(TNO) Diễn đàn Nhạc Việt trong mắt tôi những ngày vừa qua nhận được rất nhiều bài vở, ý kiến đóng góp của bạn đọc. Thanh Niên Online xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ và góc nhìn đặc biệt của bạn đọc mà diễn đàn nhận được.
Hôm nay là câu chuyện về cô bé Phương Mỹ Chi, một nhân vật mà theo chia sẻ của tác giả dù còn nhỏ nhưng đã được một bộ phận không nhỏ bạn đọc xem như là hình tượng “gột rửa” làng nhạc Việt và giới showbiz.
Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Nghe Phương Mỹ Chi, cảm thấy yêu nhạc Việt vô cùng
Tôi không xem cả The Voice lẫn The Voice Kids, nói chung là các thể loại show trên tivi. Công việc quá bận rộn khiến tôi không còn phân biệt được đầu tuần hay cuối tuần. Mặt khác, đã trót xem show nước ngoài, nên khi coi show nước mình làm thấy độ chênh xa quá, chả muốn xem nữa.
Mãi cho đến khi hiện tượng Phương Mỹ Chi bùng phát...!
Tôi có cái tật hễ ai thích cái gì là mình đâm ghét cái đó, bởi tôi cực ghét cái tâm lý bầy đàn, dễ a dua theo một cái gì đó đang là "hiện tượng"...
Nhưng lần này thì khác, tôi ùa vào đám đông đang hòa theo giọng ca của cô bé. Khi Hiền Thục nói Mỹ Chi làm tan chảy trái tim của khán giả, tôi thấy quả là nó làm tan chảy thật.
Khi Trấn Thành (dù rất hay "làm quá") quẹt quẹt nước mắt thì tôi vẫn thấy đó là cảm xúc thật, rất thật!
Cái màn "Dân ca 3 miền" đưa Mỹ Chi đến quảng đại quần chúng quả là thần sầu. Và càng xem lại càng thấy rất có thể Hiền Thục cố tình dàn dựng để đưa Mỹ Chi vào vòng sau.
Vì sao tôi nói vậy?
Vì Mỹ Chi hát nhiều nhất, vì Mỹ Chi hát cuối cùng và có nhiều điều kiện để có thể vượt trội so với hai bạn còn lại.
Ấn tượng ban đầu là như thế. Nhưng, càng xem lại nhiều lần thì càng thấy Mỹ Chi đi tiếp là xứng đáng. Vì nhiều lẽ; trong đó, có một yếu tố rất quan trọng: Em nhỏ này xử lý bài hát quá... xuất thần.
Khi cô bé cất tiếng, lập tức mọi người buộc phải chú ý. Tiếng hát của cô bé mảnh khảnh ấy không ngờ lại có một sức lôi cuốn lớn đến vậy. Mà lại rất đỗi tự nhiên, nhẹ nhàng. Chứ không phải giống cái cách thường thấy, khi một ca sĩ cố kéo lên nốt thật cao hay gầm cái giọng thật... rừng rú. Nếu Hiền Thục có dàn xếp (?), đấy cũng là một sự dàn xếp khéo léo và thậm chí, theo tôi, là cần thiết!
Mỹ Chi nổi tiếng nhờ vậy; và vẫn đang được yêu mến cũng bởi cái sự tự nhiên đó.
|
Việt Nam có khoảng chục chương trình ca hát phát nhan nhản hằng tuần. Trong lúc tuyệt đại đa số chọn hát ca khúc tiếng Anh (dễ đậu, bởi chính giám khảo cũng không phải là những người hát tiếng Anh xuất chúng) thì Mỹ Chi chọn hát các bài nhạc tiếng Việt.
Trong lúc tuyệt đại đa số chọn dòng nhạc thời thượng, với những bản phối mới thì Mỹ Chi chọn nhạc dân ca và hát theo cách mộc mạc nhất. Xem chương trình, không chỉ tôi mà nhiều người thích dòng nhạc dân ca trữ tình đều dễ có cảm giác nhạc cụ dường như chủ yếu để làm nền cho giọng ca mà thôi.
