Theo nhà báo Kevin Lynch, tính đến năm 2014 thì William Shakespeare là nhà soạn kịch "ăn khách" nhất thế giới, với doanh số từ các vở kịch và thơ của ông đạt hơn bốn tỉ bảng trong gần 400 năm kể từ khi ông qua đời. Ông cũng là tác giả có tác phẩm được dịch nhiều thứ 3 trong lịch sử.
Hamlet là vở kịch dài nhất trong số 37 vở kịch của Shakespeare, sáng tác khoảng từ năm 1599 đến năm 1601. Vở kịch này bao gồm 4.042 dòng, tổng cộng 29.551 từ. Hamlet còn chứa phần thoại dài nhất trong số 1.277 phần thoại của Shakespeare. Chỉ tính riêng nhân vật Hamlet, trong vai hoàng tử Đan Mạch, đã có 1.569 dòng, tổng cộng 11.610 từ.
Lần đầu tiên sử dụng từ liên quan đến sát thủ
Assassination (cuộc ám sát) là từ mà Shakespeare sử dụng sớm nhất trong văn học viết bằng tiếng Anh. Theo Từ điển tiếng Anh Oxford, từ này xuất hiện trong tác phẩm Macbeth của William Shakespeare, viết vào năm 1605.
First Folio là quyển sách đầu tiên chứa đựng toàn bộ các vở kịch của William Shakespeare được in vào năm 1623. Vào thời đó, nhà xuất bản chỉ in 750 bản First Folio, đến năm 2014 giới nghiên cứu phát hiện chỉ còn 228 bản. Vào ngày 8.10.2001, nhà Christie's đã bán đấu giá 1 trong 5 bản First Folio tại thành phố New York (Mỹ) với giá 6.166.000 USD (4.156.947 bảng Anh). Đây là mức giá cao nhất cho một quyển sách xuất bản từ thế kỷ 17.
Những kỷ lục liên quan đến William Shakespeare
Shakespeare là tác giả có nhiều vở kịch và thơ được chuyển thể thành phim, với rất nhiều phiên bản. Sinh thời, có lẽ ông không hề nghĩ rằng các vở kịch và sonnet (thơ ngắn) của ông được chuyển thể thành 420 phim truyện và phim truyền hình. Hamlet đứng đầu danh sách với 79 phiên bản, tiếp theo là Romeo và Juliet với 52 phiên bản, còn Macbeth thì được quay 36 lần.
Shakespeare in Love là một bộ phim hài-lãng mạn của Mỹ năm 1998, do John Madden làm đạo diễn. Phim này mô tả mối tình hư cấu giữa Viola de Lesseps (Gwyneth Paltrow) và Shakespeare (Joseph Fiennes) trong giai đoạn Shakespeare đang viết vở kịch Romeo và Juliet. Đây là bộ phim thành công, thu về 289 triệu đô la trên toàn thế giới và trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 9 trong năm 1998, đặc biệt là đã giành được 3 giải Quả cầu vàng; 2 giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Điện ảnh; 4 giải thưởng Điện ảnh của Viện Hàn lâm Anh và 7 giải Oscar trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 71…
Sean Shannon, người Canada, có thể nói trôi chảy với tốc độ đáng kinh ngạc. Anh đã đoạt danh hiệu Kỷ lục thế giới Guinness cho người kể chuyện nhanh nhất vào năm 1995, sau khi đọc thuộc lòng đoạn độc thoại nổi tiếng trong Hamlet "To be, or not to be" chỉ trong 23,8 giây!.
Một kỷ lục gia khác là Adrian Hilton (người Anh) đã đọc thuộc lòng toàn bộ tác phẩm của Shakespeare trong thời lượng ấn tượng là 110 giờ 46 phút tại cuộc thi "Bardathon", thuộc Lễ hội Shakespeare, tổ chức ở Nhà hát Shakespeare's Globe, London năm 1987.
Ngày 3.7.2005, có tổng cộng 7.104 học sinh biểu diễn khoảng 368 tác phẩm như một phần của Lễ hội Trường học Shakespeare của Vương quốc Anh. Điều này cũng đã tạo ra kỷ lục thế giới.
Nếu tranh của danh họa Pablo Picasso bị giả mạo nhiều nhất thì tác phẩm của Shakespeare cũng bị làm giả không kém. William Henry Ireland, con của một người bán sách và cổ vật, đã tạo ra một số bản thảo, giả mạo là tác phẩm của Shakespeare, xuất hiện ở London từ năm 1794-1795. Nhà báo Kevin Lynch cho biết, trong số đó có thư từ giữa Shakespeare và Bá tước xứ Southampton; một bức thư và bài thơ tình gửi đến Anne Hathaway; hai hợp đồng nhà hát; lời thú tội tâm hồn của Shakespeare; một bức thư Nữ hoàng Elizabeth gửi cho ông; những bản chỉnh sửa một số vở kịch nổi tiếng của Shakespeare cùng với hai vở kịch lịch sử chưa từng công bố.
Ban đầu, một số nhà phê bình văn học đầy uy tín và những nhân vật nổi tiếng khác đã đánh giá số "hàng giả" của William Henry Ireland là chân thực, đến nỗi, Vortigern, một trong những vở kịch ngụy tác, đã được trình diễn năm 1796. Cuối cùng, giới nghiên cứu đã nhận ra được sự giả mạo đó, bởi vì có một số vở kịch và tài liệu bị coi là đáng ngờ: ngày tháng không được kiểm đếm, một số sự kiện có thể không hợp lý, đặc biệt là có một số lỗi chính tả, văn phong và ngôn ngữ kỳ quặc, không giống William Shakespeare.
Bình luận (0)