Hội Nhà văn TP.HCM vừa long trọng tổ chức buổi gặp gỡ cảm động với nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng vào ngày 17.10, nhân dịp bộ tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam (do Đông A và NXB Văn học ấn hành).
Trong cuộc đời sáng tác văn học giàu thành tựu của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz, không tác phẩm nào được thai nghén lâu như tiểu thuyết lịch sử Hiệp sĩ thánh chiến (Krzyżacy).
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM và các khách mời |
NVCC |
Việc sáng tác kéo dài ròng rã bốn năm trời, bắt đầu tại Zakopane (Ba Lan) năm 1896, kết thúc năm 1900 tại Parc Saint Maur gần Paris (Pháp). Những trang bản thảo Hiệp sĩ thánh chiến hình thành trong những cuộc hành trình liên miên khắp trong ngoài nước của văn hào, trong các khách sạn và nhà nghỉ ở Ba Lan, Pháp, Áo, Thụy Sĩ và Italia, những nơi ông có thể tách ly hẳn khỏi thế giới bên ngoài, chỉ sống với thế giới tưởng tượng của riêng mình, với độ trượt thời gian gần 500 năm về quá khứ.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhấn mạnh: "Buổi gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn dịch giả Nguyễn Hữu Dũng (ông còn là thành viên của Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam), cùng với việc giới thiệu bộ tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến của Henryk Sienkiwicz, là dịp để dịch giả cùng các đồng nghiệp, độc giả chia sẻ cùng nhau, không chỉ là giá trị từ tác phẩm văn học kinh điển Hiệp sĩ thánh chiến mà còn có thể truyền cho nhau năng lượng sống hữu ích, năng lượng tri thức, năng lượng sáng tạo, năng lượng thụ hưởng từ tác phẩm văn học, cũng như từ việc chuyển ngữ tác phẩm văn học từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác bằng tất cả niềm đam mê không chỉ của trái tim mà còn của cả lương tâm".
Tam giác tình yêu trong sáng, thanh cao, giàu lòng hy sinh
Henryk Sienkiewicz (1846 – 1916) là văn hào Ba Lan sinh ra tại Wola Okrzejska trong một gia đình gốc gác quý tộc. Ông từng theo học luật, y khoa trước khi chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách. Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1905. Sau thời kỳ bệnh tật kéo dài, Henryk Sienkiewicz chuyển hướng sang viết cho độc giả trẻ tuổi hơn, thành tựu nổi bật có Trên sa mạc và trong rừng thẳm và qua đời tại Vevey (Thụy Sĩ).
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian chiến tranh thế giới thứ II, phe phát xít Hitler đã cấm các tác phẩm của Henryk Sienkiewicz, nhất là Hiệp sĩ thánh chiến lưu truyền ở Ba Lan. Bằng sức mạnh nghệ thuật lớn lao của mình, tác phẩm đã trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự do, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho bọn xâm lược vốn chỉ tin vào sức mạnh của quân đội và vũ khí.
Đồng nghiệp tặng hoa chúc mừng ông |
Hội Nhà văn tp.hcm |
Tính chặt chẽ của cấu trúc, nghệ thuật đan xen mật thiết của các tuyến tình tiết, sự hài hòa giữa hai mặt mô tả số phận chung của toàn dân tộc và số phận riêng tư của các nhân vật chính đã khiến các nhà phê bình văn học đánh giá Hiệp sĩ thánh chiến là tác phẩm hoàn thiện nhất trong những tiểu thuyết lớn của Henryk Sienkiewicz.
Giáo đoàn Thánh chiến hình thành tại Palestine trong các cuộc thập tự chinh, sau này đã tiến hành những cuộc chiến tranh nhằm lấn chiếm đất đai của Phổ (năm 1283) và vùng đất giáp biển Baltic (gồm cả thành phố Gdańsk) của Ba Lan (năm 1309), hình thành một quốc gia ngày càng bành trướng.