Cái sự đi ngược dòng ấy khiến Mỹ Chi được yêu mến, khi mà hình ảnh của em đưa những người lớn chúng ta quay trở về với một thời tươi đẹp, chưa từng thấy bóng dáng của những thị phi, nhiễu nhương của môi trường showbiz, chưa có bóng dáng của công nghệ lăng xê, chưa có những màn cởi đồ khoe thân, chưa có cái bình phong "nude để bảo vệ môi trường", chưa có những vũ điệu tào lao...
Khi ấy, chỉ có một ca sĩ, một micro đứng trên sân khấu, đem giọng hát của mình vỗ về khán giả. Rất tự nhiên, một cô bé 10 tuổi làm được cái chuyện mà chưa ai làm được: Nhắc nhở cho mọi người biết "giọng hát Việt" thì phải bao gồm 2 thứ là giọng hát (cô bé có) và phải là... Việt (cô bé dám).
Cái hay của dân ca là nó không cần bất cứ một sự lên gân nào. Bạn cũng không cần một trình độ nhạc lý "khủng" để xử lý nó. Cái chính - như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận định, qua vụ lùm xùm trong giới âm nhạc suốt thời gian qua - chính là tâm hồn. Mỹ Chi vẫn có những đoạn xử lý tinh tế, kỹ thuật, nhưng trên hết vẫn là phần hồn. Một giọng ca đầy đủ cảm xúc...!
Khi cô bé hát Quê em mùa nước lũ thì truyền được sự xót xa, khi hát Sa mưa giông cảm thấy một nỗi buồn man mác và khi hát Nhớ mẹ lý mồ côi thì lại khiến khán giả thấy tủi thân vô hạn. Những nét đẹp ấy không cần những màn xử lý thanh nhạc, chỉ cần bạn nhập tâm vào nó. Và Phương Mỹ Chi đã truyền được cái hồn ấy!
Mỹ Chi khác biệt không chỉ trên The Voice Kids mà còn trong cả cái sân khấu âm nhạc này. Ít nhất 3 người kể lại với tôi khi đến Sân khấu Trống Đồng và các phòng trà, khi Mỹ Chi cất tiếng thì tất cả đều im lặng rồi sau đó vỗ tay vang dội. Đấy là điều không có ngay cả khi sân khấu hôm ấy có Đàm Vĩnh Hưng.
Để gây sững sờ và làm "tan chảy" trái tim khán giả đôi khi chỉ đơn giản như Phương Mỹ Chi, vậy thôi.
Còn những ai chê Mỹ Chi không đa dạng thì, theo tôi, đấy là một sự đòi hỏi có phần quá quắt. Kêu Michael Jackson hát jazz, kêu Norah Jones hát rock, kêu Shania Twain hát rap thì còn ra thể thống gì nữa.
Mỹ Chi cứ hằng tuần xuất hiện, mặc nguyên bộ bà ba, cái kính cận to và cất giọng, thế là đủ.
Tôi tưởng tượng, rồi mai này em sẽ lớn, thành ca sĩ hay không nhưng có thể em sẽ ra đĩa, tập hợp những bài hát em yêu thích và hát. Và cái đĩa của em có lẽ cũng sẽ dung dị dễ thương như chính em, nằm lẻ loi trên sạp gồm đủ thứ ba láp hỗn tạp, nhưng chắc chắn vẫn sẽ có người mua.
Biết đâu, sự thành công của Mỹ Chi và những thí sinh dự thi cùng em sẽ cho ra một lớp nghệ sĩ tương lai, những nghệ sĩ thực thụ đi lên bởi tiếng hát và một tâm hồn biết rung cảm bởi nghệ thuật chân chính.
Sau khi nghe Hà Trần hát Đỗ Bảo, giờ lại được nghe Phương Mỹ Chi, lại cảm thấy yêu nhạc Việt vô cùng.
Và từ đó, vượt trên những thị phi, vẫn cứ cảm thấy yêu đời vô cùng...!
