Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên với bàng bạc trăng, dòng sông và tiếng gàu quê nhà

26/06/2022 11:42 GMT+7

Tôi đọc thơ Nguyễn Nhã Tiên cũng chừng 30 năm, trong một tâm thế lặng lẽ cùng những cảm xúc bất chợt từ tiếng thơ ấy vọng lại. Giọng thơ của anh như lời một người ngồi kể chuyện dòng sông đời mình, lênh đênh sương khói.

Làng quê nguồn cội vẫn là một thi tứ neo đậu bao năm trong một tâm hồn thơ cô bóng, se sắt và hoài niệm với biết bao mất mát của Nguyễn Nhã Tiên. Nhiều người từng viết về con sông Thu Bồn, với riêng anh, con sông mẹ xứ Quảng luôn xuất hiện trong thơ bằng tâm trạng của vơi đầy lở-bồi đắm đuối yêu thương.

Nguyễn Nhã Tiên có một vầng trăng của riêng mình, bàng bạc đi theo suốt một đời thơ

Tác giả (trái) với các bạn văn trẻ tại Đà Nẵng tháng 6.2022

Một số tác phẩm của nhà thơ xứ Quảng

NVCC

Đọc tác phẩm mới Những thanh âm bên bờ sông lấp của Nguyễn Nhã Tiên (do NXB Hội Nhà văn ấn hành), đó là con sông bồng hương bưởi được khoác lên một nhan sắc mơ màng thơ mộng tóc chảy môi cười mắt đẹp suốt đời sông cả những lúc trở về từ nỗi buồn vong thân trầm luân thế sự cần được cởi bỏ để được là chính mình: Tôi tắm gội cho ngày vơi bụi bặm/ tôi vẹn nguyên trong suốt một hình hài, hoặc là những lúc đau đớn đến tận cùng: Thôi sông đừng trôi nữa/ chân mây mắt mỏi rồi. Phùng Quán thì vịn câu thơ đứng dậy, còn anh: Tôi lạc giữa đời/ những lúc cô đơn vịn vào sông/ bước

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên có một vầng trăng của riêng mình

Rõ ràng con sông Thu Bồn bên bồi bên lở đã như một ám tượng tạo nên những thi cảm lạ lùng, anh viết: ngàn hò hẹn bồi con sông đầy khói/ ngàn chuyến đò khẳm tương lai đôi lứa/ buổi trở về bến lở gọi tìm nhau… (Đất vọng). Mượn thi ảnh bên bồi bên lở để nói đến những cuộc tình từ buổi hẹn đầu đã tan vỡ, lỡ làng chỉ còn là khói chiều tan loãng giữa hư không. Vậy thì về làm chi nữa nơi bến lở dù cũng chỉ “để gọi tìm nhau”. Hình ảnh trong thơ đầy tính ẩn dụ, đối lập, cách đảo trật tự chữ nghĩa đã tạo một chiều sâu hun hút trong cảm thức mất mát, thổn thức…

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên có một vầng trăng của riêng mình, bàng bạc đi theo suốt một đời thơ, nhiều tâm thái, sắc màu, tạo nên một tiếng nói đa thanh trong hình thức biểu đạt. Anh gọi bằng nhiều “tên”: vầng trăng cổ độ, trăng vụn vỡ, phiến nguyệt bên trời, trăng tận hiến, trăng gieo ngọc, đêm nguyệt tận, vầng trăng giả dối… xuất hiện trong thơ bằng một tần suất khá dày. Vầng trăng với những mất mát chia lìa của tình yêu đôi lứa: Nhà em bên kia sông nơi đám mây chia lìa/ trăng rót hàng hiên vá từng dang dở/ chợt trên tay phiến vàng trăng vỡ/ tiếng đêm rơi gọi cát trở mình… (Nhà em bên kia sông). Vầng trăng ấy gọi anh đi về phía con sông quê nhà nơi con sóng chạm vào phiến nguyệt/ gieo vàng ngọc khoáng phía xa xăm….

