Nhớ sự giòn tan của bánh tét chiên
Bánh tét là một trong những loại bánh mà bạn trẻ nào cũng nhớ đến đầu tiên.
Phan Thị Thu (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) chia sẻ: “Từ nhỏ, mấy anh em chúng tôi sống với nội nên hễ Tết đến là không khí nhà tôi rộn hẳn cả lên. Bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp, kiểu gì kiểu nhà chúng tôi đã đi xay gạo nếp về trữ trong nhà. Nội nói “ Tết nhất không có bánh chưng, bánh tét cúng ông bà còn gì ra tết”. Nhớ lời nội dạy, nhà tôi vẫn duy trì đều đặn phong tục này”.
“Tôi nhớ mỗi lần dạy chúng tôi làm bánh, nội đều nói cái khó chính là vào lá và buộc lạc cho thật chặt thì bánh mới đẹp, còn muốn để bánh được lâu thì phải nấu bánh thật lâu, khoảng 1 ngày 1 đêm là được. Hồi xưa, nhà tôi còn khó khăn, nhân bánh toàn làm bằng thịt mỡ 100%, ấy vậy mà ăn cái bánh lại ngon và béo. Ngày nay, do nhu cầu cả nhà không ăn nhiều, chỉ gói đủ để cúng ông bà, nên mẹ tôi làm bánh “chất” hơn”, Thu kể.
|
Và mỗi năm đến ngày gói bánh, Thu chính là người đi vút nếp (nếp ở quê bao giờ cũng có sạn, do phơi ở sân quê), đãi đậu, lau lá chuối, nhóm bếp. Những việc gì chả liên quan đến kĩ thuật và nghệ thuật gói bánh thì Thu bao trọn, bởi lẽ cô nàng rất muốn trong từng cái bánh, có một phần công sức tham gia của mình. Hoặc thậm chí Thu tự gói riêng một cái bánh và làm ký hiệu, để khi bánh chín Thu tự hào là cái bánh đó do chính tay mình làm.
Còn Nguyễn Thị Thương, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì nhớ mùi bánh tết chiên giòn tan sau những ngày tết. “Ngày xưa năm nào nhà mình cũng nấu một nồi bánh tét thật to, vì gia đình đông con nên cứ nấu thật nhiều để hết tết lại chia cho mỗi đứa vài đòn để mang đi theo. Mà những ngày tết thông thường ăn nhiều thứ quá nên thấy bánh tét chưa ngon, nhưng sau tết bánh tét chiên là “của hiếm”. Bánh tét chiên lên là ngon tuyệt trần luôn”.
“Nhắc đến tết là chỉ nhớ đến bánh thôi”
Nguyễn Trần Quỳnh Anh, sinh viên Trường ĐH Duy Tân, đã thốt lên như vậy khi được hỏi: “nhắc đến tết bạn nhớ đến điều gì?”
Quỳnh Anh dần dò về với ký ức với một “bộ sưu tập” bánh. “Đầu tiên và cũng không thể thiếu là bánh tét, có năm nhà còn làm thêm bánh chưng. Nhưng đặc biệt miền trung quê mình lại có thêm bánh da hay còn gọi là bánh lăn. Gọi là bánh da vì màu của bánh giống màu da do được làm từ đường bát ngày xưa. Bánh này có dạng dài như quả cà tím, ăn rất dai mà ngon cực. Rồi bánh thuẩn, bánh ổ (bánh giống dạng hình ổ gà nên gọi là bánh ổ),…Ôi nhớ lắm, vì giờ rất hiếm gia đình còn làm những loại bánh này”.
“Còn một loại bánh cũng không thể thiếu của người miền trung quê mình đó là bánh lá gai. Ngày xưa chưa có máy xay điện như bây giờ nên cứ hễ tết đến lại theo mẹ lên nội giã lá bằng cối giã gạo. Xong rồi đêm giao thừa ngồi gói, thích ơi là thích”, Anh kể thêm.
Cô nàng Hoàng Dung, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế, thì nhớ: “Tết xưa, ngoại tôi làm bánh in để thờ cúng và mời khách ăn uống trà ngày tết. Theo ngoại kể, bánh in còn có tên khác là bánh cỗ, tức là khi nào có cỗ (cúng, giỗ) thì khi ấy mới có bánh in. Bánh có đủ 7 sắc cầu vồng, làm từ bột nếp, bột gạo và đậu. Gọi là bánh in vì chúng có khuôn, chỉ cần bỏ đậu, đường, bột vào in thì sẽ ra bánh”.
“Tôi vẫn nhớ như in, công đoạn xay gạo hoặc nếp thành bột trong chiếc cối đá có hình thù khá là đặc biệt. Bây giờ thì chẳng còn ai xay bột kiểu đó nữa, Hồi đó, mới tầm 12 tuổi, việc đẩy cho cối đá chạy quanh cái cối là một việc vô cùng khó khăn”, Dung chia sẻ.
“Xay bột về, ngoại để ráo nước rồi pha trộn đường cát vào. Ngoại trộn rồi lại nhào cho nó quyện vào nhau. Bánh đúc thành khuôn sau đó được đem sấy trên các lò than nóng. Chúng tôi chỉ được làm công đoạn cho bánh vào giấy màu, bọc thành hình vuông hay chữ nhật theo kích thước của chiếc bánh. Tiếp đó, lấy que hương, hơ lên tờ giấy màu để dán các góc lại với nhau. Kể ra, làm bánh cũng phức tạp nhưng ăn nó chúng tôi còn ăn nhanh hơn cả tên lửa nữa. Cũng 10 năm kể từ ngày ngoại mất, chúng tôi không có dịp nào để cùng bánh in, cũng không có dịp được ngoại cho bánh mang về nhà để dành sau tết ăn”, Dung ngậm ngùi nhớ lại.
Bình luận (0)