Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Trăm năm phủ thờ họ Hồ

05/08/2024 06:35 GMT+7

Trải qua hàng trăm năm, nhiều ngôi nhà xưa tuy có xuống cấp nhưng vẫn giữ được nét đẹp ban đầu, vẫn giữ được hồn cốt dù trải qua bể dâu năm tháng.

Tại cù lao Long Khánh (ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) hiện còn ngôi nhà thờ họ Hồ (còn gọi là Hồ phủ hoặc phủ thờ họ Hồ) khá cổ kính.

Nhà được xây dựng năm 1911. Qua 3 đời cư ngụ, phủ thờ vẫn còn giữ nét căn bản của kiến trúc và chất liệu thời tạo dựng.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Trăm năm phủ thờ họ Hồ- Ảnh 1.

Cột và sàn gỗ được thoa dầu điều bóng dợn

Hoàng Phương

Ngôi nhà cột vuông độc lạ

Một thời nổi tiếng "xứ tằm tang", cù lao Long Khánh là vùng đất được khai phá sớm. Căn cứ vào gia phả họ Hồ thì hậu hiền (người có công xây dựng các công trình có tính chất làm nền móng cho làng, xã như đình,chùa, lăng, miếu…) làng này là ông Hồ Dương Liễu (thế kỷ 18), hiện còn ngôi mộ. Trải qua hàng trăm năm, cù lao vẫn còn nhiều ngôi nhà sàn - hình thức kiến trúc đặc trưng của cư dân vùng Hồng Ngự. Một số ngôi nhà sàn từ lan can đến các khung cửa được sơn phết hoặc chạm khắc công phu, tinh xảo. Chỉ cần nhìn vào cột chống nhà sàn và nét chạm trổ là phân biệt được mức độ giàu, nghèo của gia chủ.

Nằm giữa khu vườn rộng, phủ thờ họ Hồ xây dựng theo kiểu nhà rường xiên trính Nam bộ với 3 gian, 2 chái, lòng căn 2,6 m khá rộng rãi nhưng không theo mô típ chữ đinh thường thấy, mà là nhà gác gỗ, có dáng dấp của lối kiến trúc nhà sàn Tây Nam bộ. Vách tầng dưới xây gạch, có hai cửa vào, một cửa nằm ngay đầu hồi, cửa còn lại bố trí ở cạnh mái trước. Lối lên gác có chiếc cầu thang gỗ hẹp đặt ở phía chái sau, bên trái. Không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi trong nhà được bố trí bên dưới. Xung quanh nhà có một số công trình phụ như nhà bếp, kho chứa vật dụng… bố trí xen lẫn với vườn cây.

Sàn gỗ trên gác là những mảnh ván dày chừng 30 phân ghép lại còn in khá rõ những nét rìu đẽo vạt. Trong khi đó, những cây cột cái không phải là cột tròn trơn láng thường thấy ở những ngôi nhà xưa mà là cột vuông, mỗi cạnh hơn 3 tấc, còn nguyên vết đục đẽo thô sơ, mặc dù bộ xuyên trính, vì kèo được gia công khá kỹ. Để chống mối mọt, sàn gỗ và bộ cột chủ được thoa dầu điều, bóng dợn. Ở mặt đầu hồi tầng trên không có vách. Mỗi mặt dựng năm bộ cửa lá sách ghép nối với nhau, loại cửa lá sách thường thấy của các ngôi nhà vào những năm đầu thế kỷ 20. Nhờ vậy, ngôi nhà rất thoáng.

Tầng trên là nơi đặc biệt chỉ dành cho việc thờ phượng ông bà, tổ tiên, phụ mẫu. Khu vực trang trọng này không có nhiều hoành phi câu đối và các tác phẩm chạm khắc gỗ mỹ thuật như những ngôi nhà điền chủ thời xưa. Hiện vật mỹ thuật xưa là những bức tranh chữ khảm xà cừ với lối thư pháp chữ thảo rất mềm mại. Một chiếc trường kỷ làm nơi tiếp khách, vài cái tủ thờ khảm xà cừ và một khánh thờ đặt trên cao thờ gia thần, cũng là nơi để hộp đựng sắc phong Bổn cảnh Thành hoàng làng Long Khánh. Chủ nhà cho biết chỉ có khách quan trọng hay con cháu trong họ tộc mới được tiếp ở nơi đây.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Trăm năm phủ thờ họ Hồ- Ảnh 2.

