Nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương vừa qua đời tối 2.1 tại nhà riêng. Đây là thông tin được nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, xác nhận.
Ông Nguyễn Bình Phương cho biết, theo quy định, tang lễ của nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương có thể do Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) tổ chức. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của gia đình vị tướng, tang lễ của ông sẽ được Tổng cục Chính trị đứng ra tổ chức.
Tang lễ nhà văn Hồ Phương, người từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh, diễn ra vào 7 giờ 30 sáng thứ hai (ngày 8.1) tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội).
Nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930 tại TX.Hà Đông (nay là Q.Hà Đông, Hà Nội). Bút danh Hồ Phương do ông tự chọn theo họ của Bác Hồ. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết, nhà văn Hồ Phương tham gia cách mạng từ sớm, khi mới 16 tuổi. Tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông là Thư nhà, viết năm ông 18 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, người được giao nhiệm vụ viết điếu văn cho ông Hồ Phương, cho biết: "Ông Hồ Phương có hai phương diện. Một là phương diện nhà văn, hai là phương diện người lính. Ông đi qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, qua nhiều chiến dịch lớn, nhiều mặt trận để lấy thực tế sáng tác. Ông là nhà văn tiêu biểu cho thế hệ những nhà văn đi theo cách mạng".
Cũng theo ông Nguyễn Bình Phương: "Trên phương diện sáng tác, nhà văn Hồ Phương là một trong những tác giả viết đều đặn, bền bỉ và có một sự nghiệp bề thế với 4 đầu sách và nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển trong hệ thống sách văn học cách mạng như Thư nhà, Cỏ non, Kan Lịch… Ông là một trong những nhà văn là thế hệ đặt nền móng để hình thành nên Tạp chí Văn nghệ quân đội vào năm 1957, cùng với thế hệ vàng son của các cây bút quân đội như nhà thơ Thanh Tịnh, nhà văn Nguyễn Khải.
Trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương, Cỏ non được nhiều thế hệ biết đến, nhờ được đưa vào sách giáo khoa. Trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa có tên Đàn bê của anh Hồ Giáo.
Lúc sinh thời, ông Hồ Phương cho biết, Cỏ non được viết sau chuyến thực tế nông trường ở Ba Vì, Mộc Châu. Tại đây, ông Hồ Phương có gặp anh Hồ Giáo, sau này là Anh hùng lao động. Tuy nhiên, nhân vật trong Cỏ non lại được lấy từ cảm hứng về nhiều người lao động trên nông trường Ba Vì khi đó, chứ không phải từ riêng anh Hồ Giáo.
Bình luận (0)