Nhàn đàm: Chuyện sân ga

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
12/06/2022 08:30 GMT+7

Huế. Đêm cuối tháng. Không có trăng. Sao thưa thớt. Ngược theo đường Lê Lợi lên sân ga, chúng tôi gặp khung cảnh khá nhộn nhịp phía góc đường.

Huế thường ngủ sớm, khác với các đô thị ồn ã náo nhiệt về đêm. Nên chi muốn tìm một nơi để hàn huyên bạn bè khuya thêm chút, chẳng nơi nào bằng lên sân ga. Dường như mấy chục năm qua, nơi đây vẫn vậy. Vài món cá khô nướng, hột vịt lộn, mực khô, bánh tráng, đậu phụng rang… Ngồi bàn thấp, ghế xúp cạnh ngọn đèn hột vịt tỏa khói như đã trăm năm. Đó là một nét đặc biệt khó lẫn. Bởi vậy, không biết đã có bao nhiêu kỷ niệm đi vào văn chương, báo chí hoặc các ý tưởng nghệ thuật thành hình từ nơi đây, dù chỉ bỏ ra “vài ba trăm bạc” như cách nói của người Huế, để ngồi cho đến khuya lắc khuya lơ nghe tiếng tàu đêm xịch đến rồi dời đi.

Đã đôi lần ngồi đó với bạn bè. Và mỗi khi như vậy, lại liên tưởng miên man về câu chuyện của những sân ga. Như hôm nào đó trước mùa dịch Covid-19, quăng túi xách lên toa tàu rời đi từ ga Sài Gòn về ga Tam Quan (Bình Định). Nhìn qua cửa, thoáng thấy cặp tình nhân rời tay nhau trong hồi còi dài tiễn biệt. Một dì lớn tuổi ở Quảng Ngãi vào Sài Gòn thăm vợ chồng con gái và chữa bệnh ở lại mấy tháng giờ lên tàu về lại quê nhà. Dì buông một câu khiến tôi giật mình: “Nhớ quê quá, mà bác sĩ bảo phải ở lại tái khám mấy đợt. Không biết bầy heo bữa nay lớn chừng nào rồi. Con gái khuyên ở lại, mà đứng ngồi không yên”. Rồi dì lúi húi lấy tờ vé tàu phân vân, hỏi “tui ngồi đây có đúng toa không?”. Soi mảnh giấy ra ngọn đèn nhỏ trong toa, xem đi xem lại kỹ chút, tôi xác nhận: “Đúng toa đúng buồng rồi dì ạ”. Ở dưới gầm giường, túi to túi nhỏ con gái ấn lên cho. Dì cười: “Quà về cho mấy cháu, ngồi không đúng chỗ thì không biết làm sao mà di chuyển”.

Tàu chuyển bánh mải miết trong đêm. Tôi vớ quyển sách mang theo đọc rồi lơ mơ lúc nào không biết. Tiếng xình xịch ấy khiến bao người chẳng ai ngon giấc được. Nhưng giấc ngủ trên tàu đối với tôi lúc nào cũng đặc biệt. Bánh sắt nghiến đường ray, tiếng ù ù thổi qua ngoài cửa, tàu xình xịch đi về trong gió trong sương. Mấy lần trở dậy, qua mấy sân ga và í ới xuống lên. Coi đồng hồ: bốn giờ sáng. Nhoài người nhìn ra cửa toa, ga Nha Trang hiện ra với bảng chữ bằng đèn mờ mờ trong sương, cảm giác buồn lặng lẽ như hình dáng người đàn ông ngồi yên lặng ở chiếc ghế đá phía dưới kia, khi mọi người đã lên xuống hết. Hình như ông chờ chuyến tàu khác, không biết vào hay ra.

Cũng đã bao lần, từ lúc một mình bước lên chuyến tàu lần đầu tiên trong đời, tôi cứ có cảm giác như lên tàu là làm một cuộc phân ly. Dài hay ngắn, biền biệt hay gặp lại, cảm giác ấy như vẫn y nguyên, dù không phải chuyện của mình. Để đi một chuyến ngắn chỉ 12 km, từ sân ga quê nhà vào ga Đông Hà (Quảng Trị) mua mấy quyển sách hay những lần thức khuya thời sinh viên nhảy tàu gà gật ngủ quên, giật mình lo lắng khi tàu chạy vụt qua nhà ga khác. Có bơ vơ lạc lõng giữa sân ga trong đêm mới biết buồn đến nhường nào, nhất là khi tiền cạn túi, xe cộ khó khăn, đành phải ngồi ở sân ga cách vài chục cây số chờ chuyến tàu ngược lại!

Bởi thế, lúc ngồi với bạn bè đêm khuya ở ga Huế, trong tôi dường như thấm hết niềm vui hạnh ngộ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.