Ý KIẾN BẠN ĐỌC: Tương lai thế nào? Tôi bây giờ không còn thích đi đến sân khấu nữa, bởi bây giờ chúng ta đi xem hát chứ không phải là thưởng thức âm nhạc nữa. Sân khấu quá nhiều âm thanh và đèn màu chớp loạn xạ. Ca sĩ thì không đứng yên, cứ nhảy nhót liên tục lại thêm múa minh họa nữa. Có thể tôi dốt thật, chẳng thấy múa minh họa ăn nhập gì với bài hát. Nhiều ca sĩ hát mà tôi chẳng hiểu họ hát gì vì không thể nghe được lời nhạc, như đang nghe một bài hát nước ngoài. Những bài hát thế hệ trước, ca sĩ đâu cần phải nhảy, đâu cần múa minh họa, tiếng hát lời ca vẫn đi vào lòng người. Những bài hát mà giai điệu thật đẹp, lời ca thật trang nhã như thơ. Nếu cứ như thế này thì nền âm nhạc Việt Nam tương lai sẽ... như thế nào?! (Đỗ Sơn Hà, dosonha54@gmail.com) Công nghệ cao, càng lao dốc Việt Nam bước vào thiên niên kỷ mới, đất nước phát triển kinh tế thị trường, công nghệ ố ạt đổ vào, nhạc Việt cũng ồ ạt phát triển, dòng “nhạc thị trường” dần xuất hiện, phát triển nhanh hơn. Nhưng buồn thay, công nghệ càng cao, làng âm nhạc Việt càng lao dốc rồi chựng lại ở mức bão hòa, hay dùng từ đau hơn là “thảm họa”. Nhạc sĩ chỉ cần 1 cây organ có thể hòa âm phát hành 1 bản nhạc. Ca sĩ chỉ cần 1 đĩa nhỏ + micro giả có thể đứng trên sân khấu lớn thể hiện những ca khúc, nội dung chỉ toàn nước mắt, chia lìa, chết chóc, nghe ca từ như nói huỵt toẹt hiểu liền khỏi cần động não, dàn nhạc công hoành tráng với tên gọi “cát-ca-đơ”. Buồn...! Bầu trời nhạc Việt mọc đầy sao. Tự phong cho mình những danh xưng đầy kiêu ngạo, tạo bầy đàn tâng bốc huyễn hoặc. Tôi có anh bạn thân (xin giấu tên) vì biết anh ta đã từng mài đũng quần 14 năm trong Nhạc viện TP, tốt nghiệp đủ các bằng cấp hạng ưu. Tôi có hỏi anh nghĩ gì về nền âm nhạc Việt hiện tại, anh ấy trả lời: “Cần trình độ… gì ông ơi, công nghệ hết, công nghệ lăng xê, công nghệ quen biết. Giờ tối ôm cây đàn đi làm, có việc là tốt rồi”. (Dương Phúc) |
Thanh Bình
>> Giọng hát Việt nhí: Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy và Quang Anh vào chung kết
>> Phương Mỹ Chi hát liên khúc của Hương Lan và Cẩm Ly
>> Clip: Phương Mỹ Chi mượt mà với 'Áo mới Cà Mau
>> Giọng hát Việt nhí': Phương Mỹ Chi diện tomboy hát 'Áo mới Cà Mau
>> Giọng hát Việt nhí: Phương Mỹ Chi hát ca khúc của Phi Nhung
>> Phương Mỹ Chi xúc động trước các bệnh nhi ung thư
>> Giọng hát Việt nhí: An toàn như Phương Mỹ Chi hay 'lột xác' như Vũ Song Vũ?
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 3: Đừng bắt trẻ con làm trò cho người lớn!
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 2: "Các bé chê nhạc Việt sến
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 1: Ghét nhạc Việt, chuộng nhạc Anh, nhạc Hàn
>> 50 nghệ sĩ tham gia Gala nhạc Việt
>> Gala nhạc Việt: 50 nghệ sĩ cùng đi trên "Con đường tình yêu
>> Bắt tay chấn hưng ca nhạc Việt
>> Một "Khởi nguồn" khác của nhạc Việt
>> Chương trình hòa nhạc Việt Nam - Lào - Campuchia
>> Đàm Vĩnh Hưng: "Ai xứng là ông hoàng nhạc Việt hơn tôi?
>> Chọn niềm vui cùng “tam Linh” của làng nhạc Việt
Bình luận (0)