Phủ thờ họ Hồ nằm giữa khu vườn rộng

Hoàng Phương

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Trăm năm phủ thờ họ Hồ- Ảnh 3.

Nồi đồng được lưu giữ hơn trăm năm

Hoàng Phương

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Trăm năm phủ thờ họ Hồ- Ảnh 4.

Bộ cửa gỗ chạm lọng với hoa văn tinh xảo

Hoàng Phương

Trong họ có hội đồng gia tộc

Giải thích vì sao gỗ sàn và gỗ cột ngôi nhà không được gia công bào láng, ông Hồ Thanh Sơn, hiện là chủ nhân ngôi nhà, cho biết: "Nội tôi kể lại hồi đó làm nhà cực lắm. Cây gỗ phải ra tận vùng sông lớn (vùng rừng giáp biên giới Campuchia - PV) mua rồi kết lại thành bè, vận chuyển theo đường sông về mướn người đẽo gọt. Cách đây không xa, ở bên Chợ Mới (An Giang) có xóm Chợ Thủ "đệ nhất làng mộc" nổi tiếng với nhiều nghệ nhân có kỹ thuật giàn trò, chạm khắc tinh xảo. Song, không hiểu sao lúc đó ông tôi không thuê họ làm mà lại thuê thợ vườn, người ở địa phương, tay nghề không cao lắm".

Ông Sơn cho biết hồi xưa họ Hồ có một ngôi nhà thờ cách chỗ hiện nay hơn một cây số, nhưng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Năm 1911, ông Hồ Tư Trực dời về đây mua gạch, ngói, gỗ xây dựng lại. Số bàn ghế, hiện vật, khánh thờ… còn giữ lại được là do ông Hồ Ngọc Tỵ, ông cố của ông, thuê thợ làm. Người chú họ của ông Sơn là ông Hồ Bích Hợp còn cho chúng tôi xem một số di vật của nhà thờ xưa còn giữ tại ngôi nhà sàn nhỏ của ông. Đó là bộ cửa gỗ chạm lọng với hình hoa mai, dây lá, chim sẻ, họa tiết hồi văn rất tinh xảo. Ông Hợp cho biết đó là bộ cửa do ông bà xưa thuê thợ miền ngoài vô làm.

Tính theo phả hệ thì ông Hồ Thanh Sơn thuộc đời thứ 9 của họ Hồ và là cháu trực hệ nên có trách nhiệm quản lý gìn giữ phủ thờ. Ngoài ra, trong họ cũng có thành lập hội đồng gia tộc, cử 3 người có uy tín, đạo đức vào ban quản lý để lo việc trông coi, tham vấn. Ngày giỗ ông bà, con cháu tụ họp về cúng kiếng thì hướng dẫn giải thích để có ý thức giữ gìn truyền thống. "Năm 1978, Pol Pot đánh phá biên giới Tây Nam, bắn hàng trăm quả pháo sang cù lao này, nhưng thần linh phù hộ, tất cả đều rớt xuống sông", ông Sơn kể.

Theo ông Sơn, hội đồng gia tộc chủ trương không sơn phết làm mất dấu đẽo gọt của bộ cột và ván sàn, để nguyên di sản của ông bà đã dày công tạo dựng, nên chỉ quét dầu điều để bảo quản. Mấy mươi năm trước, do mái ngói hư dột, bất đắc dĩ phải lợp lại bằng ngói tây. Hội đồng có nguyện vọng phục nguyên lại ngói âm dương cổ truyền, nhưng chưa thực hiện được. Ông Sơn chia sẻ: "Tôi tâm niệm cái mới có thể làm được nhưng giữ cái cũ thì khó lắm. Không vì mới mà nới cũ mất gốc tích của ông bà. Ngay cả cái nồi đồng nấu cơm của ông bà, tôi vẫn còn lưu giữ đến bây giờ".

Là con cháu vị có công khai khẩn lập làng Long Khánh và họ tộc này đã qua mấy đời "phụng sắc" Thành hoàng, vì vậy ngày cúng Kỳ yên của làng, Ban quý tế phải khiêng long đình đến đây làm lễ thỉnh sắc về đình cúng bái. Lễ hội xong họ phải làm lễ "hồi sắc" trở về. Cái hộp đựng sắc Thần đặt trên bàn thờ giữa được bảo quản kỹ lưỡng, khói hương không dứt. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.