Đến dự và chia vui với nhà văn Thu Trân có Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân, chị thay mặt Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu chúc mừng. Nhà thơ Huệ Triệu cũng thay mặt Ban Nhà văn nữ chúc mừng, cùng những tình cảm chân tình của các đồng nghiệp: Nhà văn Phan Mai Hương, nhà thơ Hồng Cầu, nhà văn Trần Hoài Anh, nhà văn Tô Hoàng, nhà văn Kim Quyên, nhà văn Hoài Hương, nhà thơ Lê Thị Kim...dành cho nữ văn sĩ.
Trước sự yêu mến của bạn đọc và khách mời, nhà văn Thu Trân hết sức xúc động. Chị nói: "Cách đây 4 tháng, tôi đã ra mắt tiểu thuyết Thế giới phẳng mùa Covid- bản đồng ca khá thê lương về dịch Covid - 19 năm 2021 ở TP.HCM. Bốn tháng qua đi, để cất đi cái sự nặng nề do dịch bệnh ấy, chuyển qua một tone bình dị hơn nhẹ nhàng hơn, tôi đã ròng rã “chiến đấu” với miền Nam của mình. Đó là viết và in tập truyện ký Miền Nam xưa ngái - là những câu chuyện mà tôi đã góp nhặt, lắng nghe và viết lại từ cuộc sống người miền Nam xưa ngái. Rất may mắn cho tôi là, bạn bè tôi, đồng nghiệp tôi đều ủng hộ sự ra đời của đứa con tinh thần này. Trong đó, phải nói rằng, sự giúp sức của nhà thơ Trần Mai Hường là quan trọng, chị đã luôn động viên tôi hoàn thành sớm tác phẩm để xin giấy phép và đưa đi nhà in. Theo nguyện vọng của mọi người về một Miền Nam xưa ngái, chúng tôi - tôi và chị Mai Hường đã làm việc cật lực như những lực điền và các tay chơi (theo cách nói của nhà thơ Phạm Hồ Thu ở Hà Nội) để hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ”.
Gom cả phương Nam xa xôi và ngồn ngộn những yêu thương vào tập sách
Đọc tác phẩm Miền Nam xưa ngái, nhà thơ Bùi Phan Thảo – MC của chương trình cho rằng: “Gần 400 trang sách với trên dưới 60 câu chuyện được kể, nhà văn Thu Trân đã gom cả phương Nam xa xôi vào trong tập sách. Bằng việc huy động tối đa ký ức của người cả đời gắn bó với nắng mưa kênh rạch ruộng vườn phương Nam ấm áp, nhà văn Thu Trân đã dẫn dắt người đọc ngụp lặn thỏa thuê trong dòng cảm xúc hoài nhớ quê hương miền Nam. Từ những câu chuyện về trò chơi với con dế, con chó Lu Lu, cái giếng nước, màu đậu phụng, khu vườn ngợp cây trái nhưng lại bí ấn không thể giải thích, chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn trẻ thơ. Cho đến chuyện về những người sống ở miệt vườn, từ bà mẹ chồng, đến bà mệ ngoại, từ Thằng Chu, Ông Năm Sọc, Người Giàu, câu chuyện tháng Tư, John bây giờ anh ở đâu, đến Me Mỹ. Câu chuyện nào cũng thấm đẫm ký ức và tình yêu đong đầy với đất, nước và người miền Nam”.
Cũng theo nhà thơ Bùi Phan Thảo: “Tôi tin là người đọc sẽ không bao giờ quên hình ảnh cô bé gái giữa trưa đầy nắng, băng qua đường ray để mang cho hai bà cháu thằng cu Nheo một nồi cá kho thật là thơm ngon. Người đọc sẽ phải day dứt cùng cô gái nhỏ, kể với má sớm hơn chuyện bà cháu cu Nheo phải ăn dế rang thì chắc hai bà cháu được ăn nồi các kho thơm ngon rồi, đó là kiểu ân hận rất trẻ con, mà vô cùng trong trẻo đáng yêu. Người đọc sẽ không quên một chị Hạnh luôn đẹp như một nàng công chúa trong vườn chơi với hoa trái cây cối. Tôi yêu đến đắm đuối câu chuyện Con Vịt Cổ Lùn đeo dây chuyền màu ngọc bích, kết thúc truyện là lời của Ngoại, có thằng bé nào bán vịt đâu?”.
Chia sẻ cùng đứa con tinh thần của nhà văn Thu Trân, nhà thơ Trần Mai Hường đúc kết: “Với Miền Nam xưa ngái, nhà văn Thu Trân đã dồn đắp cảm xúc để làm nên một tập sách ngồn ngộn những yêu thương, và nổi bật lên chân dung con người miền Nam hào sảng, mộc mạc, chân chất, dù yêu thương hay hờn giận, dù cuộc đời thuận chiều hay bi kịch, thì người miền Nam vẫn hành xử đầy yêu thương một cách tích cực”.
Nhà thơ Trần Mai Hường còn lấy câu nói của nhà văn Thu Trân: “Tôi giới thiệu người và đất Nam Bộ nghe thật mê ly, đúng không?" để mời gọi mọi người hãy mua sách: “Vâng, đúng rồi, tôi đã mê đất và người Nam Bộ qua tập sách của nhà văn Thu Trân. Vậy bạn đợi gì mà không cầm tập sách lên và bắt đầu đọc?”.
Bình luận (0)