Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc Hoa sữa, qua đời ở tuổi 86

21/03/2022 10:22 GMT+7

Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc nổi tiếng Hoa sữa, đã qua đời sáng nay 21.3, hưởng thọ 86 tuổi.

Quê gốc ở Yên Thành, Nghệ An, nhạc sĩ Hồng Đăng ra Hà Nội và học Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1 năm 1956 cùng với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh…

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Đình toán

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu...

Trong đó, nhiều tác phẩm ông viết được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời).

Hai trong số những ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Hoa sữaBiển hát chiều nay.

Ca khúc Hoa sữa được ông viết năm 1978 cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ (đạo diễn Đức Hoàn). Phim xoay quanh công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau trận Điện Biên Phủ trên không.

Còn ca khúc Biển hát chiều nay là rung động của ông trước vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc trong chuyến đi thực tế dọc các vùng biển từ Quảng Ninh tới Cà Mau, được sáng tác trong khoảng thời gian 1979 - 1980. Dù không sáng tác theo “đơn đặt hàng” của bộ phim nào, nhưng Biển hát chiều nay lại được dùng trong nhiều bộ phim.

Điểm chung giữa hai ca khúc Hoa sữaBiển hát chiều nay là đều chỉ trở nên nổi tiếng sau khi ra đời nhiều năm. Như ca khúc Hoa sữa được đông đảo công chúng yêu thích khi ngôi sao ca nhạc ở TP.Hồ Chí Minh là Nhã Phương thể hiện vào thời điểm 10 năm sau khi ca khúc ra đời.

Tương tự, ca khúc Biển hát chiều nay sau 10 năm sáng tác đã trở thành ca ghi dấu trong lòng công chúng qua tiếng hát của nhiều ca sĩ như Ngọc Bích, Tuyết Thanh, Lê Dung, Cẩm Vân, Trung Đức, Thanh Lam, Thùy Dung, Thu Phương…

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, nhạc sĩ Hồng Đăng là người viết khúc tráng ca về biển Việt Nam như viết tình ca ngọt ngào của tình yêu đôi lứa.

Giai điệu và lời ca của Biến hát chiều nay đã đi vào lòng biết bao thế hệ công chúng: “Ơi biển Việt Nam, ơi sông Việt Nam! Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng... Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương. Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”.

Ca khúc nổi tiếng khác của ông là Kỷ niệm thành phố tuổi thơ (với những lời ca: “Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên"), được sáng tác cho những người con lên đường ra mặt trận biên giới, đến giờ vẫn chạm đến nhiều trái tim khán giả trẻ.

Vào tháng 10 năm ngoái, nhạc sĩ Hồng Đăng đã được vinh danh với giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội (giải thưởng Bùi Xuân Phái) với những cống hiến cho âm nhạc thủ đô.

Tác phẩm sớm nhất ông trình làng với thủ đô là thanh xướng kịch Sông hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 với sự tham gia chỉ huy của Nguyễn Hữu Hiếu.

Tiếp đó, nhiều sáng tác của ông gắn liền với Hà Nội như Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa

Tại lễ trao giải, ông đã không thể có mặt mà chỉ có vợ của ông, bà Lê Anh Thúy, lên nhận thay.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc và thế giới âm nhạc. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.