'Nhà văn anh là ai?" trong trường ca 'Gửi...' của Thy Nguyên

01/05/2021 09:23 GMT+7

Gửi… là một thông điệp trong hành trình sáng tạo của Thy Nguyên, trường ca được chị chưng cất những giá trị nhận thức về con người, đặc biệt là nhà văn, với câu hỏi “ Nhà văn anh là ai?/ Anh đến từ đâu?/ Anh đang đi về đâu?” .

Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản các tác phẩm thơ như: Sân người, Cầm mưa, Ga nổi, Đời đá, Người dưng… Đầu năm 2021 chị cho ra mắt bạn đọc trường ca Gửi… (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Bìa sách tối giản do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ, họa sĩ Hải Kiên minh họa. Trường ca Gửi… với 98 trang, 36 khúc được thiết kế đẹp cả về nội dung lẫn hình thức.
Với năng lượng sáng tạo bền bỉ, trường ca Gửi… đã mở ra một thế giới bí ẩn, bất ngờ, lạ lẫm, khơi gợi và tò mò về sự sống, cái chết, bóng tối và ánh sáng. Câu hỏi “nhà văn anh là ai?/ Anh đến từ đâu?/ Anh đang đi về đâu?/ Hãy kêu tiếng kêu của ngọn đuốc/ thắp một đời rừng/ chảy một đời sông/ cho tôi được khóc…” [Khúc 3] đau đáu trong tác phẩm, như cảnh tỉnh con người trước một xã hội xô bồ đầy ngổn ngang của sự tử tế và lòng thù hận. Cũng thật khó để trả lời một cách đầy đủ, minh bạch bằng văn bản, cũng như câu hỏi: Thơ là gì? Thơ đến từ đâu? Thơ cần thiết cho ai? Ở đây chị đã lý giải bằng sự quan tâm đến thời cuộc và sự hiểu biết của mình.
Nhà văn là người viết, là sự diễn ngôn trong tâm thức để phơi bày những điều phi lý, những thứ đi ngược lại thời đại, chị nhận định về vai trò, trách nhiệm của nhà văn trong thời hội nhập, nhà văn ngoài cái tài còn cần có cái tâm của nghề viết. Cụ Nguyễn Du đã từng nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và nhà văn phải là người phân biệt được cái thiện - cái ác, cái chính và cái tà, phản ánh sâu sắc đời sống hàng ngày, những vấn đề thời cuộc của đất nước, những bất bình của xã hội như “Người họa sĩ chọn cái chết trên toan. Anh nếu là nhà văn, hãy một lần viết như chú ngựa già thổ huyết trên sa mạc đời mình…”. Chị đã gửi thông điệp đến nhà văn bằng văn bản ngôn ngữ “Nhà văn/ nếu anh viết bằng hốc mắt/ lời mật ngôn cong góc đình làng” ; “Anh để lại gì…/ gáy tập tiểu thuyết dày/ chỉ thấy giấy thơm/ chỉ thấy chữ nghiêng/ trật tự thấy thất kinh/ trật tự như đàn tốt” [Khúc 5
“nhà văn anh là ai? / Anh đến từ đâu? / Anh đang đi về đâu? / Hãy kêu tiếng kêu của ngọn đuốc / thắp một đời rừng / chảy một đời sông / cho tôi được khóc…” [ Khúc 3 ].
]. Rõ ràng ở đây văn chương có những thứ đáng trọng nếu được viết ra từ tâm hồn, từ hốc mắt, thậm chí bằng máu của mình. Có những thứ nhạt nhòa, đáng quên, không nói lên tầm tư tưởng của người viết, chỉ thấy những con chữ vô hồn, không đọng lại điều gì cả.
Trường ca Gửi… mang hơi thở một xã hội đương đại. Ở đó tồn tại song song cả lịch sử, thời cuộc, vận mệnh trước tình hình biển đảo, trước họa xâm lăng, nhà văn cần phải có tư duy, nhận thức đúng đắn, phản ánh đúng thực tại của đời sống bằng trách nhiệm của người cầm bút, bằng những vui buồn, khát khao, trăn trở “Ôi đất nước/ những lâu đài văn hóa/ đóng đinh kiếp người/ đóng đinh khúc vĩ nhân/ nhà văn/ anh/ tôi/ chúng ta/ bơi tìm bờ thiện” [ khúc 6 ]. “Nhà văn/ anh nói gì đi/ nơi đồng văn/ rừng chữ/ một tiếng kêu/ một ngọn cờ rền vang…/ cho cả mùa đông tín chấp những cây cầu/ nhà văn/ trên cánh đồng quả ngọt/ trong lòng suối cạn khô/ lẽ nào chúng ta trôi dọc ngày dài/ khoác áo tha nhân/ bước lên một con tầu không bao giờ chạy?” [khúc 28]
Trường ca Gửi... được chị tổ chức, bố cục bằng 36 khúc, mỗi khúc đều được bắt đầu bằng khẩu ngữ “Nhà văn”. Chị viết về nhà văn như viết cho chính mình, tưởng như hoài nghi, phi lý nhưng lại hiện thân rõ nét trong tư tưởng bằng những hình ảnh mạnh mẽ, cấp tiến. Từng khúc trong trường ca tinh tế, trực diện bàn về sứ mệnh con người, bàn về sứ mệnh nhà văn đầy chất suy tưởng ám dụ văn chương, chị khái quát “nhà văn” bằng những lời gan ruột, tôi có cảm giác rằng viết xong một khúc chị sẽ suy kiệt và rỗng như một tổ hợp, bởi những khúc trong trường ca tự thân nó đã lấy hết năng lượng, trí tuệ của một “nhà văn”. Chị đưa ra những lát cắt, báo hiệu về những dự án, về những đứa trẻ trên sông, về những cuộc chiến tiền, quyền, đất cát đều đáng phải suy ngẫm “Tôi nghe thấy tiếng giãy giụa/ từ trăm nghìn dự án ngụy trang” “mẹ biển những ngày bão nổi/ cứa nát tim đứa trẻ in trên hình giấy điệp” [khúc 20].
Trường ca của Thy Nguyên tạo ra một con đường nghệ thuật riêng, một dấu ấn riêng, đầy sáng tạo trong một thế giới mở. Với Gửi... chị can đảm nhìn thẳng vào sự thật, mất mát, đớn hèn. Ý thức của người cầm bút trước thế giới thực tại, “nhà văn” phải trăn trở từ đáy lòng, soi chiếu vào thân phận con người, rạch ròi giữa yêu và ghét, không vô tâm, vô cảm, vô hình thì mới có thể vượt lên.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.