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên

Tác phẩm mới nhất của ông do NXB Hội Nhà văn ấn hành

nvcc

Cải đã vàng hoa có gì bến vắng/ khuyết một tóc người không đủ sức thành hương… (Gió gọi). Trăng là hình ảnh của tâm trạng, là trạng thái tâm lý và tình cảm. Nhiều khi vì đau đớn với cuộc sống thời nay sống khôn nhiều hơn chết dại/ xuôi ngược đụng đầu bao cuộc ăn thua. Từ một vầng trăng huyền mị, đẹp đến nao lòng đầy thăng hoa của cảm xúc, của sự rung cảm thẩm mỹ, kỳ vĩ mà huyền ảo, có lúc bị xua đuổi một cách phũ phàng, điều ít khi thấy trong thơ anh: Xin tắt hết mọi vầng trăng giả dối/ tôi hát bài ca phố xá về làng… (Khúc hát của người dở hơi).

Một hình ảnh khác cũng in bóng trong thơ là gánh nước giếng ở làng quê. Bắt đầu từ một mỹ tục của người Quảng có lệ gánh nước đêm giao thừa như là lời cầu phúc cho một năm mới: Em va gàu vào giếng khuya gọi ngàn đêm thức giấc/ bếp lửa thức xa xôi rực đỏ một góc trời/ ngọn gió thức ngoài đường chập chùng cung bậc/ trừ tịch thức gọi người đủ mặt lứa đôi (Khúc quê). Tiếng gàu khuya ấy cứ động đậy trong ký ức u hoài của một miền quê gần gũi mà xa vắng. Những cái giếng cổ rêu xanh trước sự đô thị hóa nông đã không còn, cùng lời ru, mẹ cơi que củi lửa bừng trong nỗi niềm của mẹ, và em khua tiếng gàu rơi đáy giếng chỉ còn lại chênh chao nỗi nhớ thầm: có tiếng gàu ai bỏ quên ngoài giếng/ chạm vào tôi ngân mãi khúc quê nhà… Tiếng gàu nơi giếng cổ vẳng nghe bồn chồn. Điệp trùng những phút giây quay về trong tâm tưởng cứ se sắt những luyến nhớ miên man gọi về nơi miền quê ấy, nơi con mắt cay xè khản tiếng gọi làng ơi.

Đọc thơ của Nguyễn Nhã Tiên trong nhiều luôn vấn vương hấp lực bởi hình ảnh quê nhà như một cõi riêng sáng tạo trong thơ, đó là không gian tâm cảm của trăng, của dòng sông, tiếng gàu khuya trong một trường liên tưởng với hình ảnh mẹ nơi thanh âm mẹ ta treo vào ngọn gió

NVCC

Ai cũng có một quê nhà để nhớ và yêu thương. Đọc thơ của Nguyễn Nhã Tiên trong nhiều năm tôi luôn vấn vương hấp lực bởi hình ảnh quê nhà như một cõi riêng sáng tạo trong thơ, đó là không gian tâm cảm của trăng, của dòng sông, tiếng gàu khuya trong một trường liên tưởng với hình ảnh mẹ nơi thanh âm mẹ ta treo vào ngọn gió: Bao mùa gió bấc sang sông/ thổi mãi không thành áo lụa/ người đi bỏ tóc lại dòng (Gió gọi); của bếp lửa hồng mỗi tro than tôi tạc một hình hài tiếc nuối ngậm ngùi của một tuổi trẻ bị đánh mất.

Nguyễn Nhã Tiên là nhà thơ có một sức bền, độ chín với nguồn lực sáng tạo theo thời gian không hề mệt mỏi. Mỗi bài thơ là một nỗi buồn, khắc khoải băn khoăn trước một hiện thực của làng quê. Ngôn ngữ thơ đã phát huy những biện pháp tu từ, nhạc điệu phức hợp, biểu hiện trong sự tìm kiếm chữ, từ mới để làm mới cảm xúc nên dù giọng thơ không cách tân nhưng vẫn luôn làm ta xao xuyến, thẫn thờ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.