Nhà văn cựu binh Mỹ Wayne Karlin chia sẻ kỷ niệm với Việt Nam

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
04/04/2020 16:15 GMT+7

Nhà văn Wayne Karlin vừa chia sẻ lại những hình ảnh tư liệu quý giá từ cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn cựu binh Mỹ chụp năm 1988.

Ảnh chưa đẹp nhưng tình người đẹp
Wayne Karlin - nhà văn cựu binh Mỹ quen thuộc qua nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam vừa chia sẻ nhiều hình ảnh tư liệu quý giá trong cuộc gặp lịch sử mùa hè năm 1988 tại Boston, Mỹ giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn cựu binh Mỹ.
Trong tấm hình, có một số nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Lê Lựu… đã được mời sang tham gia gặp gỡ nhóm các nhà văn cựu binh Mỹ như L-R Bruce Weigl, Kevin Bowen, Wayne Karlin, Leslie Bowen, Wayne Smith, Phil Caputo, Robert (Chickenhawk)...

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Lê Lựu trong cuộc gặp gỡ với nhóm nhà văn cựu binh Mỹ tại Boston, Mỹ (1988).

Ảnh: NVCC

Wayne Karlin cho biết thời điểm đó ông và các nhà văn cựu binh Mỹ đều rất trẻ và họ thực sự cảm động vì cuộc gặp gỡ này. Ông còn nhớ cả kỷ niệm nhà văn Lê Lựu nấu súp cho vợ chồng ông nếm thử. Ông cho biết những tấm hình chụp chất lượng tuy không tốt nhưng đó là những kỷ niệm quý giá với ông và bạn bè.
Wayne Karlin sinh ngày 13.6.1945 tại Los Angeles (California, Mỹ). Ông từng là cựu Thủy quân lục chiến quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam (1966-1967) và trở thành một trong những giọng văn quan trọng nhất vượt ra khỏi sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia - với nét khác biệt nằm ở mối quan tâm sâu sắc và tích cực dành cho những đối tượng gánh chịu hậu quả chiến tranh.
Thông qua những tiểu thuyết và các tuyển tập ông từng biên soạn cũng như nhiều bài viết đăng trên tạp chí Curbstone Press, Karlin đã hé mở những câu chuyện của các nạn nhân và việc chữa lành vết thương chiến tranh từ nhiều phía.
Suốt 50 năm qua, Wayne Karlin đã tích cực tham gia công cuộc “hàn gắn vết thương chiến tranh” qua hàng loạt những hoạt động tích cực: sáng tác văn chương tố cáo những hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; tham gia các hoạt động cùng các cựu chiến binh Mỹ như biểu tình phản đối chiến tranh, cùng thành lập công ty xuất bản tư nhân First Casualty Press (1973), biên tập sách của các nhà văn là cựu chiến binh Mỹ, giới thiệu và biên tập sách văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Anh, tham gia các hoạt động từ thiện của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam như tặng toàn bộ lợi nhuận từ sách cho Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội - nơi từng bị phá hủy nặng nề bởi trận bom năm 1972, xây dựng trường học cho thiếu nhi ở Quảng Trị, tham gia dự án Renew (Tái tạo) hướng dẫn người dân Quảng Trị về việc phát hiện, tránh và vô hiệu hóa những quả bom chưa nổ…

Bìa tiểu thuyết Wondering Souls (Những linh hồn phiêu dạt) ấn bản tiếng Anh.

Ảnh: NVCC

Lần trở lại Việt Nam gần nhất của ông là tháng 1.2015 để giao lưu với độc giả Hà Nội, trao đổi về tiểu thuyết Những linh hồn phiêu dạt (Wondering Souls). Cuốn sách ghi lại hành trình đau khổ của một cựu chiến binh khi trở về Việt Nam để đối diện với gia đình người chiến sĩ anh ta đã giết trong chiến đấu. Nó được đan xen với câu chuyện của những con người với cuộc sống bị đảo lộn bởi chiến tranh, sự tồn tại và chữa lành vết thương phi thường. Cuốn sách từng được NXB Thông tấn dịch và phát hành năm 2010.
Ra mắt tiểu thuyết mới về chế độ nô lệ
Ngày 31.3 vừa qua, Wayne Karlin vừa ra mắt tiểu thuyết mới nhất mang tên A Wolf by the ears do NXB Đại học Massachusetts ấn hành, phát hành trên Amazon, xoay quanh hành trình trốn chạy của những người nô lệ Mỹ gốc Phi nhằm thoát khỏi Nam Maryland trong thời kỳ cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Anh từ năm 1812-1815.
Cuốn sách đã nhận được nhiều lời ngợi khen của các nhà phê bình văn học danh tiếng và nhiều nhà văn trên thế giới, trong đó có cả sự giới thiệu tích cực của nhà văn-nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
Khác với 7 tác phẩm trước của ông gần như đều có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, A Wolf by the ears đã tái hiện rất hiệu quả về một cuộc hậu chiến và thể chế nô lệ với nhiều bạo lực và lạm dụng thông qua bức tranh về cuộc sống đồn điền ở Nam Maryland vào thế kỷ 19.

Bìa tiểu thuyết A Wolf by the ears ấn bản tiếng Anh

Ảnh: NVCC

Wayne Karlin cho biết, “Sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi học đại học và bắt đầu viết văn từ đó, dù câu chuyện đầu tiên của tôi - nội dung cũng về chiến tranh Việt Nam, không được xuất bản mãi cho tới năm 1973. Tôi thích đọc sách từ nhỏ và luôn muốn trở thành một nhà văn. Nếu không tham gia chiến tranh, tôi nghĩ mình vẫn bước vào nghiệp văn, nhưng chiến tranh đã đem lại cho tôi đề tài sáng tác đầu tiên. Đó là sự kiện quan trọng nhất đã xảy ra đối với thế hệ tôi, với đất nước tôi, với chính tôi. Vì thế dĩ nhiên tôi phải viết về nó. Không phải tất cả các cuốn sách của tôi đều viết về chiến tranh, nhưng chiến tranh hoặc di chứng chiến tranh đã từng và vẫn đang là trọng tâm trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Điều khiến tôi ám ảnh nhất là nhiều người trong số chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải viết sự thật về chiến tranh và chúng tôi phải sống lại với điều đó mỗi lần khi chúng tôi viết về nó một cách thành thực nhất”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.