Giáo đoàn áp dụng chính sách đàn áp rất hà khắc đối với cư dân bản địa trong các vùng đất bị chiếm đóng, khiến dân chúng sục sôi căm hận, chỉ chờ dịp là nổi lên khởi nghĩa. Trong khi đó, sự ra đời của liên minh Ba Lan – Litva hùng mạnh, có lãnh thổ mênh mông, trải dài từ sông Odra ở phía Tây tới các sông Oka và Doniec ở phía Đông, với giới hiệp sĩ đông đảo và những đội quân thiện chiến, đã trở thành chướng ngại vật chính, ngăn cản sự bành trướng của Giáo đoàn Thánh chiến.
Mối quan hệ “căng như dây đàn” giữa hai bên lại càng lung lay dữ dội hơn nữa khi hiệp sĩ trẻ Zbyszko ra tay tấn công sứ giả của Giáo đoàn ngay tại thủ đô Kraków, vì chàng muốn thực hiện lời thề nguyện với “nữ chúa lòng mình”. Tất thảy giới hiệp sĩ Ba Lan đều bênh vực người hiệp sĩ can trường, song chàng vẫn không tránh thoát số phận bước lên đoạn đầu đài, và sau rốt thì người cứu mạng chàng lại chính là cô gái mà chàng đã thề nguyện sẽ bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Ân oán đã kết, các hiệp sĩ Thánh chiến đâu thể bỏ qua cho kẻ đã sỉ nhục danh dự của Giáo đoàn, và một âm mưu trả đũa thâm độc bắt đầu nhen nhóm...
Những trang bản thảo Hiệp sĩ thánh chiến hình thành trong những cuộc hành trình liên miên khắp trong ngoài và nước của văn hào |
Từ những năm 80 của thế kỷ 20, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng (trái) đã được bạn đọc biết đến trong vai trò dịch giả – người có công giới thiệu nhiều tác phẩm Ba Lan, tiêu biểu như Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Đường công danh của Nikodem Dyzma, Con hủi… |
Hội Nhà văn tp.hcm |
Đặc biệt, mối tình tay ba Danusia – Zbyszko – Jagienka trong Hiệp sĩ thánh chiến cũng là một sáng tạo độc đáo, được Henryk Sienkiewicz xử lý tài tình. Vượt ra khỏi những lối mòn thông thường, tác giả đã xây dựng một tam giác tình yêu trong sáng, thanh cao, giàu hy sinh, không vẩn một chút ghen tuông, mà vẫn rất hợp lý, rất “đời thường”. Những giải pháp mà Henryk Sienkiewicz sử dụng để giải quyết các tình huống nút "thắt, mở" hết sức độc đáo, bất ngờ, mang nhiều bao thú vị cho người đọc.
Nguyễn Hữu Dũng - dịch giả của bộ tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến quê Điện Ngọc, Điện Bàn (Quảng Nam) là phó Giáo sư – Tiến sĩ về động lực học, chuyên ngành động cơ đốt trong, từng có nhiều năm giảng dạy ở Trường Đại học Thủy sản và công tác tại Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Thủy sản.
Từ những năm 80 của thế kỷ 20, ông đã được bạn đọc biết đến trong vai trò dịch giả – người có công giới thiệu nhiều tác phẩm Ba Lan, tiêu biểu như Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Đường công danh của Nikodem Dyzma, Con hủi…
Henryk Sienkiewicz là tác giả ông vô cùng yêu thích và các tác phẩm của nhà văn luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng xúc động tâm sự: “Có lẽ văn của Henryk Sienkiewicz cũng có điểm tương đồng với động cơ đốt trong, nó cháy bằng chất gì đó trong tôi và trong những bạn đọc Việt Nam suốt thời gian qua và độc giả chắc chắn sẽ càng yêu mến ông qua tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến, như tôi đã yêu quý ông mà dành thời gian suốt 30 năm, từ 1990 đến 2020 để dịch tác phẩm kinh điển này, để đến hôm nay trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc".
Bình luận (0)