Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono: Hãy biết cách cười với thất bại

24/02/2012 09:06 GMT+7

Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono vừa có buổi nói chuyện với độc giả VN tại Hà Nội và TP.HCM vào ngày 22 và 23-2, nhân chuyến thăm VN và ra mắt bản tiếng Việt của tập truyện Tiếng hát người cá.

Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono vừa có buổi nói chuyện với độc giả VN tại Hà Nội và TP.HCM vào ngày 22 và 23-2, nhân chuyến thăm VN và ra mắt bản tiếng Việt của tập truyện Tiếng hát người cá.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Masatsugu về Tiếng hát người cá và về văn chương nói chung.

* Thưa ông, tại sao ông lại chọn những địa phương vùng nông thôn hẻo lánh hầu như đang trở nên hiếm hoi trên đất nước Nhật Bản để làm bối cảnh cho sáng tác của mình?

 
Masatsugu Ono giao lưu cùng bạn đọc TP.HCM tại Trường đại học Hoa Sen sáng 23-2 - Ảnh: L.Điền

- Mảnh đất mà tôi chọn là vùng vịnh nhỏ, hẻo lánh, khuất nẻo, chỉ có đường độc đạo đi vào và đi ra. Nơi không gian có vẻ tù túng, chật hẹp và thời gian có cảm giác như không trôi. Trong hai truyện vừa, nó được gọi là Vũng. Thật ra những không gian đặc biệt như Vũng không còn nhiều ở Nhật Bản. Mỗi lần về lại những vùng quê như thế, tôi cảm nhận rất rõ từng thứ từng thứ một đang mất dần đi, đường cao tốc đã đi qua tất cả những ngôi làng ấy và những chuỗi cửa hàng tiện lợi mọc lên bám theo trục đường rất nhanh, những chuỗi cửa hàng giống nhau chằn chặn trên từng con phố ở các đô thị lớn khác. Tôi viết về quá khứ đã qua, về những con người còn đang sống nhưng thật ra đã thuộc về quá khứ. Tôi không phải người hoài cổ, tôi không ca ngợi hào quang quá khứ, tôi cũng không phê phán thực tại, tôi chỉ viết chính xác về cái gì đó đã mất đi và làm cho ký ức sống lại.

"Cuộc sống hiện đại đầy toan tính đã dạy chúng ta không được phép thất bại, và chúng ta sẽ thật sự khủng hoảng khi gặp phải những thất bại đầu tiên. Các nhân vật của tôi tuy là những người thất bại, nhưng họ chịu đựng thất bại với một thái độ thật can đảm: họ cười với chính cuộc đời thất bại của mình. Chính họ đã thổi sinh khí, nụ cười vào mỗi tác phẩm của tôi"

Masatsugu Ono

* Giọng văn của ông, dù viết về những gì đã mất với một nỗi u hoài bàng bạc, vẫn không giấu được sự hài hước, giễu cợt rất thú vị. Đó có phải là sở truờng của ông?

- Tôi vốn là một người sôi nổi và vui nhộn. Điều mâu thuẫn là tôi rất thích một mình lang thang ở những nơi hẻo lánh và có mùi vị xưa cũ, rồi viết về nó. Cho nên tôi hay nói đùa với bạn bè là tôi phải có trách nhiệm làm cho những nơi tôi qua phải vui lên, náo nhiệt lên. Có lẽ thế mà tôi rất hay dùng giọng văn trào phúng, hài hước. Một điểm nữa mà tôi rất muốn chia sẻ với bạn đọc VN, là tôi đã đến VN và đã thay đổi đáng kể quan điểm sống và viết của mình khi trở về. Tôi đã sống trong một xã hội mà sau những thiên tai và khủng hoảng kinh tế, con nguời trở nên bất an và mất phương hướng. Xã hội Nhật Bản từ mấy chục năm nay đã là một xã hội lão hóa. Khi sang VN tôi thấy một xã hội quá náo nhiệt, quá ồn ào, quá giàu năng lượng và quá nhiều nụ cười. Ở Nhật Bản, gần một năm sau thảm họa sóng thần ngày 11-3, rất ít những nụ cười bạn có thể gặp ngoài đường. Chính vì thế mà tôi đã được tiếp thêm năng lượng khi trở về. Trong truyện ngắn mới nhất của tôi - Những người còn lại - viết sau thảm họa 11-3, tôi cũng đã đưa rất nhiều sự hài hước vào đó.

Masatsugu Ono sinh năm 1970, từng giành nhiều giải thưởng văn học trẻ Nhật Bản và đã hai lần được đề cử giải Akutagawa - giải thưởng văn học danh giá nhất ở Nhật. Sách của Masatsugu Ono không thuộc nhóm văn chương thời thượng như Murakami nhưng cũng đứng vào nhóm bán chạy hàng thứ hai. Tiếng hát người cá (Lâm Thương dịch, NXB Trẻ ấn hành) vừa ra mắt độc giả VN là tập truyện gồm hai truyện vừa (Trôi trong Vịnh, Tiếng hát người cá) và một tiểu luận (Từ Vũng đến vườn mộc lan).

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.