Nhà vườn miền Tây chật vật mùa Covid-19: Trái cây mất giá, thương lái mua cầm chừng

19/07/2021 10:44 GMT+7

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 , các loại rau, củ, quả ở miền Tây chủ yếu tiêu thụ tại chỗ vì khó vận chuyển đi xa; còn trái cây thì giảm giá chưa từng có, thương lái mua cầm chừng.

Rau màu khó đi xa

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, trong vụ rau màu hè thu 2021, nông dân trong tỉnh xuống giống gần 14.000 ha. Đến thời điểm này đã thu hoạch 7.276, còn hơn 6.700 ha rau màu như bắp, dưa hấu, sen và rau ăn lá các loại đang trong giai đoạn thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch trong giai đoạn tới.

Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản "xấu và xấu hơn" vì Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian gần đây giá cả các loại, rau, củ quả giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đơn cử là các mặt hàng chủ lực như: ớt 16.000 đồng/kg, củ cải 3.000 đồng/kg, hành lá 12.000 đồng/kg, khoai môn 17.000 đồng/kg, khoai lang có giá 1.000 đồng/kg, chanh 4.000 đồng/kg.
Anh Lê Thành Đạt, thương lái ngụ H.Phú Tân, An Giang đến H.Hồng Ngự, Đồng Tháp mua rau củ cung cấp cho tiểu thương các chợ, cho biết: “Hiện giá rau muống khoảng 7.000 đồng/kg, rau răm 4.000 đồng. Do việc vận chuyển lên TP.HCM bị kiểm tra khó khăn nên tôi chủ yếu cung cấp cho tỉnh An Giang, Kiên Giang. Hằng ngày, tôi đi mua nông sản bỏ mối cho nhiều trung gian. Thực tế, khi hàng đến tay người tiêu dùng ít nhất 4 - 5 cấp. Ngoài ra, thời gian này chi phí vận chuyển lên TP.HCM tăng nên giá rau củ cũng tăng hơn trước”.
Ông Lê Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: “Hiện trên địa bàn thực tế vẫn còn lượng rất lớn rau màu tồn đọng trong dân. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa thống kê được cụ thể bao nhiêu nên các địa phương rà soát cụ thể để báo cáo để cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh”.
Đối với việc vận chuyển hàng hóa, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, cho biết Sở đã kết nối với ngành chức năng TP.HCM để hỗ trợ cho 600 phương tiện vận tải có mã QR để có “luồng xanh” để nhanh chóng qua các Chốt kiểm soát dịch Covid-19 vào TP.HCM. Sở đang thông báo các doanh nghiệp vận tải tại Đồng Tháp đăng ký để tỉnh kết phối cấp thêm mã QR để việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ tỉnh về TP.HCM thông thương hơn.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đề nghị các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp học hỏi kinh nghiệm từ việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang để áp dụng đối với nhãn Châu Thành và cả những nông sản khác của tỉnh. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tiêu thụ nhãn và nắm được yêu cầu của đối tác tiêu thụ về chất lượng nhãn để tổ chức phân loại, cung ứng; tổ chức lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và có thể ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng này.  

Trái cây giảm giá từ 70 - 90 % so với cùng kỳ

Bà Cao Thị Lên, thương lái chuyên mua trái cây ở H.Chợ Lách (Bến Tre), cho biết hiện tại, do diễn biến phức phạp của dịch Covid-19 nên giá trái cây giảm mạnh. Hầu hết thương lái có mua thì cũng mua cầm chừng theo đơn đặt hàng chứ không mua nhiều được vì sợ dội chợ.

Thương lái mua mít Thái chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm năm trước là 40.000 - 45.000 đồng/kg

ẢNH: XUÂN PHÚC

Theo bà Lên, nguồn trái cây thời điểm này chủ yếu là chôm chôm, nhãn và mít Thái. Trong buổi sáng 18.7, thương lái mua nhãn xuồng cơm vàng tại vườn chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước là 30.000 - 40.000 đồng/kg); mít Thái chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước là 30.000 - 35.000 đồng/kg), chôm chôm Java 6.000 đồng/kg (thời điểm năm trước 20.000 - 25.000 đồng/kg); chôm chôm Thái 12.000 -13.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước 40.000 - 45.000 đồng/kg) tùy loại.
“Mặc dù giá thấp như vậy nhưng chúng tôi cũng chỉ mua số lượng ít theo đơn đặt hàng của tiểu thương chứ không dám mua nhiều như mọi năm vì sợ dội chợ, không tiêu thụ được”, bà Liên nói.
Tại tỉnh Đồng Tháp, một số loại trái cây cũng đang tới mùa thu hoạch nhưng theo dự báo của Sở NN-PTNT là sẽ khó tiêu thụ. Chỉ riêng H.Châu Thành đã có 793 ha nhãn, sản lượng dự kiến hơn 13.400 tấn và thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12. Trong đó, tháng 7 và 8 có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch nhưng hiện chưa kết nối được đầu ra với số lượng lớn. Điều đáng lo ngại hơn là vùng trồng nhãn lớn thuộc xã An Nhơn, H.Châu Thành đang bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nên việc thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.