Nhà văn gốc Việt đoạt giải Pulitzer phê phán 'Da 5 Bloods'

27/06/2020 20:14 GMT+7

Trong bài phê bình trên The New York Times , nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho rằng bộ phim mới của Spike Lee thất bại trong việc lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Nguyễn Thanh Việt là một trong những nhà văn người Mỹ gốc Việt nổi tiếng nhất hiện nay. Năm 2015, ông đoạt giải Putlizer cho tác phẩm The Sympathizer. Chủ đề xuyên suốt những tác phẩm của ông là nhìn lại chiến tranh Việt Nam và mô tả cuộc sống của người Việt tị nạn ở nước ngoài.
Nhà văn mở đầu bài phê bình bằng một quan điểm ấn tượng: "Mỗi cuộc chiến đều được trải nghiệm hai lần, lần đầu là trên chiến trường, lần hai là trong ký ức", nhấn mạnh dư âm cuộc chiến để lại ở mỗi phe đều khác nhau. Vốn lớn lên ở nước ngoài, có nhu cầu tìm hiểu về quê hương, Nguyễn Thanh Việt xem rất nhiều phim Hollywood lấy đề tài chiến tranh Việt Nam, rồi đi đến kết luận rằng chúng đều không tránh khỏi góc nhìn phiến diện, sai lệch, chỉ quan tâm đến câu chuyện của lính Mỹ da trắng, tiêu biểu là The Green Berets (1968), Apocalypse Now (1979), Rambo (1985), Platoon (1986), Full Metal Jacket (1987).

Người Việt Nam xuất hiện trong phim với tư cách nhân vật phụ

Ảnh: Netfix

Ông khẳng định mình ủng hộ phong trào Black Lives Matter và rất hâm mộ những bộ phim mang thông điệp chính trị mạnh mẽ của Spike Lee. Dù vậy, Da 5 Bloods là một sự thất vọng. Bộ phim tương đối thành công trong việc phê phán nạn kỳ thị chủng tộc nhưng lại không thể phản biện chủ nghĩa đế quốc một cách triệt để, vì "khi đặt người Mỹ da đen vào vị trí trung tâm, Lee tiếp tục đặt người Mỹ vào trung tâm".
Ông lên án: "Đối với Hollywood, đối với người Mỹ, thà trở thành kẻ phản diện hay phản anh hùng còn hơn làm nhân vật phụ, miễn là được chiếm vị trí trung tâm. Đối với người Việt Nam, người Lào, người Campuchia... vai trò của họ luôn là nhân vật phụ, chức năng của họ là tỏ ra hữu ích, được cứu vớt, bị đổ lỗi, bị mổ xẻ, bị chế giễu, bị lạm dụng, bị phớt lờ, bị hiểu lầm, hoặc tất cả những điều đó". 
Trong phim, người Việt Nam sắm những vai bên lề như hướng dẫn viên du lịch, gái bán hoa, đứa con hoang, người ăn xin và kẻ thù vô danh. Đầu phim, mặc dù Spike Lee trích dẫn đoạn phát biểu của Muhammad Ali: "Họ [người Việt Nam] chưa bao giờ gọi tôi là "mọi đen" (nigger)", thế nhưng chính nhân vật Paul trong phim lại gọi người Việt là "gooks" (từ mang nghĩa xúc phạm dùng để chỉ người da vàng) khi bị khiêu khích. Nhà văn cũng thấy chi tiết người đàn ông bán gà nhắc lại tội lỗi chiến tranh và nhục mạ Paul khá vô lý, bởi người Việt thực chất đã quên cuộc chiến này từ lâu, còn các đạo diễn ngoại quốc lại cứ cố gò ép họ vào vai nạn nhân.
Dẫn lời của Martin Luther King Jr. trong Beyond Vietnam, Nguyễn Thanh Việt cho rằng muốn phê phán nạn kỳ thị chủng tộc, phải phê phán cả chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa quân phiệt, đế quốc Mỹ và những cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra cho những nước như Iraq, Afghanistan. Cuối bài viết, nhà văn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kể chuyện theo những góc nhìn đa chiều và khuyến khích người Việt nên tự lên tiếng kể câu chuyện của chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.