Treo bản đồ Tổ quốc

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ

Tấn Đạt
Tấn Đạt
24/12/2023 07:30 GMT+7

Rất nhiều ý kiến hưởng ứng về cuộc vận động "Tự hào một dải non sông"do T.Ư Đoàn phát động. Các nhà sử học, các chuyên gia... tích cực ủng hộ mạnh mẽ và hiến kế thêm nhiều giải pháp để cuộc vận động lan tỏa sâu rộng.

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ- Ảnh 1.

Người trẻ hưởng ứng treo bản đồ Tổ quốc tại nơi làm việc

N.Q

Biểu hiện của sự nhận thức về lãnh thổ, chủ quyền

Các cụ từng nói "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", ý thức về lãnh thổ, quốc gia, không gian sống đã có từ xa xưa. Trước đây, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng lên bản đồ Tổ quốc Việt Nam trong một sự kiện vào năm 1946 để thể hiện ước mong lớn nhất của người dân, không chỉ độc lập mà còn là câu chuyện 3 miền Trung, Nam, Bắc thống nhất với nhau.

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ- Ảnh 2.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

NVCC

Tôi nhớ ngày xưa dân ta còn lập bàn thờ Tổ quốc trong gia đình, bao giờ cũng có một dòng chữ "Tổ quốc trên hết" rồi được lan rộng khắp nơi. Song mỗi nơi sẽ có cách thể hiện khác nhau, cũng có thể là Quốc kỳ hoặc bản đồ đất nước Việt Nam.

Ngày nay, bản đồ không chỉ là yếu tố chỉ dẫn địa lý mà còn là biểu hiện của sự nhận thức về lãnh thổ, không gian sinh sống, chủ quyền. Nhắc nhở cho mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ. Chính cái nền tảng, giá trị, tài sản ấy sẽ giúp đất nước Việt Nam "giao lưu với thiên hạ, thế giới".

Tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn. Cần chú trọng đến vấn đề thiết kế, làm sao khi đặt bản đồ ở một nơi nào đó phải đem lại sự thoải mái, hài hòa, không gò bó, khiên cưỡng. Hãy để bản đồ Việt Nam mang vẻ đẹp tự nhiên, mọi người đều có thể chiêm ngưỡng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

"Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương"

Cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn với nội dung tuyên truyền treo bản đồ Việt Nam tại nơi học tập, lao động, làm việc là một hình thức giáo dục trực quan, sinh động. Điều này giúp cho mỗi người, đặc biệt là trẻ em có ý thức về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước, biết thêm về vùng miền khác.

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ- Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

NVCC

Không chỉ trong nhà, lớp học hay công sở, tôi nghĩ nên treo bản đồ ở những nơi như sân bay, ga xe lửa, bến xe, điểm đến du lịch để du khách đến và nhìn thấy ngay toàn vẹn lãnh thổ vùng miền của đất nước VN.

Tôi có đề xuất hãy in bản đồ Việt Nam ở bìa vở (thay cho hình ảnh con người, cảnh vật thiên nhiên hay bảng cửu chương…). Mỗi ngày soạn tập vở là học sinh thấy bản đồ Việt Nam, hoạt động này nếu thực hiện tốt thì mọi người sẽ có ý thức về chủ quyền toàn vẹn thống nhất.

Tôi mong sao bây giờ trong mỗi lớp học có được một tấm bản đồ Việt Nam, để hằng ngày con em chúng ta luôn nhìn thấy và nhớ rằng "Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM

Thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Tôi thấy việc treo bản đồ Việt Nam ở nơi làm việc mang ý nghĩa to lớn và có tác động sâu rộng. Cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giúp nâng cao hơn nhận thức của nhân dân về biển, đảo.

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ- Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang

NVCC

Hy vọng khi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống tuyên truyền xuyên tạc thì việc phát hiện các ấn phẩm tài liệu hoặc phim ảnh có cài cắm các chi tiết không đúng sự thật sẽ càng dễ dàng hơn.

Cuộc vận động này sẽ tăng cường nhận thức của công chúng. Một công chúng nhận thức cao sẽ đưa ra những quyết định chính xác và có ý thức khi tiếp xúc với sản phẩm văn hóa không phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang, Công tác tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục phát triển bền vững, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Cuộc vận động sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực

Tôi đồng tình và ủng hộ cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn. Đây là một hoạt động ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền quốc gia đến tất cả mọi người nhằm nâng cao nhận thức về toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, lòng tự hào dân tộc, từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến để góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ non sông đất nước ta.

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ- Ảnh 5.

Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn

NVCC

Hiện tại, đơn vị tôi đang xây dựng nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở từng phòng, lớp học. Nếu lồng ghép việc treo bản đồ Việt Nam vào không gian sẽ trở nên sinh động hơn, từ đó các thầy cô, học sinh sẽ được nuôi dưỡng về tình yêu quê hương đất nước, với chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn giáo dục công dân
Trường THCS - THPT Diên Hồng, TP.HCM

Treo bản đồ để phản bác những luận điệu sai trái

Cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn rất ý nghĩa, giúp giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung thể hiện lòng yêu nước, tự hào về toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Nhắc nhở mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ- Ảnh 6.

Nguyễn Khắc Quốc Huy

TẤN ĐẠT

Cuộc vận động này giúp mọi người chủ động "biết - hiểu" đúng về bản đồ Việt Nam là biểu tượng của chủ quyền quốc gia, sự đoàn kết, niềm tự hào dân tộc.

Từ đó, hành động treo bản đồ sẽ phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thông tin xấu độc trên không gian mạng về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, biên giới và hải đảo, nhất là chủ quyền không thể chối cãi về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Nguyễn Khắc Quốc Huy, Bí thư Đoàn P.8, Q.10, TP.HCM


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.