Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi khủng, vẫn kêu 'khó khăn chồng khó khăn'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/07/2022 17:38 GMT+7

Lợi nhuận sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT) giao.

Phát hành sách giáo khoa đạt 140% kế hoạch

Nhà xuất bảo Giáo dục Việt Nam mới công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021".

Sách giáo khoa là mặt hàng chủ lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

TN

Theo đó, năm 2021 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành 164,6 triệu bản sách giáo khoa, đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828,3 tỉ đồng.Trong đó, doanh thu chủ yếu từ phân phối sách giáo khoa và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản này đạt 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT giao.

Báo cáo nêu: "Nhà xuất bản có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân: 39,9% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ tổng tài sản 17,9%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả".

7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỉ đồng.

Số liệu về kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

chụp màn hình

Vẫn kêu "khó khăn chồng khó khăn"

Tuy nhiên, nhà xuất bản này cũng nêu những khó khăn của năm 2021, như: tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh nhiều đợt liên tiếp gây trở ngại cho công tác in, vận chuyển, cung ứng sách trước ngày khai giảng.

Kế hoạch in sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 bị động do Bộ GD-ĐT phê duyệt mẫu chậm 3 tháng so với kế hoạch dẫn đến phải in gấp trong điều kiện "khó khăn chồng khó khăn"...

Báo cáo này còn cho rằng: "Tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng gia tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa, về hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư giấy in... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh"...

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, từ ăm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá sách giáo khoa mới đã tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần.

Lãnh đạo nhà xuất bản giải thích rằng giá cao bởi chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.

Sách giáo khoa hiện không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

"Phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện"

Dù giá sách giáo khoa mới tăng mạnh, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27.4 về giá sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà xuất bản đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.