Nếu ai đó đang sở hữu cuốn sách này, hẳn sẽ bị thu hút và khó dừng lại được trước 81 lần thả thính (ở nửa đầu quyển sách), và cứ thế miên man sang những ghi chép trên hành trình tìm kiếm chân tình, “nếm” dần tâm cảm “yêu người là một nỗi buồn tất nhiên” trong nửa sau cuốn sách. Để thấy, Thả thính chân kinh cũng không khác gì một loại “thính” mà Anh Khang đã “chế biến” để “câu dẫn” người đọc của mình, đi qua các cung bậc của “đỉnh cao” những tiếng cười đến “vực sâu" mọi nỗi buồn khi nhận ra "thính" và "tình" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
|
Cuốn sách mở đầu bằng 81 câu thả thính muôn màu muôn vẻ, và khép lại bằng bài viết "81 lần đau lòng" khi đã bước qua hết những cung bậc thăng trầm của tình yêu.
Theo Anh Khang, nếu như con đường thỉnh kinh của truyền kỳ Tây Du Ký ngày xưa định sẵn phải qua đủ trầm luân, con đường đến đúng chân tình cũng mông lung qua đủ nắng hửng lẫn mây mù. Phải trải qua đủ 81 kiếp nạn thì Đường Tăng mới thỉnh được "chân kinh", nên biết đâu chúng ta cũng phải nếm đủ 81 lần hy vọng lẫn thất vọng trước khi tìm thấy đúng "chân tình"? Vì thế mà tác giả cho biết, bìa sách Thả thính chân kinh cũng được dung hòa với 2 hình ảnh minh họa quen thuộc: Hoàng tử bé trong veo đơn thuần và Đêm đầy sao u uẩn trầm mặc của danh họa Van Gogh; giữa thế gian xoay chuyển không ngừng, thật giả khó phân như sao trời chớp tắt luân phiên, liệu tấm chân tình của chàng "hoàng tử bé" có được "đóa hồng" duy nhất của mình nhận ra?
'Mặt trời ngả về phía tây còn anh ngả về phía em'
Với Anh Khang, "thính" trong ngôn ngữ của những người trẻ cô đơn là những câu tỏ tình hay nịnh nọt để tán tỉnh đối phương; và nếu thính truyền thống làm mồi câu tôm cá thì thính hiện đại để câu dẫn một ai đó thương mình.
Anh cho rằng: "Cảm giác chung nhất mà bất kỳ ai từng trẻ cũng đôi lần trải qua, có lẽ là cô đơn. Luôn thấy mình lạc lõng giữa đám đông, thừa thãi trong lòng người mình xem trọng, và giữa thế gian tất bật xô bồ mình chỉ là một cá thể chơ vơ. Tình yêu trở nên khan hiếm, niềm tin vào hạnh phúc cũng tiệm cận hao gầy và những câu chuyện cổ tích viên mãn "mãi mãi về sau" chẳng ai còn kể nữa. Vì lẽ đó mà "thời đại cô đơn" đã dẫn đến một "thế hệ thả thính" ".
|
Và đây, như Anh Khang viết ở câu thính 41: uống vitamin A cho sáng mắt, để bớt tin vào mấy câu thả thính đại trà này:
- Ai ai cũng giựt cô hồn. Sao không thấy giựt cô đơn giùm mình?
- Hướng dương hướng về mặt trời. Còn em chỉ hướng về người em thương
- Cuối cùng trời cũng đổ mưa. Còn người đã đổ tôi chưa hở người?
- Trái đất quay quanh mặt trời. Còn anh chỉ muốn quay quần quanh em
- Muốn bảo vệ môi trường thì đừng xài ống hút. Muốn bảo vệ hạnh phúc thì đừng rời anh một phút nào biết không
- Trời mưa thì sét đánh. Trời nắng thì trong xanh. Nhân tiện anh có thấy: Trời ơi, em yêu anh!
Viết, để thấy mình chưa từng quên bỏ tình yêu
8 năm đã qua. 8 cuốn sách đã neo giữ lại tất cả những điều đẹp đẽ nhất mà Anh Khang gọi là "tuổi trẻ". Chỉ có điều, như tác giả tự sự: “Không neo giữ được lòng người mà mình đã dành hết những năm tháng đó để yêu. Cuối cùng thì, tình yêu, chỉ là chuyện của riêng một người. Tự thầm thương. Tự đơn phương ảo tưởng. Và tự viết xuống thành chương hồi trong cuốn sách đời mình, để phong kín lại những phần ký ức chung cùng thiêng liêng nhất”.
Với Anh Khang, từ Ngày trôi về phía cũ, đến Những năm tháng đó có tôi yêu người, chung quy vẫn là một vòng tròn luẩn quẩn của tình thương dù thiết tha đến mấy cũng chỉ là người dưng, của một nỗi buồn lòng vòng giữa níu tay hay buông bỏ. “Thế nên có một giai đoạn mình luôn tự hỏi, sau cuốn sách thứ 8, mình sẽ viết gì nữa đây - ngoài những chuyện xưa đã cũ càng bợt bạc theo năm tháng?”, anh nói.
|
Cuốn sách thứ 9 – Thả thính chân kinh (NXB Trẻ vừa phát hành) đã ra đời trong chính lúc Anh Khang hoang mang nhất ấy, là khi anh luôn tự hỏi, viết tiếp gì nữa đây, hay nói chính xác hơn, là sống tiếp phần đời phía trước để gặp mặt hạnh phúc bằng cách nào đây?
|
Và rồi anh đã viết, để nhận ra mình vẫn sẽ còn vững lòng trên con đường kiếm tìm một tình-thương-xứng-đáng; viết để hiểu ra đâu đó ngoài kia sẽ có một (hoặc nhiều) ai đó đồng cảm cùng những nghĩ suy lận đận của mình. Trên hết, là viết, để trấn an rằng, mình vẫn còn sót lại chút niềm tin vào chân tình sau quá nhiều lần bị tình cảm quăng lên vật xuống, bởi như những dòng cuối sách: “Sau tất cả, dù tình yêu có bỏ quên mình, thì mình vẫn chưa từng bỏ quên tình yêu. Mình vẫn tin ở đâu đó, vẫn sẽ có chân tình, dành riêng cho mình”.
Bình luận (0)