Nhạc sĩ nổi tiếng khấm khá từ tiền tác quyền ca khúc

Dạ Ly
Dạ Ly
08/06/2020 06:54 GMT+7

Khi thị trường đang có quá nhiều kênh để ca sĩ đưa ca khúc đến với khán giả, từ mạng xã hội đến các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, truyền hình..., liệu các nhạc sĩ Việt Nam có khấm khá hơn từ tiền tác quyền?

Top 10 nhạc sĩ thu nhập cao nhất từ tiền tác quyền là ai ?

Theo thông tin từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), các nhạc sĩ được nhận tiền tác quyền theo từng quý (3 tháng/lần). Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận tiết lộ: “Thông thường tôi nhận quý 1 (sau tết) và quý 4 (trước tết) là 2 quý cao nhất, 2 quý giữa năm thấp hơn. Trung bình 1 quý của tôi dao động từ 200 - 400 triệu đồng”. Các nhạc sĩ nằm trong top 5 sẽ có thu nhập dao động từ 200 - 700 triệu đồng/quý tùy theo số lượng bài hát sử dụng trong mỗi quý.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, việc nhạc sĩ có thu nhập cao từ tác quyền là do có thể viết đa dạng các thể loại âm nhạc ở nhiều lĩnh vực từ nhạc kịch, nhạc phim, nhạc trẻ đến nhạc thiếu nhi. “Mỗi ca khúc khi đưa vào hoạt động trong đời sống đều sản sinh ra doanh thu. Ca khúc càng “hot” thì tác quyền càng cao do lượt sử dụng nhiều. Sau này luật và các nguồn thu từ VCPMC chặt chẽ hơn nên các tác giả cũng được lợi. Điều hay nhất theo tôi còn là cho đến ngày tác giả mất thì phần bản quyền này vẫn tồn tại thêm 70 năm cho người thừa kế”, Nguyễn Hồng Thuận nói.
Riêng đối với các ca khúc mà nhạc sĩ viết độc quyền cho ca sĩ hay nhạc phim, hiện tại chưa có một khung giá nhất định. Theo lời các ca sĩ nổi tiếng thì giá cả tùy thuộc vào độ thân thiết giữa nhạc sĩ và ca sĩ. Số tiền các ca sĩ dành cho nhạc sĩ (tùy theo mức độ thân thiết) sẽ dao động từ 10 - 100 triệu đồng/bài.
Ngoài các nhạc sĩ trong top 10, những nhạc sĩ đang có thu nhập cao, sở hữu nhiều ca khúc hit hiện nay phải kể đến: Khắc Hưng, Đỗ Hiếu, Only C, Nguyễn Phúc Thiện, Phan Mạnh Quỳnh, Vương Anh Tú, Tiên Cookie, Nguyễn Hải Phong, Mr.Siro...
Về thu nhập từ tác quyền, ca nhạc sĩ Only C tiết lộ: “Riêng ở vai trò nhạc sĩ, qua các ca khúc hit như: Mình là gì của nhau, Bống bống bang bang (ca khúc phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể), Anh không đòi quà, Yêu một người có lẽ... mỗi quý tôi thu nhập khoảng trên dưới 100 triệu đồng”. Các nhạc sĩ khác có bài hit như Khắc Hưng, Đỗ Hiếu, Mr.Siro, Nguyễn Phúc Thiện... có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi quý không chỉ từ VCPMC mà còn từ Facebook, YouTube...
Nhạc sĩ nổi tiếng khấm khá từ tiền tác quyền ca khúc1

Ca nhạc sĩ Only C là tác giả của rất nhiều bản hit

Theo lời bà Phượng Phạm (quản lý ca sĩ, tổ chức chương trình): “Hiện nay mỗi bài ca sĩ của tôi đưa lên kênh YouTube thường sẽ đóng tác quyền khoảng 1,5 triệu đồng. YouTube và VCPMC hiện đã phối hợp với nhau khá chặt chẽ trong việc thu tác quyền ca khúc cho nhạc sĩ nên phần nào giúp họ có thêm thu nhập. Nếu không đóng tác quyền sẽ bị YouTube phát hiện cho ngưng ngay sản phẩm”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, cho biết tính đến cuối năm 2019 tổng số thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC là 4.259 tác giả. Trung tâm đã hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, phổ biến ở lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên môi trường kỹ thuật số; cảnh báo và báo cáo gỡ các link vi phạm...; hỗ trợ, tư vấn giúp tác giả tìm hiểu các vấn đề pháp lý để đảm bảo quyền, lợi ích trong trường hợp họ có nhu cầu chuyển giao tác phẩm, quyền tác giả. “VCPMC thời gian qua đã nỗ lực rà soát thị trường sử dụng âm nhạc. Luôn tích cực liên hệ, thuyết phục, đàm phán cùng các đơn vị sử dụng nhằm duy trì ổn định nguồn thu nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm...”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói. Đó là một trong các lý do giúp nguồn thu các nhạc sĩ khấm khá lên.

Vẫn còn nhiều khó khăn cho việc thu tác quyền

Theo thông tin từ đại diện VCPMC, ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, hiện vẫn còn một số đơn vị tổ chức biểu diễn luôn tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả. Có đơn vị lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua. Ngay cả các show diễn quy mô lớn, có doanh thu, giá vé cao vẫn... né tác quyền.
Nhạc sĩ nổi tiếng khấm khá từ tiền tác quyền ca khúc
Ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, vẫn còn các đài chưa thống nhất với VCPMC về mức nhuận bút, phương thức tính mức nhuận bút theo bài, lượt sử dụng. Một số đài đưa ra mức thù lao quá thấp so với mức VCPMC đề nghị, chưa phù hợp và hài hòa lợi ích đối với người sáng tác. Có đài viện lý do chưa đạt thỏa thuận về mức nhuận bút cùng VCPMC để đến nay vẫn không hoặc chưa trả tiền, gây thiệt hại lớn cho các nhạc sĩ trong thời gian qua. Đó cũng là nguyên nhân vì sao một số nhạc sĩ ở dòng bolero, trữ tình quê hương, dân ca... dẫu bài hát được phát rất nhiều lần trên truyền hình vẫn có mức thu nhập rất thấp.
Cụ thể như “ông vua nhạc sến” Vinh Sử, khi được hỏi thu nhập mỗi quý bao nhiêu, nhạc sĩ đăm chiêu kể: “Mấy tháng trước thu nhập trung bình của tôi khoảng 11 - 12 triệu đồng/quý. Số tiền này không đủ cho tôi mua thuốc uống. Hiện nay thì chưa nhận đồng nào”. Cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trước ngày ra đi cho biết có quý ông nhận được cao nhất khoảng 15 triệu đồng và có lúc chỉ vài triệu đồng.
Năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu là hơn 133 tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2018. Hiện VCPMC tiếp tục phối hợp với Sở VH-TT-DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố… triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả. Tổ chức các đợt công tác thu tác quyền tại từng địa bàn nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả. Tăng cường rà soát, phát hiện các kênh YouTube và link vi phạm quyền tác giả để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi phát hành trực tuyến. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc khai thác trên YouTube, đảm bảo tối đa lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Về sử dụng âm nhạc trên mạng xã hội, VCPMC đã đàm phán thành công và ký kết hợp đồng với Facebook về việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại lãnh thổ Việt Nam. Hiện đang tiến hành đối soát dữ liệu tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên Facebook, dự kiến sẽ tiến hành phân phối đến tác giả thành viên vào kỳ chi trả quý 2/2020.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.