Nhà văn Võ Thu Hương ngọt ngào tình yêu thương con trẻ trong ‘Về phía bình minh’

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/06/2022 11:41 GMT+7

Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, nhà văn Võ Thu Hương gởi đến độc giả nhỏ tuổi truyện dài Về phía bình minh (do Sbooks và NXB Văn học ấn hành), với thông điệp ý nghĩa về tình yêu gia đình, xã hội dành trẻ em.

Tác phẩm Về phía bình minh của nhà văn Võ Thu Hương bắt đầu từ những trang viết về cuộc sống ở biển, nơi ấy có những ngày hè đầy nắng, trong một không gian sống động, gần gũi với các độc giả nhí dõi theo câu chuyện.

Nhà văn Võ Thu Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM) có hơn 10 tác phẩm dành cho thiếu nhi. Tác phẩm của chị từng được chọn giảng dạy trong sách giáo khoa cấp tiểu học, THCS và tác giả cũng may mắn đạt nhiều giải thưởng văn chương. Tác phẩm của Võ Thu Hương thường hướng trẻ tới sự ấm áp, trong trẻo và mang nhiều thông điệp đẹp trong cuộc sống.

Tác phẩm Về phía bình minh bắt đầu từ những trang viết về cuộc sống ở biển, nơi ấy có những ngày hè đầy nắng, trong một không gian sống động

NXB

Về phía bình minh là một câu chuyện dài kể về cuộc đời cô bé tên Xuân - nhân vật chính. Xuân được sinh ra và lớn lên tại một vùng biển mà người dân ở đây sinh sống bằng nghề làm muối, bố mẹ em cũng là những diêm dân trong số đó. Từ nhỏ, Xuân đã có ý thức mình không được sự yêu thương của mẹ mà chỉ nhận được sự chăm chút, chia sẻ, thương yêu, lo lắng từ người cha.

Thông điệp về tình thương từ tình cảm gia đình

Chìa khóa mở mọi bí mật lý do vì sao nhân vật Xuân lại sớm có ý thức mình không được yêu thương của mẹ cũng được tác giả giải mã: “Nhà có 4 anh chị em nhưng tôi không thân thiết ai. Anh chị lớn hơn tôi sáu, bảy tuổi, cái tuổi khá xa để có thể chia sẻ cùng. Em gái thua tôi bốn tuổi, khá gần để rủ nhau chơi nhảy dây, trốn tìm nhưng em lại thích ngồi trong lòng mẹ, loay hoay bên chân mẹ hoặc lẩn thẩn chơi một mình. Em không thích chơi cùng tôi hay bất kỳ ai, cũng không thích ai được mẹ quan tâm hơn mình. Em luôn sẵn sàng cắn tôi đến chảy máu nếu phát hiện ra mẹ lấy khăn lau mặt cho tôi, hoặc cho tôi miếng bánh. Mẹ luôn quay lưng bỏ đi khi xảy ra sự việc nào đó mà phần thắng là em hoặc chỉ can thiệp khi nghe em khóc nức nở, gào lên. Vô lý đến mức, kể cả khi chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm, em gào khóc vì bị thua thì tôi cũng sẽ là người bị ăn đòn của mẹ. Chẳng hiểu từ lúc nào, tôi luôn có ý thức nhường em, tránh cãi vã và ngày càng xa mẹ”.

Câu chuyện với các nhân vật cứ thế đan xen nhau: Tôi (Xuân), bố mẹ của Xuân, cô Linh, chị Thanh, Minh, Hằng, Đen, ông Đầu Móp… tác giả vẽ lại bức tranh xã hội hiện nay với những thông tin có thật làm gam màu chính, đó là việc sử dụng lao động nhỏ tuổi, trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bán vé số, cướp giật… Bên cạnh đó, qua ngòi bút của tác giả, hiện thực xã hội cũng không hề thiếu vắng tình thương, sự nhân ái.

Ở nơi mà người ta quen gọi là dưới đáy xã hội, một môi trường sống toàn gam màu đen nhưng nơi ấy tình người của những con người đồng cảnh ngộ với ấm áp làm sao. Và trên hết, dù cuộc đời chịu bao bầm dập, đớn đau, dù bao khó khăn tưởng chừng không còn lối thoát nhưng cô bé Xuân với niềm khao khát mãnh liệt được “sống” với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, khi biết vượt lên số phận và nắm giữ tương lai của cuộc đời mình.

Nhà văn Võ Thu Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM) trong một lần giao lưu với các bạn nhỏ

Bìa tác phẩm Về phía bình minh (do Sbooks và NXB Văn học ấn hành)

Nhà văn Võ Thu Hương từng có tác phẩm được chọn giảng dạy trong sách giáo khoa cấp tiểu học, THCS và tác giả cũng may mắn đạt nhiều giải thưởng văn chương

NVCC

Nhận xét về tác phẩm, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho rằng: “Truyện như là một cẩm nang về kỹ năng, nghị lực sống gần gũi, thiết thực đầy bổ ích cho trẻ em. Thắp lên ở các em niềm tin trong sáng, ngây thơ mà hợp lẽ, sâu bền về tình người, về cuộc sống, hi vọng ở tương lai; khơi gợi lối sống nhân hậu, nghĩa ân, chung thủy cho bạn đọc nhỏ tuổi… là thành công đáng trân trọng của tác phẩm. Đó cũng là lương tâm, trách nhiệm của người viết nhằm góp phần làm giàu tâm hồn trẻ, làm đầy thêm nghị lực sống của tuổi thơ hôm nay, là hạnh phúc của nhà văn khi tự gánh công việc nhọc nhằn này”.

Về phía bình minh của nhà văn Võ Thu Hương là thông điệp về tình thương từ tình cảm gia đình, từ cộng đồng với sự chia sẻ và thấu cảm, về sự vượt khó thành công nếu có ý chí. Tác phẩm được nhà văn trẻ Võ Thu Hương viết bằng lối văn phong gãy gọn, luôn hấp dẫn người đọc khám phá vì sự tò mò vẫn cứ tiếp diễn tới cuối trang sách…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.