Không khí lạnh từ phía bắc tràn về khiến bầu trời miền Trung đầy mây, xám xịt và mưa cứ vậy mà rơi xuống cả ngày lẫn đêm. Nhìn mưa rơi, đi trong mưa, lòng tôi cảm thấy bất an.
Tôi đã vào tuổi 71, có trên 50 năm hành trình âm nhạc. Đây là lần duy nhất trong đời, tôi trở về quê nhà làm một show nhạc cho riêng mình như một cách báo cáo với bà con thân yêu những gì mình có được trên con đường âm nhạc và góp một chút công sức cùng Ủy ban Nhân dân H.Duy Xuyên (Quảng Nam) chăm sóc nhà ở cho một số hộ nghèo, hộ chính sách.
tin liên quan
Người Việt thăm Salzburg quê hương của thiên tài MozartChỉ là thành phố lớn thứ 4 ở Áo nhưng Salzburg có sức hút mãnh liệt với du khách bởi đây là quê hương của nhà soạn nhạc thiên tài thế giới Wolfgang Amadeus Mozart.
Đã có hai nơi - một tỉnh ở miền Tây và một đơn vị kinh tế lớn ở thành phố này, muốn đồng hành với tôi tổ chức show nhạc nhưng lòng tôi cứ mong về quê nhà. Cuối cùng, tôi chọn quê nhà - nơi từ đó tôi ra đi. “Về đây nghe xa vắng tiếng tơ nguyệt cầm rơi/ Bài tình ca hát lên cho đời” - tôi đã từng nuôi niềm mơ ước đó. Vì vậy mà tôi trở về với bà con mình.
Quê nhà của tôi không có rạp hát. Ủy ban Nhân dân huyện và tôi thống nhất chọn khu phố chợ Nam Phước mới xây - phố Giáng Hương, làm sân khấu lộ thiên ở đó. Ngày xưa, nơi đây chỉ là những vạt ruộng khô, phải đợi 40 năm mới vươn mình lên thành phố chợ khang trang.
Phố Giáng Hương trồng toàn cây giáng hương (cây sưa), tháng 3 về hoa nở vàng rực trên các đường phố mới. Huyện có nhiều cơ quan có sân bãi rộng, điện 3 pha đầy đủ nhưng chúng tôi muốn đưa âm nhạc về giữa chợ đời để những người bình dân nhất - những bà con thân yêu của quê nhà, đều có thể đến nghe âm nhạc mà không phải ngần ngại như khi bước vào sân của một cơ quan nhà nước.
Sân khấu được Công ty tổ chức biểu diễn MC Quảng Nam dựng lên từ ngày 30.3 ngay trước chợ, cao 1,6 m, ngang 12 m và sâu 9 m, với ba cầu thang lên. Đó là một sân khấu lớn và hứa hẹn sẽ hoành tráng. Thảm đã trải, đèn đã treo, ánh sáng laser đã thử, loa phóng thanh mega đã thiết kế, màn hình Led 5 cánh đã dựng. Thế nhưng tất cả đều phải trùm trong bọc áo mưa kín mít. Vì mưa!
Mưa rơi mãi mấy ngày qua. Sáng 31.3, tôi và ông Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện lên Đài liệt sĩ với bó hoa và nén hương, xin anh linh các anh hùng liệt sĩ và bà con hy sinh vì đại nghiệp giải phóng dân tộc cho phép chúng tôi tiến hành suôn sẻ show diễn.
Cũng với bó hoa và nén hương khác, chúng tôi đi 35 cây số lên lăng thờ Mẹ Thu Bồn - bà mẹ xứ sở hiển linh, xin người phù hộ cho chúng tôi làm xong show diễn, đem lại niềm vui cho bà con quê nhà và góp một chút công sức để giúp đỡ bà con nghèo có nơi ăn chốn ở tử tế. Tôi cũng không quên làm bàn thờ Tổ phía sau sân khấu, xin Tổ “đãi” anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ múa, hậu đài, đơn vị tổ chức. Với tôi, những niềm tin tâm linh như vậy là cần thiết phải thực hiện.
Ngày 1.4, trời hửng lên một chút. Tôi cười thầm trong bụng vì đây là ngày Cá tháng 4 (Poisson d’ Avril) - ngày người ta nói dối, xí gạt nhau thoải mái. Chúng tôi đã định chọn ngày này rồi nhưng nghĩ đến chuyện nói dối lừa gạt nhau nên lại thôi, chọn sang ngày 2.4.
Sáng ngày 2.4, trời vẫn mưa, mưa bay bay. Ông chủ tịch huyện nhắc Trung tâm văn hóa mua sẵn 300 chiếc áo mưa để tặng cho khán giả. Huyện đội có một tấm bạt lớn, có thể che mưa được nhưng dựng bạt lên thì ảnh hưởng đến thao tác trực tiếp truyền hình và sợ gió làm đổ ngã. Mặc kệ mưa rơi, ê kíp truyền hình, ê kíp đạo diễn và tôi vẫn ngồi trong... quán cà phê làm việc.
