16 truyện ngắn trong tập Vườn sơn tra dưới trăng (NXB Dân Trí) vừa ấn hành của nhà văn Vũ Ngọc Giao, mỗi câu chuyện là mỗi số phận của một người phụ nữ. Họ có thể là những người góa phụ, cũng có thể là những cô thiếu nữ, và có thể là những đứa trẻ con hoặc những đứa con gái xấu số, đoản mệnh.
Nếu như nhân vật Hạ trong truyện Sóng cũng bạc đầu là một cô gái trẻ nhưng lại phải chịu cảnh góa bụa khi chồng cô nằm lại lòng đại dương sau một cơn bão biển, thì Mẩy trong truyện Ngơ ngác heo may cũng không may mắn lắm. Cô là đứa con ngoài giá thú, lại khốn thay là đứa tật nguyền. Mẩy bị hắt hủi khi sống trong chính căn nhà của người cha đã sinh ra cô. Và những nhân vật như Lảy (Vườn sơn tra dưới trăng), nhân vật Tẩm (Túp lều bỏ hoang)…, đều là những người không được lựa chọn trong hạnh phúc hôn nhân.
Ở mỗi nhân vật, nhà văn Vũ Ngọc Giao có những góc nhìn đầy tinh tế, cảm thông đối với mỗi số phận. Còn đối với những trăn trở, day dứt trong tâm hồn nhân vật được tác giả thể hiện một cách rất tài tình. Đơn cử như nhân vật Lảy (Vườn sơn tra dưới trăng). Trong truyện ngắn này, tác giả miêu tả tâm lý của một cô con gái vùng cao, yêu say đắm một người nhưng bị ép gả cho người khác chỉ vì mối hận thù ngày trước của người cha. Trong đêm đầu về nhà chồng, cô đã khắc khoải trong đêm khi nghe được tiếng sáo của Phiên. Đó là những cảm xúc rạo rực, đằm đằm ấm ấm khi được gần gũi người mình yêu.
Nỗi đau đớn của người vợ mất chồng trong Chiếc bình tro, hoặc Chiếc rương của bà…, đều được Vũ Ngọc Giao thể hiện rõ nét như vậy.
Là một người phụ nữ, tâm hồn Vũ Ngọc Giao vốn dĩ đã mẫn cảm. Với vai trò là một nhà văn, chị cũng lại nhạy cảm hơn nữa. Biểu thức cộng của sự nhạy cảm từ hai tâm hồn trong nhà văn Vũ Ngọc Giao đã tạo nên những tác phẩm đặc sắc, nhân văn và đầy trăn trở, day dứt.
Nhưng giống như ánh trăng soi rọi giữa lòng đêm đen trong những tác phẩm, chị đã tìm cho nhân vật của mình một lối thoát trước "cái tiền đồ tối đen như mực" của họ. Luôn luôn ở những phần kết, nhà văn Vũ Ngọc Giao cho nhân vật của mình một điểm tựa, một sự vỗ về dịu dàng như ánh sao chợt lóe lên trong đêm.
Điển hình là nhân vật Lảy (Vườn sơn tra dưới trăng), cuối cùng cô đã bỏ trốn và trở về trong vòng tay Phiên, người yêu luôn đón đợi cô ở quê nhà. Hay nhân vật Hạ (Sóng cũng bạc đầu) đã được bố mẹ chồng tiễn lên xe hoa trong tình yêu thương dạt dào, như ngày tiễn đứa con gái rượu tòng phu xuất giá.
Có lẽ chính chị là phụ nữ, nên nhà văn Vũ Ngọc Giao đồng cảm sâu sắc và luôn mong ước những người phụ nữ bất hạnh ấy được bình yên. Bằng ngòi bút của mình, chị đã "khâu vá" lại nhiều vết thương trong lòng người phụ nữ. Đó là sự nhân văn mà nhà văn Vũ Ngọc Giao gửi gắm vào trong tác phẩm. Đồng thời, đó cũng là những mong muốn của chị. Nhẩn nha mà đọc và suy ngẫm, hẳn rằng ai nấy sẽ đối xử dịu dàng hơn, trân trọng hơn "một nửa thế giới" là phái đẹp.
Tập truyện lần này có những điểm nổi bật là thế. Song có lẽ vì quá quen thuộc với nhà văn Vũ Ngọc Giao, nên có một số kết cấu trong truyện của chị lặp lại. Chẳng hạn, cách nhà văn Vũ Ngọc Giao triển khai theo mạch một nhân vật còn sống gặp một người đã khuất và nghĩ đó là người sống, sau đó mới bàng hoàng nhận ra sự thật.
Điều này có thể gặp trong các tác phẩm như: Hòn đá bùa, Tiếng tiêu trên đỉnh Sơn Trà. Mà trước đó, chúng ta đã bắt gặp ở truyện Con Dủi của chị. Dĩ nhiên, nội dung, lối diễn đạt vẫn rất đặc sắc và đậm đà tính nhân văn. Song, nếu cứ liên tục lặp lại quá nhiều kết cấu như vậy, bạn đọc sẽ dễ đánh đồng chị với những người nghèo ý tưởng.
Tuy nhiên, rõ ràng tác phẩm Vườn sơn tra dưới trăng vẫn tiếp tục khẳng định phong độ của nhà văn Vũ Ngọc Giao với thể loại truyện ngắn, phản ánh sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của chị. Dù sáng tác rất nhiều, rất liên tục, song những tác phẩm của nhà văn Vũ Ngọc Giao vẫn luôn chất lượng, không hời hợt. Và đối với một cây bút trẻ, khỏe như chị trên vùng đất Đà Nẵng nơi đang sống luôn đầy ắp chất liệu, bạn đọc luôn mong chờ những điều mới mẻ, đặc sắc hơn nữa trong những tác phẩm sắp sửa ra mắt của nữ văn sĩ tài hoa này.
Bình luận (0)