Nhạc sĩ Vũ Thành An: Hãy vui từng ngày còn nhau
04/08/2017 06:34 GMT+7
Cơn mưa chiều của Sài Gòn ập đến trước buổi giao lưu của nhạc sĩ Vũ Thành An tại quê nhà, nhưng đã không cản bước chân của người mộ điệu vì tình yêu dành cho âm nhạc của ông và mong được nghe ông chia sẻ về những 'chuyện tình không tên'.
Tự động phát
|
Tấm lòng người mộ điệu
Hàng trăm người hâm mộ đã đến Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) thật sớm để chờ cuộc trò chuyện chiều tối qua 3.8 với tác giả của những Bài không tên, nhân dịp ông về nước ra mắt tập sách và CD Chuyện tình không tên. Người từ Long An, người từ Vũng Tàu tranh thủ công việc để kịp đến xin chữ ký của nhạc sĩ mà mình đã thuộc nằm lòng những bài hát của ông từ thời mới biết yêu. Có đôi vợ chồng từ Bình Thuận vào TP.HCM sáng nay để “xin một phút” chia sẻ với nhạc sĩ rằng: “Nhờ những bài hát của anh mà tôi đã cưa đổ bà xã mình”...
Cho lần gặp gỡ đầu tiên này, nhạc sĩ Vũ Thành An đã mở đầu bằng những lời cảm ơn: “Chuyến về nước lần này của An là để tạ ơn, yêu thương và phục vụ. An xin cúi đầu tạ ơn trời đã cho An sống đến ngày hôm nay, đã cho An chút khả năng để góp tiếng yêu thương cho đời. An xin cảm ơn cha mẹ, các anh chị em của An và người vợ cùng thân hữu bạn bè đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ cho An từ tấm bé đến giờ. An xin chân thành cảm ơn quý vị yêu nhạc vẫn còn quý mến những tác phẩm của An suốt bao năm qua”. Và đó cũng là lý do ông chọn 2 bài hát ông viết thời gian gần đây để thu trong CD sắp phát hành của mình: Cảm ơn trời, cảm ơn đời và Bước chân nở hoa. Nhạc sĩ cho hay ông những tưởng đã không có dịp gặp lại người thân, khán giả quê nhà vì năm 2016, bà xã ông bệnh nặng, ông là người chăm sóc cho bà từng bữa ăn, giấc ngủ. “Nếu mình không lo như vậy, bà không ăn, nếu mình không ngủ cùng phòng, bà không ngủ. Vì thế mà mình quyết định thôi, không đi nơi nào nữa... Nhưng nhờ ơn trời, ơn đời để mình có thể đứng đây hôm nay. Cũng có thể chuyến đi này là để từ giã các thân hữu...”, ông nói.
Dẫn dắt buổi trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Thành An là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Tuy đã ngồi ở vai trò này không ít lần, trong dịp giao lưu với Giáo sư Trần Văn Khê hay nhạc sĩ Phạm Duy trong không gian rộng hơn, nhưng nhà văn thổ lộ: “Tôi không run như lần này. Vì hai ông ấy là người “giang hồ”, “chịu chơi”, còn hôm nay nhạc sĩ đã là thầy tu”. Vì vậy, ông cũng xin khán giả đặt câu hỏi “nhẹ tay” với người nhạc sĩ hiện đã là Phó tế Công giáo.
Và từ giai điệu du dương của “chiều thơm ru hồn người bềnh bồng” (Bài không tên số 8 do ca sĩ Huy Luân hát), người hâm mộ được nghe chính nhạc sĩ tâm tình, dẫn dắt qua những miền ký ức của ông. Bởi theo ông: “Nghe một bài hát nào cũng làm mình nhớ lại thời gian khi câu chuyện ấy diễn ra, vì mỗi bài hát được viết như là sự ghi nhớ, để kỷ niệm cho từng câu chuyện ấy”. Ông đã nhớ rất nhiều khi tâm sự về “thời trai trẻ”, lúc viết những ca khúc đầu tiên bị chê ra sao, vì sao có Bài không tên cuối cùng rồi có thêm Bài không tên cuối cùng tiếp nối, hoặc ông bị người yêu trách: “Anh không yêu em hay sao mà không chịu viết bài hát tặng em”, để rồi bài Tình khúc thứ nhất ra đời (với thơ của Nguyễn Đình Toàn). “Mình cũng đã viết lời cho giai điệu để tặng cô ấy: “Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở”, nhưng khi đưa anh Toàn nghe thử, anh chê..., rồi bảo thôi để ảnh viết lời cho, vì lúc đó ảnh cũng đang có tình yêu. Thế là trong ngày hôm sau, Tình khúc thứ nhất hoàn thiện”.
