Hội Nhà văn TP.HCM tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/09/2023 11:33 GMT+7

"Ưu điểm văn chương không ai có thể phủ nhận được ở nhà văn Nguyễn Quốc Trung là vốn sống thực tế phong phú và dồi dào. Không chỉ thấu hiểu người lính trận và người nông thôn, ông còn quan sát và kiến giải sâu sắc về người thành thị trong cuộc chuyển đổi kinh tế thị trường", nhà văn Bích Ngân xúc động nói.

Sáng 26.9, tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM cùng Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức lễ tưởng niệm và tọa đàm về nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Đây là dịp để các đồng nghiệp chia sẻ về những chuyện đời, chuyện nghề cùng những tác phẩm mà ông đã đóng góp cho cuộc đời.

Hội Nhà văn TP.HCM và đồng nghiệp tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Ảnh 1.

Nhà văn Bích Ngân cho biết: "Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quốc Trung quan niệm: Không nghề gì vất vả và thú vị như nghề viết văn"

Hội Nhà văn TP.HCM và đồng nghiệp tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Mai Hường rưng rưng khi nói đến người đồng nghiệp Nguyễn Quốc Trung

NGUYÊN HÙNG

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại Hà Tĩnh. Ông từng công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, là cây bút văn xuôi với vốn sống chiến trường phong phú, lại rất chịu đi, chịu ghi chép học hỏi. Ông được đồng nghiệp nhìn nhận là một nhà văn rất đam mê và chuyên tâm với nghiệp viết. 15 đầu sách đã xuất bản vừa tiểu thuyết, truyện ngắn và bút ký cùng nhiều giải thưởng giá trị đã ghi nhận sự lao động văn chương nghiêm túc của nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Trong lời giới thiệu, MC - nhà thơ Trần Mai Hường xúc động: "Thế là 2 năm trôi qua sau đại dịch Covid-19, TP.HCM thân yêu của chúng ta đã dần hồi sinh. Nhưng những mất mát đau thương từ con vi rút vô hình ấy vẫn còn làm thắt tim biết bao người, nhất là những gia đình có người thân đã mất trong đại dịch. Và trong số đó, có đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung".

Được biết, ông phát hiện nhiễm vi rút vào ngày 30.8.2021, dù được tập thể y, bác sĩ của bệnh viện 175 tận tình cứu chữa nhưng ông không qua khỏi và đã mất ngày 10.9.2021.

Hội Nhà văn TP.HCM và đồng nghiệp tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Ảnh 3.

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung

T.L

Trong 10 ngày nhà văn Nguyễn Quốc Trung nằm viện, mọi thông tin về sức khỏe từng ngày từng giờ được đại tá - nhà thơ Đào Văn Sử theo dõi sát sao. Những ngày cuối đời, ông đã được sống ấm áp trong vòng tay yêu thương của các y bác sĩ cũng như bạn bè, đồng đội.

Công bố bài thơ hiếm hoi trong di cảo của nhà văn

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM kể: "Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quốc Trung quan niệm: 'Không nghề gì vất vả và thú vị như nghề viết văn'. Thực hiện đúng quan niệm ấy, ông đã cúi xuống từng trang bản thảo với tất cả nhiệt huyết và với tất cả sự tận hiến âm thầm. Dáng người cao gầy, khuôn mặt hiền lành mang vẻ khắc khổ quen thuộc, ông đã đi qua năm tháng và để lại tháng năm những tác phẩm chất chứa ưu tư, chất chứa nỗi đau nhưng đầy ắp thương yêu. Ông không rao giảng bất kỳ sứ mệnh cao cả nào, nhưng ông tự nguyện gánh vác sứ mệnh viết về đồng đội của mình, đồng bào của mình trong sự thăng trầm lịch sử và trắc ẩn ân tình". 

Trong dịp này, các đồng nghiệp được nhìn lại những hình ảnh của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Phần lớn hình ảnh quý giá này được gia đình và bạn bè lưu giữ, cung cấp cho nhà thơ Nguyên Hùng, người đã công phu gắn kết những kỷ niệm thành clip đong đầy yêu thương về nhà văn tài hoa.

Hội Nhà văn TP.HCM và đồng nghiệp tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu tại buổi lễ

PHƯƠNG HUYỀN

Trong không gian tưởng niệm ấy, mọi người rưng rưng cảm xúc khi nhà thơ Trần Mai Hường công bố một bài thơ Trường Sa chiều cuối năm trong di cảo mà con gái của nhà văn Nguyễn Quốc Trung tìm được: "Cát trải thảm ráng vàng/Chiều cuối năm đang cuốn chiếu/Đảo toàn con trai/Mọi việc các anh lo liệu/Bể nước mưa ăm ắp/Cho lòng bớt lo/Gà lên chuồng còn cục tác/Sao trời nở sáng dần. Khói bếp râm rấp mái nhà/Tiếng bát đũa khua nhẹ - Để ta vơi nhớ mẹ/ Bạn vo gạo bên bể nước - Để anh khuây nhớ em/Cây bão táp vươn cành tở mở/Tán bàng vuông tỏa mát mảnh sân con/Ta trẻ lắm làm rộn rực hoàng hôn/Mảng gốm sứ hoa văn/Cột mốc cha ông gửi lại/Đấy là dấu tích chủ quyền/Thế hệ chúng ta làm nên làng đảo/Núm ruột Tổ quốc giữa Thái Bình Dương".

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung từng được trao nhiều giải thưởng văn học như: Giải nhất Báo Sài Gòn Giải Phóng cho truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời; giải thưởng Văn học sông Mê Kông với 2 tiểu thuyết: Người đàn bà khóc mướnĐất không đổi màu. Ngoài ra, ông còn nhận nhiều giải thưởng của báo, đài cho các tập truyện, bút ký: Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ, Dời nhà lên phố, Dân cạp đất...

Trong số 128 tác giả được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 có nhà văn Nguyễn Quốc Trung với tiểu thuyết Đất không đổi màu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.