảo cho hay, thị trường lao động sau Tết tại Hà Nội năm nay ít biến động hơn. Một số các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tuyển 100 - 200 người không có gì đột biến.
Tuy nhiên, ông Thảo cũng thừa nhận: “Từ tình hình thực tế, chúng tôi đã cảm nhận được sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến sàn giao dịch việc làm. Trong kỷ nguyên số, ngành nghề tuyển dụng nhân sự bị ảnh hưởng thứ 2 sau công nghệ thông tin. Với sức mạnh công nghệ thông tin, nhiều người lao động ngại di chuyển, ngại tiếp xúc trực tiếp hơn. Để cạnh tranh với các đơn vị tuyển dụng nhân sự, thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào sàn trên địa bàn Hà Nội ở mức độ cao nhất, để người lao động và nhà tuyển dụng không nhất thiết cứ phải đến sàn để giao dịch”.
98% công nhân trong các khu công nghiệp quay trở lại làm việc
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Kinh tế - chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết, trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thành lập 6 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính của tổ chức công đoàn; nắm tình hình công nhân, viên chức lao động Thủ đô tại 18 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và một số doanh nghiệp.
Có khoảng 40% doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội khai xuân với hơn 98% số công nhân lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, một số doanh nghiệp đạt 100% số công nhân đã đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết …
So với những năm trước, tình hình công nhân lao động đến nay cơ bản ổn định, người lao động ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp do chế độ phúc lợi của doanh nghiệp đối với người lao động được đảm bảo tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.