Nhận biết nguy cơ bệnh hen ở trẻ nhỏ

Liên Châu
Liên Châu
10/04/2024 18:08 GMT+7

Theo Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đánh giá mắc bệnh hen ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi, rất khó khăn. Cần phân biệt bệnh hen với bệnh lý viêm phổi, viêm tiểu phế quản, mềm sụn khí quản ở trẻ nhỏ.

Hội nghị Nhi khoa Việt Nam - Mỹ lần thứ 10 được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức trong 2 ngày 10 - 11.4, tại Hà Nội. Các chuyên gia nhi khoa hàng đầu trong nước và quốc tế đã cùng báo cáo và cập nhật điều trị các bệnh ở trẻ nhỏ như: hô hấp (hen, viêm phổi); dị ứng; nội tiết và tim mạch; kháng kháng sinh và xử trí sự cố y khoa, hồi sức - lọc máu.

Nhận biết nguy cơ bệnh hen ở trẻ nhỏ- Ảnh 1.

Các bác sĩ lưu ý về các triệu chứng liên quan nguy cơ mắc hen ở trẻ nhỏ

TL

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá hen ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi rất khó khăn. Do đó, hen ở trẻ nhỏ còn có các trường hợp chưa được chẩn đoán đúng, kịp thời. Cần phân biệt bệnh hen với bệnh lý viêm phổi, viêm tiểu phế quản, mềm sụn khí quản... ở trẻ nhỏ.

Cũng theo bác sĩ Nam, nên lưu ý đến bệnh hen khi trẻ có các triệu chứng: ho, khò khè tái phát, hay bị về đêm gần sáng, khi thay đổi thời tiết, khi tiếp xúc với dị nguyên. Khi nghe phổi thấy trẻ có ran rít, ran ngáy, khò khè. Triệu chứng báo trước có thể là: hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi.

Đồng thời, để chẩn đoán hen, cần làm các đánh giá cận lâm sàng (công thức máu, khí máu, X- quang phổi).

Bác sĩ Nam lưu ý, với các ca nghi mắc hen, bằng chứng tắc nghẽn đường thở, khò khè phải do bác sĩ xác nhận, tốt nhất bằng ống nghe (ran rít, ran ngáy). Trẻ có đáp ứng với điều trị hen và không có bằng chứng gợi ý chẩn đoán khác.

Để chẩn đoán hen với trẻ nhỏ, bác sĩ cần tìm hiểu kỹ về bệnh sử và thăm khám kết hợp đáp ứng với điều trị thử khi cần thiết. Theo đó, với trẻ mắc hen, khi điều trị thử liều thấp với thuốc chuyên khoa, sẽ có cải thiện trong 2 - 3 tháng khi dùng thuốc và xấu đi khi ngừng thuốc chuyên khoa.

Phòng ngừa hen cho trẻ nhỏ cần tránh các yếu tố khởi phát bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ; tiêm phòng cúm; tăng cường khả năng miễn dịch và thực hiện theo dõi và điều trị theo hướng dẫn.

Theo Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, tại trung tâm và các đơn vị chuyên khoa nhi khoa đều gia tăng các bệnh nhi nhập viện, do các bệnh thường gặp như: bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.

Các bác sĩ tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, thăm khám, đánh giá diễn biến sức khỏe cho các bệnh nhi

Các bác sĩ tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, thăm khám, đánh giá diễn biến sức khỏe cho các bệnh nhi

LIÊN CHÂU

Với bệnh về hô hấp, các tác nhân gây bệnh thường gặp như: virus cúm, các ca bệnh do virus RSV, viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma. Cũng có thời điểm trội lên các ca bệnh tay chân miệng, hoặc các trẻ bị sốt virus.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, các tác nhân gây bệnh khá thường gặp nêu trên vẫn có thể gây bệnh nặng với trẻ nhỏ. Các trẻ nhập viện là các ca viêm phổi nặng, sốt cao không thể hạ sốt được tại nhà và một số yếu tố khác có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cháu bé.

Với các ca viêm phổi nặng, diễn biến bệnh, điều trị cho các bệnh nhi vẫn là phác đồ chung, nhưng quan trọng nhất vẫn là cố gắng tìm đúng căn nguyên; theo dõi sát sao vì trẻ nhỏ diễn biến nhanh, đột ngột.

"Số trẻ nhập viện đang tăng lên trong thời điểm giao mùa. Mục tiêu điều trị của chúng tôi lúc này là các cháu được đủ điều kiện sức khỏe ra viện sớm nhất, hạn chế quá tải cho các cháu", bác sĩ Nam chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.