Sáng 15.10, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp 8 của Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành phần lớn thời gian nói về công tác phòng chống tham nhũng cũng như vấn đề đối ngoại của đất nước, trong đó có Biển Đông.
Chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm
Liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đảng, Nhà nước có rất nhiều cố gắng, là điểm nhấn trong nhiệm kỳ này, kết quả được dư luận trong nước và cả quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định “còn nhiều việc phải làm” vì đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, là cuộc đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người một.
Thông tin tới cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay từ đầu nhiệm kỳ tới nay, hơn 70 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, 14 nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 1 nguyên phó thủ tướng Chính phủ, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. “Tại Hội nghị T.Ư lần thứ 11 vừa rồi tiếp tục thi hành kỷ luật khai trừ Đảng 2 nguyên ủy viên T.Ư, nguyên Bộ trưởng TT-TT. Lúc đầu cãi ghê lắm chứ có nhận lỗi đâu. Mà đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng, còn về hành chính phải tương ứng, về hình sự phải tiếp tục làm”, ông nói.
Không nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc
Liên quan tới đối ngoại, trong đó có vấn đề Biển Đông mà nhiều cử tri quan tâm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay Hội nghị T.Ư lần thứ 11 vừa qua đã dành một buổi trong chương trình làm việc nghe báo cáo về tình hình đối ngoại để có thông tin và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong T.Ư. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, quan hệ đối ngoại của chúng ta vừa qua là tốt, nhưng mỗi khu vực, địa bàn cũng có những vấn đề phức tạp riêng, đặc biệt là vấn đề biên giới, biển đảo.
“Ta ký được biên giới với Trung Quốc bao nhiêu năm nay, phân định được vịnh Bắc bộ, bây giờ đang đàm phán phân định cửa vịnh Bắc bộ, tiếp tục tìm tiếng nói chung, khai thác chung. Hai bên mà căng thẳng, cả đôi bên cùng thiệt”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và cho rằng vấn đề Biển Đông phải đặt trong tổng thể, xử lý hài hòa giữa việc giữ quan hệ, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận xử lý mối quan hệ này không hề đơn giản vì nặng về bên nào cũng đều bị phê phán. “Nếu anh hung hăng đánh nhau, thắng thì tốt nhưng thua thì hậu quả sẽ ra sao? Không phải dọa đâu mà đây là tính toán lợi ích quốc gia, dân tộc. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước phân tích.
Phê phán một số phần tử cố tình kích động, to tiếng, lên gân, ra vẻ ta đây anh hùng, yêu nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề: “Nói như họ thì T.Ư Đảng, Chính phủ này không yêu nước? Tổng bí thư không yêu nước, vô trách nhiệm à?”. Từ đó, ông đề nghị phải cảnh giác với những phần tử cực đoan, những luận điệu xuyên tạc, không để bị kích động chia rẽ giữa lãnh đạo với nhân dân và xử lý vấn đề một cách hài hòa, biện chứng, toàn diện với con mắt chiến lược. “Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát rồi. Chúng ta cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta không bao giờ nhân nhượng”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Bình luận (0)