Mua áo cưới cho bà xã bằng tiền tác quyền
Ông cũng tiết lộ đã dùng tiền tác quyền để mua chiếc áo cưới cho bà xã đầu tiên. “Sau khi bị 2, 3 cô người yêu bỏ, mình cũng hẫng hụt lắm. Đến lúc gặp người mà mỗi khi ở cạnh mình cảm thấy bình yên, thì quyết định lập gia đình. Hồi đó không hiểu sao mỗi lần gặp mình, bà run lắm, bối rối lắm, thế nên mới viết: Quấn quít vân vê tà áo (trong Bài không tên số 5). Đến khi cưới, thay vì thuê như nhiều người thời đó, bà lại muốn mua áo cưới, để kỷ niệm cho cuộc tình chúng tôi. Bà đã chọn chiếc đẹp nhất mà bà thích nên cũng mắc tiền lắm (ông cười), và mình thì sẵn sàng chiều”.
Nhạc sĩ cho rằng, trong mỗi bài hát ông viết dường như có dự cảm không hay lắm, như có một phần tương lai của mình trong đó. Như Bài không tên số 5, cho người nghĩ sẽ đi cùng mình suốt cuộc đời, lại thoảng những điều không vui. Hay Đời đá vàng, ông viết khi mình 31 tuổi mà chỉ thấy “toàn là sầu đau”. “Thanh niên lớn lên ai cũng mong có tình yêu của đời mình, có danh vọng, địa vị và có tiền. Mình lúc đó cũng có một chút danh, đang ở chỗ nhiều người muốn, nhưng sao vẫn thấy tại sao ta sống chốn này quay cuồng mãi hoài...”. Bài hát dừng lại ở đó đến gần 20 năm sau, trải qua những thăng trầm của cuộc đời, trải qua những mối tình đau, ông mới hoàn thiện để có những câu cuối: có một lần mất mát, mới thương người đơn độc, có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu, qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về, có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng. Nhạc sĩ bảo, ông viết “mới thương người đơn độc” còn là lời cảm thông của mình dành cho người vợ thứ hai, người đã mất chồng khi còn quá trẻ và đã một mình bươn chải nuôi hai con khôn lớn trước khi gặp ông...
Từ năm 1996, Vũ Thành An tuyên bố ngừng sáng tác tình ca, chỉ viết thánh ca, nhân bản ca. Ông nhậm chức Phó tế năm 2002 rồi lập Quỹ từ thiện Teresa. Năm 2012, quỹ này chính thức hoạt động tại VN cho đến nay, với mục đích giúp gạo và các thực phẩm căn bản cho người nghèo, người già neo đơn. Ông thổ lộ: “Có lẽ mình sẽ không đi lại được nhiều nữa, nên cũng phải chuẩn bị cho ngày mai. Và ông đã hát tặng khán giả, bằng giọng hát thật nhẹ nhàng và tình cảm: Nếu không gặp lại ở thế gian, thì xin hẹn ước tìm nhau bên kia đời... Hãy vui từng ngày còn nhau, một hơi thở cũng là ơn cao vời... (Nếu không gặp lại ở thế gian)”.
Sáng qua 3.8, nhạc sĩ Vũ Thành An đã có buổi thu âm (ảnh) cùng nhạc sĩ Đức Trí - người hòa âm một số bài hát do chính nhạc sĩ Vũ Thành An thể hiện: Bước chân nở hoa, Cảm ơn trời, cảm ơn đời... trong đĩa Vũ Thành An 74 - Chuyện tình không tên sẽ ra mắt trong đêm nhạc 18.8 của ông tại Le Royal, TP.HCM.
Theo nhạc sĩ Đức Trí, qua bao nhiêu năm tháng, nghe những bài nhạc sĩ Vũ Thành An viết giai đoạn sau này, vẫn thấy được phong độ viết của ông như ngày xưa. “Giai điệu đẹp, lời bài hát yên bình hơn, mang tính nhân văn nhiều hơn”, anh chia sẻ. Đức Trí đã nghe bản thu của chính tác giả gửi từ Mỹ về, tuy nhiên trong buổi thu âm sáng qua, không biết có phải vì cảm xúc khi về lại quê nhà đã khiến nhạc sĩ hát hay hơn. “Với các nhạc sĩ khi hát bài của mình, tôi nghĩ người nghe không chú trọng hình thức, giọng hát ra sao, mà chủ yếu là muốn nghe, cảm nhận tinh thần, tình cảm của người thể hiện thế nào. Ở đây, tôi thấy được sự rung động đó của ông khi thu, tuyệt vời lắm”, Đức Trí nói.
|
Bình luận (0)