Nhận biết dấu hiệu nặng ở trẻ mắc tay chân miệng

Liên Châu
Liên Châu
09/06/2023 08:17 GMT+7

Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ hiện tăng so với cùng kỳ 2022. Bệnh nhi tay chân miệng cần được chăm sóc y tế phù hợp để kiểm soát nguy cơ biến chứng.

BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ DƯỚI 5 TUỔI

Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm nay, khu vực miền Bắc ghi nhận 1.502 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM); không có ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 588 ca, tăng so với cùng kỳ năm 2022. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay cả nước có gần 9.000 trường hợp mắc TCM, trong đó 3 bệnh nhân tử vong.

Nhận biết dấu hiệu nặng ở trẻ mắc tay chân miệng  - Ảnh 1.

5 biện pháp phòng bệnh tay chân miệng

TƯ LIỆU BV NHI T.Ư

Số ca TCM có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

TCM do vi rút đường ruột gây ra, là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ thành dịch. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus (EV71). Biểu hiện chính của TCM là tổn thương da, các phỏng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối…

TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh TCM gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía nam, các ca mắc TCM có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm: từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hằng năm.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Môi trường sinh hoạt tập thể như: nhà trẻ, mẫu giáo, nơi vui chơi tập trung… là yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh.

3 dẤU HIỆU CẦN NHẬP VIỆN

Theo Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), có 3 dấu hiệu gia đình cần lưu ý để đưa trẻ mắc TCM nhập viện: trẻ sốt cao không đáp ứng điều trị, sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48 tiếng đồng hồ và thuốc hạ nhiệt paracetamol không có tác dụng; trẻ giật mình nhiều; trẻ quấy khóc dai dẳng.

Khi thấy trẻ bị TCM, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định mức độ bệnh và được điều trị phù hợp nhất.

Để phòng bệnh, cần cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên lau rửa các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày…

Theo Bộ Y tế, TCM có thể gây biến chứng thần kinh như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não, với biểu hiện: ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, yếu, liệt chi, co giật, hôn mê. Đó là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn… Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

Có 4 mức độ nặng khi mắc TCM. Độ 1: Trẻ có biểu hiện loét miệng và/hoặc tổn thương da; chăm sóc, theo dõi tại nhà. Độ 2: gồm 2a (dấu hiệu: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám; sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ) và 2b (dấu hiệu: giật mình, ngủ gà, mạch nhanh; sốt cao từ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, lác mắt; yếu chi hoặc liệt chi; liệt thần kinh sọ (nuốt sặc, thay đổi giọng nói…). Bệnh nhân (BN) mắc TCM độ 2 cần điều trị nội trú tại BV huyện hoặc tỉnh.

Độ 3: BN cần điều trị nội trú tại BV tỉnh hoặc BV huyện nếu đủ điều kiện. Các ca bệnh này có các dấu hiệu: mạch nhanh trên 170 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt); một số trường hợp có thể mạch chậm (dấu hiệu rất nặng); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; huyết áp tăng; thở nhanh, thở bất thường (cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản); rối loạn tri giác… Độ 4: Trẻ cần được điều trị nội trú tại BV T.Ư, hoặc BV tỉnh, huyện nếu đủ điều kiện. BN có một trong các dấu hiệu: sốc; phù phổi cấp; tím tái, SpO2 dưới 92%; ngưng thở, thở nấc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.