Hai giờ chiều, chúng tôi cho các em ca sĩ, nghệ sĩ múa chạy chương trình trên sân khấu. Trời mưa nên ca sĩ từ TP.HCM về, từ Đà Nẵng vào, từ Quảng Nam ra và diễn viên múa của vũ đoàn Sắc Việt vẫn chạy chương trình. Chuyện hát thì dễ rồi, ca sĩ cứ mặc áo mưa “mì ăn liền” mà hát nhưng chuyện múa mới phức tạp vì vũ công phải xoạc chân, vươn người, bồng nhau lên mới ra cái hồn nhảy múa.
Từng làm cả trăm show, tôi thú thật đây là lần đầu tiên trong đời mới thấy vũ công mặc áo mưa múa trên sân khấu! Hình ảnh đó vừa buồn cười, vừa thương cảm! Thì thôi, cũng phải nhẹ nhàng với các em các cháu, được đến đâu hay đến đó vậy.
Năm giờ chiều, ông Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đà Nẵng báo tin qua điện thoại cho biết có thể khoảng 8 giờ đêm, mưa sẽ bớt. Thế rồi thật may mắn, 7 giờ trời đã ngưng mưa. Tất cả loa, đèn chiếu sáng, đèn laser, màn ảnh Led đều được tháo bao trùm mền. Nhạc được phát lên và ánh sáng tỏa rạng khu phố.
Đây có lẽ là lần đầu tiên, phố Giáng Hương lặng lẽ của quê nhà mới có một đêm vui rực rỡ như vậy. Khán giả đến thật nhanh, thật đông; đứng đều khắp ba đường phố chung quanh sân khấu. Khí hậu se lạnh như trời Đà Lạt nên bà con ăn mặc thật lịch sự; áo ấm, khăn quàng cổ, áo veste...
Đúng 8 giờ tối, chương trình mở màn, trực tiếp lên sóng truyền hình. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe nốt nhạc đầu tiên vang lên trên sân khấu. Tiết mục mở màn thật khí thế, thật vang dội. Tôi không nghĩ các em hồi chiều mặc áo mưa múa lúng túng vậy mà bây giờ mặc áo dài múa đâu ra đó, uyển chuyển nhịp nhàng như đã tập dượt với nhau từ lâu lắm.
Phần nghi lễ nhẹ nhàng, ca sĩ hát hay, vũ công múa giỏi; âm thanh tốt, ánh sáng đẹp, thao tác truyền hình chuyên nghiệp. Cái tuyệt vời nhất là trời không có một giọt mưa. Một show diễn tưởng đã bể vì mưa lại thành công ngoài sức tưởng tượng.
Tôi rời chỗ ngồi, xuống với bà con. Những bà con đứng xa sân khấu nhất nhìn ra tôi, đón lại, bắt tay, vỗ vai, ôm lưng. Cái âm sắc tiếng nói của quê nhà nghe sao mà quá đỗi thân thiết: “Chào ông hỷ. Chúc ông sức khỏe hỷ. Cố gắng năm tới về làm một chương trình hoành tráng như ri ở quê nhà mình, ông nghe”. Tôi nắm bắt những bàn tay chai sạn, vuốt những mái tóc trẻ thơ và biết mình còn mắc nợ nhiều đối với những đời cần lao chân chính ấy.
Đêm nhạc kéo dài đến 9 giờ 34. Bao nhiêu niềm vui vỡ òa trên sân khấu khi chương trình kết thúc; có ca sĩ, diễn viên múa đã khóc vì cảm động. Bà con khán giả vẫn còn đứng lại hai bên đường, lưu luyến bắt tay chúng tôi. Tôi bắt tay và cảm ơn từng người. Có đưa âm nhạc ra giữa chợ đời, mới thấy hết cái tình nghĩa của con người thắm thiết, tươi đẹp.
Ở những thành phố lớn, coi xong chương trình nhạc là người ta vội vàng ra về, có đâu chịu khó nán lại năm, mười phút chuyện vãn, hỏi thăm đạo diễn, ca sĩ, diễn viên múa, giám đốc công ty biểu diễn, hậu đài...
Gần khuya đêm ấy, trời mưa lại. Tôi xúc động, ngủ không được. Sáng hôm sau, tôi cùng ông Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện lại mang hương hoa lên tạ ơn các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Thu Bồn.
Trời vẫn lạnh, mưa vẫn còn rơi nhưng sao lòng tôi tràn ngập hạnh phúc. Bảy mươi mốt tuổi, trên 50 năm “du mục” mới có được một show diễn phục vụ bà con quê nhà, mới nói được những gì mà tác phẩm âm nhạc mình cần nói, hỏi còn có niềm vui nào lớn hơn.
Từ trong vô thức, tôi đã mong có show nhạc này diễn ra trên quê nhà Duy Xuyên của tôi. Những ca khúc ấy ra đời trên quê hương này, đã theo tôi phiêu lãng trên 50 năm, chỉ chờ mong có một lần vang lên trên miền đất đã sản sinh ra chúng.
Tôi vẫn tin rằng nếu mình làm việc ngay ngắn, hết lòng hết dạ vì một mục đích tốt đẹp thì ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ đến với mình. Mỗi khi trở về quê nhà, tôi thường mặc chiếc áo của Báo Thanh Niên cho để đi làm việc. Tuổi đã lớn nhưng tôi không bao giờ hổ thẹn với hai chữ Thanh Niên trên ngực áo bởi tôi luôn luôn làm mọi việc với tinh thần tác chiến của một người thanh niên.
Bình luận (0)