Nhà văn Lê Lựu rời cõi tạm đi về 'Thời xa vắng'

10/11/2022 07:08 GMT+7

Tin nhà văn Lê Lựu qua đời chiều 9.11.2022 tại quê nhà Hưng Yên , thọ 81 tuổi, sau nhiều năm chống chọi với bệnh trọng đã là mối hoài cảm, thương tiếc của nhiều bạn văn và độc giả cả nước.

Trước đó, từ năm 2006 đến nay, nhà văn Lê Lựu sau 5 lần bị tai biến mạch máu não còn gặp nhiều chứng bệnh nan y như tiểu đường, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gout… Cách đây ít tháng, ông trở bệnh nặng, và được con đón về quê chăm sóc.

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1942 ở xã Tân Châu, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia quân đội từ hồi còn trẻ, từng làm phóng viên báo Quân khu 3, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559 - đường Trường Sơn. Lê Lựu thuộc thế hệ học viên đầu tiên của Trường bồi dưỡng viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn VN. Sau chiến tranh, ông làm biên tập viên rồi Trưởng ban Văn xuôi, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông về hưu với quân hàm đại tá rồi làm giám đốc Trung tâm văn hóa doanh nhân VN nhiều năm trước khi ngã bệnh.

Với nhiều năm sáng tác văn học không biết mệt mỏi và đạt nhiều thành tựu văn chương đáng ghi nhận, Lê Lựu là một nhà văn lớn của văn học đương đại VN. Trong gần nửa thế kỷ qua, ông đã viết và in hơn hai chục tác phẩm văn xuôi, trong đó có những tập truyện ngắn khá thành công: Người cầm súng (năm 1970), Phía mặt trời (1972), Đánh trận núi Con chuột (1976), Campuchia một câu hỏi lớn (1979), Đồng bằng chiến sĩ (1980), Mặt trận của người lính (1986), Một thời lầm lỗi (1988), Trở lại nước Mỹ (bút ký 1989).

Nhà văn Lê Lựu

tư liệu

Ông là một nhà tiểu thuyết khá thành công và tên tuổi Lê Lựu gắn liền với những tiểu thuyết khá nổi tiếng: Mở rừng (năm 1977), Ranh giới (1977), Ở phía sau anh (1980), Thời xa vắng (1986), Đại tá không biết đùa (1990), Chuyện làng cuội (1993), Sóng ở đáy sông (1994), Hai nhà (2000), Thời loạn (2009), Chuyện quê ngày ấy (2010). Trong số các tiểu thuyết nói trên của ông, có một số cuốn từng gây chấn động một thời và đã được dựng thành phim với những nhân vật điển hình đã đi vào ký ức ghi nhớ của hàng vạn độc giả như Thời xa vắngSóng ở đáy sông.

Tài năng văn xuôi của nhà văn Lê Lựu khởi phát khi ông mới ngoài 20 tuổi và trong cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1967 - 1968, ông đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện ngắn Người cầm súng. Đặc biệt, tiểu thuyết nổi tiếng Thời xa vắng gắn liền với tên tuổi ông đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1984, là tác phẩm văn học ghi dấu ấn một thời khi khắc họa số phận con người trong và sau chiến tranh. Tiếp theo, truyện vừa Người về đồng cói của ông cũng đoạt giải nhất cuộc thi do Hội Nhà văn VN và một số bộ, ngành tổ chức. Để ghi nhận những đóng góp lớn cho nền văn học đương đại của Lê Lựu, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Suy ngẫm về nghề văn, Lê Lựu từng bộc bạch rất khiêm nhường: “Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người chép truyện, “có gì viết nấy”. Tôi xuất thân từ một anh chân đất nay trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”.

Nhận định về những đóng góp của nhà văn Lê Lựu cho văn học đương đại VN, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, khẳng định: “Tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác. Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học VN trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học VN kể từ 1954. Lê Lựu là nhà văn VN đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hòa bình VN đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh VN và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với VN. Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc VN như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học VN”.

Trao đổi với tôi, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Anh Lê Lựu có tấm chân tình đặc biệt của thế hệ nhà văn đi trước với thế hệ nhà văn đi sau. Khi tôi quay lại viết văn, anh Lê Lựu đã động viên tôi rất nhiều vì biết tôi đã nhiều năm lăn lộn ở chiến trường phía nam, rồi đi xuất khẩu lao động sang Đức. Sau một thời gian dài dừng viết vì mưu sinh, tôi trở lại với văn học từ năm 1999 đến nay và đã in gần chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết với sự quan tâm, chia sẻ, động viên khá nhiều của nhà thơ Bế Kiến Quốc và nhà văn Lê Lựu. Đối với tôi, anh Lê Lựu là tấm gương một người cầm bút tận tụy với nghề, và chí tình với các bạn văn lớp sau”.

Trong nỗi niềm thương tiếc, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, bộc bạch: “Cách đây ít ngày tôi còn về Tân Châu, Khoái Châu thăm nhà văn Lê Lựu. Anh nằm bắt động, không còn nhận ra tôi. Bây giờ thì anh đã ra đi. Một nhà văn lớn đã ra đi. Đây là một tổn thất rất lớn cho nền văn học đương đại. Xin vĩnh biệt anh, một người anh, người đồng đội thân thiết nhất của tôi. Xin chia sẻ nỗi đau thương mất mát này với các cháu và đại gia đình anh, những bạn đọc thân thiết của anh”.

Giờ thì nhà văn Lê Lựu đã rời cõi tạm đi về Thời xa vắng Sóng ở đáy sông, nhưng các nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết của ông vẫn còn ở lại với cõi nhân gian, và vẫn sống trong lòng người đọc như tác giả của những trang văn tuyệt tác ấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.