Nhà văn Hồng Nhu - quê hương chắp cánh bay cao

Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Khắc Phê
05/09/2022 14:36 GMT+7

Nhà văn Hồng Nhu đã “bay về” quê nhà cùng đàn vịt trời lông tía, cùng những nhân vật đậm tính huyền thoại của dải đất bên phá Tam Giang đang ngày một đổi sắc thay da…

Trong “lý lịch gốc”, nhà văn Hồng Nhu sinh ngày 1.12.1934, nhưng thật ra ông sinh năm Nhâm Thân (1932), vị chi đến nay vừa tròn 90 tuổi! Cuộc đời chín thập kỷ của một nhà văn - nhà báo từng trải như anh Hồng Nhu có biết bao kỷ niệm, bao sự tích vui buồn để kể lại, nhưng với người con quê làng Mỹ Lợi bên phá Tam Giang này có một thời điểm đặc biệt nữa; năm 1987, sau hơn nửa thế kỷ xa quê, anh trở về Huế - tính đến này vừa tròn 35 năm.

Nhà văn Hồng Nhu lúc sinh thời

tl

35 năm là quãng thời gian không nhiều so với 90 năm tuổi đời, nhưng với anh Hồng Nhu lại rất đặc biệt: hầu hết những tác phẩm có giá trị của anh đều viết sau năm 1987, nhờ bắt trúng “mạch” từ một ngọn nguồn vô tận cho người sáng tạo. Các truyện ngắn xuất sắc Vịt trời lông tía bay về, Cổ tích làng, Lễ hội ăn mày, Bao nhiêu là cát, Trà thiếu phụ... cũng như nhiều bài thơ hay của anh đều lấy “bột” từ vùng quê Mỹ Lợi đầy hương sắc và giàu truyền thống lịch sử. “Đó là một vùng đất khá lạ, nó dài và thuôn như một chiếc đòn gánh, bốn mùa nắng gió, ngoài là biển Đông, trong là đầm phá, hai đầu là hai cửa biển...”.

Thực ra, nói cho công bằng, quá trình luyện tập, thử thách qua nhiều môi trường, cương vị công tác mấy chục năm trước đó đã tạo nên tiềm lực và sức bật để nhà văn Hồng Nhu “bay lên” cao sau ngày trở lại quê hương. Nhà văn Hồng Nhu bắt đầu sáng tác văn nghệ (ca khúc) từ năm 1950, viết truyện ngắn đầu tay năm 1955, khi còn là lính sư đoàn 325 - đơn vị anh hùng từng lập những chiến tích lẫy lừng trên chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào. 15 năm sau, lúc “đầu quân” vào Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, anh mới xuất bản được tác phẩm đầu tay. Kể từ đó, bình quân cứ 2 năm một cuốn. Có thể kể: Rừng thông cao vút (ký, 1969), Ý nghĩ mùa thu (truyện ngắn, 1971), Tiếng nói chìm sâu (truyện ngắn, 1976), Đêm trầm (truyện ngắn, 1976)… trong đó, tập truyện Ý nghĩ mùa thu đạt giải A 15 năm Văn nghệ Nghệ An 1965-1980…

Tuy vậy, phải đợi đến sau năm 1987, những tác phẩm của nhà văn Hồng Nhu mới thật sự được dư luận chú ý như: Chiếc tàu cau (thơ, 1995), Thuyền đi trong mưa ngâu (truyện ngắn, 1995), Rêu đá (thơ, 1998), Mưa gió đầy trời (truyện ngắn, 1999), Lễ hội ăn mày (truyện ngắn, 2001)…; trong đó, nhiều tác phẩm đã được tặng giải cao như Thuyền đi trong mưa ngâu (giải A của Ủy ban toàn quốc Các Hội VHNT toàn quốc và giải A VHNT Cố đô 1993-1997); tập thơ Ngẫu hứng về chiều đạt giải A, Giải thưởng VHNT Cố đô 1987-1992 và đặc biệt, tuyển tập truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Trong “làng văn” xứ Huế, anh Hồng Nhu nổi bật với mái tóc bạc rất nghệ sĩ. Nhìn “ông già” ung dung rít thuốc, ngẫm nghĩ sự đời, ít khi “cao đàm khoát luận”, ngày nắng cũng như ngày mưa, chung thủy với chiếc xe đạp cổ lỗ, thong thả lên xuống dốc Bến Ngự và cũng chung thủy với cây bút bi, thật khó hình dung đây lại là chủ nhân của hàng chục cuốn sách với nhiều giải thưởng danh giá. Hơn thế, từ ngày trở lại quê hương, nhà văn Hồng Nhu còn gánh vác nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Anh từng được bầu làm Ủy viên Hội đồng Văn xuôi (Hội Nhà văn Việt Nam), Thư ký Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế… Với những cương vị đó, nhà văn Hồng Nhu đã có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật ở Thừa Thiên - Huế. Nhà văn Hồng Nhu đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 65 tuổi Đảng, Huy hiệu Vì sự nghiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Năm 1987, ngày nhà văn trở về quê, anh đứng trên bến đò Cầu Hai trong một sớm mờ sương, đôi mắt dưới làn tóc trắng xóa vòi vọi nhìn sang làng Mỹ Lợi mịt mù bên kia phá Tam Giang mênh mông sóng nước và cảm xúc hóa thành bài thơ Uống cùng Huế được nhiều người nhớ. Từ nỗi buồn của người con xa xứ trở về quê nhà giữa những năm tháng còn nhiều khó khăn “Bây chừ còn có chi mô/ Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò.../ Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi…” nhà thơ đã kết thúc như một tuyên ngôn: “Uống cùng Huế với cuộc chơi sang ngày”.

Quả là nhà văn Hồng Nhu đã chọn “cuộc chơi” chữ nghĩa với Huế bằng cả tâm hồn lãng mạn và một sức “hồi xuân” khi mái đầu đã nhuộm màu sương khói, nhờ hút nhụy của quê hương; từ đó mà có đỉnh cao là tập truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về. Cho đến trưa ngày 3.9.2022 (tức mùng 8 tháng 8 Nhâm Dần), tôi nghe chị Trâm - người vợ thủy chung yêu quý, tận tụy chăm sóc nhà văn Hồng Nhu nhiều năm qua, thảng thốt báo tin: “Anh ơi! Anh Nhu đi trưa nay rồi!...”. Vậy là câu thơ “tiên báo” từ hơn ba chục năm trước (“Ôi thu thu lỡ thu rồi/ Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An) - và trong khi bao nhiêu “chiếc lá” cùng trang lứa đã “vèo rơi” thì người con làng Mỹ Lợi, với sức sống dẻo dai hiếm có, đến nay mới đi tới cái “đích” mà con người ai cũng sẽ tới. Chuyến đi cuối cùng của một nhà văn, nhưng với anh Hồng Nhu cũng có thể nói anh đã “bay về” quê nhà cùng đàn vịt trời lông tía, cùng những nhân vật đậm tính huyền thoại của dải đất bên phá Tam Giang đang ngày một đổi sắc thay da…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.