Nhà văn Lý Lan - Hiệp sĩ Dế mèn của văn học thiếu nhi

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/05/2024 07:41 GMT+7

Nhà văn Lý Lan đã được ghi nhận thành tựu trọn đời cống hiến cho văn học thiếu nhi. Bà được trao giải Hiệp sĩ Dế mèn chiều 29.5 do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.

Độc giả thiếu nhi không còn xa lạ với nhà văn Lý Lan qua bản dịch bộ truyện Harry Potter. Tuy nhiên, không chỉ dịch, nhà văn Lý Lan còn viết các tác phẩm văn học thiếu nhi. Truyện dài Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) đã được Hội đồng giám khảo giải thưởng văn học thiếu nhi Dế mèn (Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức) chọn để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn, giải thưởng lớn của giải Dế mèn. Khi viết tác phẩm này, nhà văn Lý Lan cho biết mình muốn viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc tác phẩm.

PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận xét: "Truyện viết rất có nghề. Bày đặt nhân vật (cả con vật lẫn con người) khá thú vị. Mạch truyện sáng rõ, nhiều chỗ bất ngờ; ngôn ngữ chắt lọc". Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, đánh giá: "Ưu điểm của tác phẩm này là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng... Đây là tác phẩm nổi trội nhất trong các tác phẩm dự giải lần này".

Nhà văn Lý Lan - Hiệp sĩ Dế mèn của văn học thiếu nhi- Ảnh 1.

Gia đình nhà thơ Lữ Mai có tới 2 người lần lượt nhận giải thưởng Dế mèn

TRINH NGUYỄN

Nhìn lại văn học thiếu nhi cũng như giải Dế mèn hiện nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa ao ước sẽ có những tờ báo dành nhiều trang riêng thường kỳ cho văn học thiếu nhi. Ông cũng mong các tác giả viết cho thiếu nhi có nhiều tác phẩm hơn nữa.

Nhà văn May, người nhận giải của Hội đồng giám khảo, cho biết với mình viết cho thiếu nhi cũng là viết cho con. Cuốn Bánh mì gối xinh lấy cảm hứng từ tên con thứ hai của May - Bánh Mì. Cuốn Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới cũng ra đời trên hành trình dạy con về việc trao yêu thương. "Trước giờ ta vẫn chỉ quen với việc ông già cho đi, nhưng ở đây tôi muốn ông cũng là người được nhận lại. Tôi muốn nói với các con là mình không chỉ là người nhận mãi, mà phải là người cho đi nữa, tình yêu sẽ xoay vòng như thế không bao giờ dứt", May nói về ý tưởng văn học cứ phát sinh trên chặng đường làm mẹ.

Nhà văn Lữ Mai là trường hợp thú vị của giải. Năm nay Lữ Mai nhận giải Khát vọng Dế mèn. Năm ngoái, con gái của chị là Đoàn Lữ Thụy Phương cũng nhận giải Dế mèn. Về việc "nuôi dưỡng" một nhà văn nhỏ tuổi, Lữ Mai cho rằng cần rất nhiều chân thành và quan tâm. "Không đủ độ chân thành và quan tâm đến trẻ em thì rất khó để trẻ em bật ra thành một tác phẩm, hay chí ít là bật ra lời tâm sự. Bây giờ có nhiều tiêu khiển, quan tâm trong cuộc sống, còn ngày xưa ra khỏi nhà trẻ đã được hòa nhập với thiên nhiên rồi. Bây giờ ai có thể trả lại thiên nhiên như thế. Vậy, nếu bố mẹ có thể học cách chơi với trẻ em nhiều hơn thì trẻ em sẽ chia sẻ nhiều hơn. Khi các con sẵn sàng chia sẻ mới có tác phẩm được", Lữ Mai nói.

- Giải Hiệp sĩ Dế mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà.

- Giải Khát vọng Dế mèn được trao cho 5 tác phẩm, gồm: Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng); Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai); Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi); Trăng ơi… từ đâu đến? (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa) và Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks).

- Tặng thưởng của Hội đồng giám khảo Dế mèn cho 2 tác giả. Nhà văn May được trao giải với chùm sách thiếu nhi gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ) trong bộ Vun đắp tâm hồn (NXB Kim Đồng). Đặng Chương Ngạn được trao tặng thưởng với bản thảo truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.