Một ngày nọ, nhà văn Mark Dawson bước vào cửa hàng sách ở thành phố Salisbury (Anh) và đề nghị mua sách của chính ông với số lượng lớn, người bán ở đó ngay lập tức đồng ý. Vậy là ông bỏ ra 3.600 bảng Anh (khoảng 108 triệu đồng) để mua 400 quyển The Cleaner, việc này giúp cho quyển sách của ông ung dung được gọi tên trong danh sách 10 quyển sách bán chạy nhất (bestseller) hồi tuần vừa qua do nhật báo Sunday Times bình chọn. The Cleaner nằm ở vị trí số 8, theo The Guardian.
Có sách bán chạy, vào top bestseller là mơ ước của nhiều cây bút trên khắp thế giới vì nó đem lại nguồn thu khủng lẫn danh tiếng cho người viết. Và cũng từ lâu, danh sách bestseller của The New York Times (Mỹ) hay The Sunday Times, Nielsen BookScan (Anh) trở thành "tiêu chuẩn vàng" để định danh như thế nào là một quyển sách "quốc dân". Thế nhưng nhà văn Mark Dawson đã "phá luật", khiến hành trình của một quyển sách đến tay độc giả rồi vào danh sách bestseller trở nên kỳ lạ trong mắt của giới quan sát lẫn các nhà văn khác.
|
Khi khoe vinh dự này trên Twitter, Mark Dawson bị đồng nghiệp chế giễu là "không ngay thẳng". Phía nam nhà văn cũng đã có những lý giải xung quanh vấn đề mình "phá luật" này. Trước đó, khi Nielsen BookScan đưa ra danh sách những tác phẩm bán chạy trong tuần, quyển sách ly kỳ của ông chỉ bán được 1.300 bản và nằm ở vị trí thứ 13. Lúc này, ông nảy ra một ý tưởng: tại sao không mua sách của chính mình ở thị trường Anh và bán lại cho những độc giả khác? Sau một cuộc thăm dò trên mạng, ông nhận thấy có 400 độc giả ở thị trường Mỹ sẽ chấp nhận mua sách của ông nếu nhà văn tự mua sách của chính mình rồi bán lại cho họ.
The Guardian đưa ra quan điểm, mặc dù danh sách bestseller không nói lên hết về chất lượng hay đời sống một quyển sách nhưng việc mua sách chính mình để có một vị trí trên danh sách đó là "không dân chủ" lắm. Mark Dawson không phải là tác giả đầu tiên khiến cho danh sách bestseller bất thường mà vụ việc tương tự cũng đã xảy ra với danh sách của báo The New York Times hồi năm 2017.
Bình luận (0)