Anh bạn tên Lý của tôi cười nói: “Anh đã uống nhiều loại chè rồi, nhưng chưa thấy có loại chè ngon đặc biệt như chè ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Bây giờ ít khi anh uống chè lắm, vì những loại khác đều xếp sau về hương vị. Cái vị đắng ở đầu lưỡi khi mới uống vào và về sau thì ngọt ở cuống họng dường như chỉ có ở loại chè này”.
Vượt qua đoạn đường hơn 12 cây số từ trung tâm huyện Văn Chấn, anh bạn dẫn tôi lên Suối Giàng để nhìn ngắm và thưởng thức chè Shan tuyết khi mặt trời chỉ vừa ló ra sau đỉnh núi. Nằm ở độ cao gần 1400m so với mực nước biển, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) hiện lên mờ ảo trong sương sớm, những đám mây vẫn còn vương vấn quyện lấy những đỉnh núi, những cánh rừng nguyên sinh và ấp ôm cả những cây chè cổ thụ lâu đời nhất Việt Nam.
Trong không khí hơi se lạnh của rừng núi Tây Bắc ấy, anh Giàng Thanh Sổng, người thôn Giàng B, xã Suối Giàng chủ cơ sở Đằng Trà sản xuất chè Suối Giàng mời tôi lại uống thử một ấm trà nơi đây. Trong tiếng ấm chén lách cách được dọn ra, tiếng xao xác của những ngọn chè được đưa vào ấm của một buổi sớm tinh mơ, anh Sổng bắt đầu kể tôi nghe những câu chuyện xoay quanh thứ chè đặc sản này, từ khâu chế biến cho đến cách pha, cách thưởng thức.
Những chiếc chén được làm từ sứ nung già ấm nóng lên sau khi tráng qua nước sôi để làm sạch bụi bẩn. Nước sôi chế đầy ấm rồi đợi khoảng 5 đến 10 phút. Khi rót trà, mỗi chén chỉ rót đến lưng chừng, vừa vặn khéo léo cho 3 người chúng tôi để khi uống xong chén thứ nhất thì lại đến lượt đổ nước sôi thứ hai vào ấm. Trong không khí se lạnh của buổi sớm, cảm giác vui thích xuất hiện khi cầm trên tay chén trà nhỏ nhắn ấm nóng. Từ từ ngửi hơi chè thơm trong chén, tôi nhấp một ngụm chè shan tuyết. Vị đắng dịu đến đầu tiên trong lưỡi rồi vị ngọt ngào thanh khiết dần dần lan toả nơi cuống họng sau vài câu chuyện chậm rãi với chủ nhà.
Một búp chè shan tuyết ở Suối Giàng. Gọi là chè shan tuyết bởi búp chè shan có màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết. Nghe anh Sổng trò chuyện tôi mới thấy, chế biến chè Suối Giàng cũng lắm công phu. Thuận lợi duy nhất là cây chè hợp khí hậu, hợp đất nên không cần phải chăm bón mà đến vụ người Mông ở đây chỉ cần đi thu hoạch vào vụ chè xuân tháng 3, tháng 4, vụ hè tháng 6 và một vụ vào tháng 9. Theo phương pháp thủ công, những búp chè mới hái về được luộc qua rồi vò cho xoăn búp chè lại, ôm lấy trong lòng những búp chè hương vị thanh khiết của núi rừng. Tiếp đến là công đoạn đánh tái rồi đánh khô những búp chè mới cho ra được một mẻ chè shan tuyết Suối Giàng.
Chè ở đây có nhiều loại và giá cả cũng khác nhau. Anh Sổng ra tận cây hái về cho tôi xem những ‘đẳng cấp’ chè khác nhau. Loại đắt nhất là ‘tôm’ (ngoài cùng bên trái) mang vị hơi đắng và chát. Loại tiếp theo là ‘một tôm một lá’ và ‘một tôm hai lá’. Cũng theo anh Sổng bật mí thêm, vì sự nổi tiếng của chè Suối Giàng nên hiện nay trên thị trường có nhiều loại chè từ các vùng khác nhưng đóng mác chè shan tuyết Suối Giàng. Khi pha xong lá trà phải nở ra như khi mới hái trên cây về thì mới là loại chè Suối Giàng thứ thiệt.
Một đồi chè cổ thụ ở Suối Giàng. Sẽ là một ấn tượng khó quên khi đến vùng đất này ngắm nhìn những đồi chè cổ thụ vừa lạ mắt, vừa mang sức sống mãnh liệt rồi nhâm nhi ngụm trà từ chồi non của những cây chè cổ thụ ấy trong cái nắng sớm ở vùng cao.
|
Bình luận (0)